Xu hướng tiêu dùng của Gen Z dưới tác động của hiệu ứng FOMO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sinh ra trong thời đại Internet bùng nổ, Gen Z là thế hệ nhạy bén với xu hướng và luôn sẵn sàng bắt nhịp cái mới. Nhưng cũng chính sự kết nối thường xuyên với mạng xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ rơi vào hội chứng FOMO - nỗi sợ bị bỏ lỡ. Vậy trạng thái tâm lý này đang tác động ra sao đến xu hướng tiêu dùng của thế hệ Gen Z?

Khi nỗi sợ bị bỏ lỡ chi phối hành vi mua sắm của giới trẻ

Hiệu ứng FOMO - viết tắt của “Fear of Missing Out” - được hiểu là cảm giác lo âu, sợ hãi khi nghĩ rằng mình đang bỏ lỡ điều gì đó thú vị, hấp dẫn mà người khác đang được trải nghiệm.

Ở ngữ cảnh tiêu dùng, hội chứng FOMO xuất hiện khi ai đó sợ mình không kịp sở hữu một món đồ đang “hot” hoặc bắt kịp một xu hướng đang thịnh hành. Việc thấy người nổi tiếng hoặc bạn bè liên tục chia sẻ về một sản phẩm nào đó dễ khiến chúng ta muốn có được nó, chỉ để được “bằng bạn bằng bè”.

Người trẻ thường có xu hướng mua những món đồ giúp họ cảm thấy hòa nhập với nhóm bạn xã hội (Ảnh minh hoạ)

Người trẻ thường có xu hướng mua những món đồ giúp họ cảm thấy hòa nhập với nhóm bạn xã hội (Ảnh minh hoạ)

FOMO xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là khao khát đạt có được những thứ tốt đẹp hơn trong cuộc sống nhằm cải thiện tình trạng hiện tại của bản thân. Thứ hai là nhu cầu được hòa nhập với một nhóm hay cộng đồng cụ thể. Theo các chuyên gia tâm lý, con người có một nhu cầu tâm lý cơ bản là được gắn kết và duy trì các mối quan hệ xã hội ổn định và tích cực.Trong công trình nghiên cứu đăng trên Psychological Bulletin, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc thiếu sự kết nối xã hội có thể gây ra những hệ quả tiêu cực về mặt cảm xúc và tinh thần, từ cảm giác cô lập đến suy giảm giá trị bản thân.

Trong thời đại mạng xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen tiêu dùng, FOMO ngày càng phổ biến ở Gen Z. Hội chứng này khiến nhiều bạn trẻ đưa ra quyết định mua sắm dựa trên tâm lý đám đông, vì sợ lạc lõng hơn là vì nhu cầu thực sự của bản thân.

Những áp lực vô hình trên mạng xã hội

Hiện nay, cách giới trẻ sử dụng tiền bạc phần lớn chịu sự tác động lớn từ mạng xã hội. Mỗi ngày, họ tiếp xúc với một lượng lớn chiến dịch quảng cáo, cùng những hình ảnh về lối sống sang chảnh của người nổi tiếng, những khoảnh khắc lung linh được chia sẻ từ bạn bè. Trong bối cảnh đó, một món đồ thời trang được gắn mác “không thể thiếu trong tủ đồ”, một nhà hàng đang nổi hay chiếc điện thoại đời mới - tất cả đều có thể trở thành mục tiêu mua sắm của thế hệ này vì... sợ bị bỏ lại phía sau.

Nỗi sợ ấy thôi thúc người trẻ chi tiêu một cách cảm tính: vội vã đặt mua một sản phẩm đang “cháy hàng” trong các phiên livestream, tranh thủ săn đồ giảm giá dù không cần thiết chỉ vì sợ “bỏ lỡ sẽ tiếc”, hoặc bỏ ra số tiền lớn cho những món hàng xa xỉ người nổi tiếng đang sử dụng dù bản thân không thật sự yêu thích hay hiểu rõ giá trị của nó.

Xuất phát từ việc chi tiêu dựa trên cảm giác “hơn thua”, thay vì từ nhu cầu thực sự đang khiến nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh “cháy túi” hoặc sống trong áp lực tài chính kéo dài. Theo báo cáo thống kê FOMO của Credit Karma, 38% Gen Z từng chi tiêu vượt khả năng tài chính để đi du lịch, sau khi thấy hình ảnh kỳ nghỉ của người khác trên mạng xã hội.

