Chế tài thế nào đối với người nhẫn tâm dùng dầu hoả định thiêu sống mèo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ việc một chú mèo bị chủ nhân cho vào balo và đổ dầu thiêu sống xảy ra mới đây đã khiến mạng xã hội dậy sóng. Nhiều người đã đề nghị cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân có hành vi dã man này.

May mắn là chú mèo bị đổ dầu thiêu sống đã được cứu thoát, đưa đến Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội để điều trị, nhưng trong tình trạng bỏng nặng, có dấu hiệu chấn thương tâm lý khi liên tục sợ hãi và bỏ ăn.

Sau khi sự việc xảy ra, nam thanh niên châm lửa thiêu sống chú mèo đã có thông tin phản hồi về sự việc trên trang cá nhân. Theo người này, do bế tắc về tài chính, công việc, gia đình và tình cảm và strees trong thời gian dài nên đã có hành vi dại dột đối với vật nuôi của mình. Ngoài việc xin lỗi, thanh niên này cũng bày tỏ nguyện vọng muốn được chi trả toàn bộ số tiền điều trị cho chú mèo.

Đáng buồn sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua, nhiều đối tượng trộm chó, mèo sử dụng đến chích điện, bả chó, hung khí đánh đập gây ra cái chết đau đớn cho chúng. Một số cá nhân khi nuôi chó, mèo làm cảnh, trong lồng sắt chật hẹp còn đánh đập, ngược đãi chúng khá thường xuyên, thậm chí có con chó còn bị chủ nuôi ném từ tầng cao xuống đất khiến nhiều người sợ hãi, phẫn nộ…

Chú mèo bị tẩm dầu thiêu sống đã may mắn thoát nạn

Chú mèo bị tẩm dầu thiêu sống đã may mắn thoát nạn

Được biết, Khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Tại Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 cũng nêu rõ, cần đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Như vậy, chó, mèo là vật nuôi. Hành vi đánh đập, ngược đãi chó, mèo là hành vi vi phạm pháp luật.

Về chế tài xử lý, Nghị định 14/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi đã quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Hành vi hành hạ, ngược đãi vật nuôi có thể hiểu là hành vi đối xử tàn ác; sử dụng vũ lực để đánh đập, bắt trói, giam cầm hoặc không cho ăn, không cho uống, không chăm sóc… vật nuôi. Đối chiếu quy định này, cá nhân có hành vi đánh đập chó, mèo có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng.

Theo Điều 3 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đánh đập chó mèo là 1 năm. Trừ trường hợp đánh đập chó mèo trong quá trình nuôi chó mèo làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 3-5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi: Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Đặc biệt, hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg; Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100-dưới 500 kg…

Mức phạt tiền trên áp dụng với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.