Không ít bạn trẻ cảm thấy trống rỗng, hối hận sau khi mua sắm. Chia sẻ về trải nghiệm FOMO, Tuấn Linh (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Anh Quốc Việt Nam - BUV) cho biết: Bản thân có xu hướng sẵn sàng chi tiền cho những món đồ mà trước đó mình không mấy hứng thú, chỉ vì chúng được gắn mác “phiên bản giới hạn”. Tuy nhiên, sau những lần "săn" thành công, cảm giác hào hứng nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho sự tiếc nuối. Mua xong rồi để đó không dùng đến, có lúc mình tự hỏi tại sao lại lãng phí tiền bạc cho thứ không cần thiết như vậy. Cảm giác tiếc tiền cứ lặp đi lặp lại mỗi khi nhìn thấy món đồ đó”, Linh thừa nhận.

Sau khi gom hết tiền tiết kiệm để đặt mua máy ảnh film khi xung quanh bạn bè đều khoe những tấm ảnh polaroid chất chơi trên Instagram, Minh Tuấn (17 tuổi, học sinh trường THPT Hồng Bàng) nhận ra việc chụp ảnh film khá tốn kém và phức tạp - từ chi phí mua film, tráng ảnh đến cách sử dụng. Vì vậy, chiếc máy nhanh chóng bị cất vào tủ và gần như không được dùng lại.

Sinh viên Ngọc Diệp chia sẻ về một lần mua hàng vì hội chứng FOMO

Sinh viên Ngọc Diệp chia sẻ về một lần mua hàng vì hội chứng FOMO

Cũng rơi vào cảm giác FOMO, Ngọc Diệp (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể lại: Một lần khi xem livestream bán hàng, tôi vô tình lướt thấy một buổi live bán máy làm tóc, lúc đó chỉ còn 5 phút là hết khuyến mãi. Tôi bắt đầu lo lắng nếu không mua ngay thì sau này sẽ phải mua với giá gốc cao hơn. Cảm giác gấp gáp khiến tôi vội vàng đặt ngay”.

Sau khi mua về, Diệp nhận ra chiếc máy làm tóc không mang lại trải nghiệm như kỳ vọng: “Tôi có dùng nhưng không thực sự thích hay cảm thấy hào hứng với sản phẩm. Có lẽ tôi mua chỉ để cảm thấy yên tâm rằng đã kịp có được “món hời”, chứ không hẳn vì nhu cầu thật sự”, Diệp chia sẻ thêm.

Làm sao để Gen Z tiêu dùng thông minh hơn?

Gen Z cần bắt đầu từ việc xác định rõ điều gì là quan trọng với bản thân và theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Khi đã hiểu rõ mình cần gì, người trẻ sẽ không còn dễ bị cuốn theo vẻ hào nhoáng tạm thời trên mạng xã hội. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên chi tiêu cho những giá trị thật sự phù hợp với bản thân - điều mà các xu hướng nhất thời không thể thay thế và bù đắp.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, nhu cầu được thể hiện bản thân là rất lớn. Tuy nhiên, trước khi "đổ tiền" vào một món đồ đang rầm rộ trên mạng xã hội, hãy tự hỏi bản thân: Mình có thật sự cần món đồ này hay không? Nó có đem lại giá trị lâu dài và khiến mình hài lòng hay không?

Để hạn chế thói quen chi tiêu quá đà, các bạn trẻ nên chú ý hơn đến việc kiểm soát cảm xúc và ý thức khi mua sắm. Một số cách hiệu quả có thể áp dụng là: giảm thời gian sử dụng các ứng dụng dễ kích thích tiêu dùng, tham khảo ý kiến người thân trước khi đưa ra quyết định mua sắm và lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Ngoài ra, thay vì mua sắm để giải tỏa tâm trạng, hãy lựa chọn những hoạt động lành mạnh hơn như đọc sách, vận động, gặp gỡ bạn bè hoặc theo đuổi sở thích cá nhân.

Tham gia hoạt động tập thể giúp mỗi người thấy mình có giá trị và không bị bỏ rơi (Ảnh minh hoạ)

Tham gia hoạt động tập thể giúp mỗi người thấy mình có giá trị và không bị bỏ rơi (Ảnh minh hoạ)

Các chuyên gia tâm lý cũng khuyến khích giới trẻ thực hành “JOMO” (niềm vui khi bỏ lỡ) bằng cách hạn chế sử dụng mạng xã hội. Việc tạm rời xa không gian ảo sẽ giúp mỗi người cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống thực tại và giảm bớt áp lực phải so sánh bản thân với người khác.

Có thể nói hiệu ứng FOMO đang góp phần định hình hành vi tiêu dùng của một bộ phận Gen Z, phản ánh khát khao thể hiện bản thân và hòa nhập cộng đồng của thế hệ này. Tuy vậy, giữa muôn vàn xu hướng, điều Gen Z cần làm là lắng nghe những nhu cầu thật sự của bản thân, học cách tự quyết định những gì là phù hợp nhất với mình để trở thành những người tiêu dùng thông thái hơn.