Chế tài lỗi thời, học sinh vi phạm kỷ luật gia tăng

ANTĐ - Những năm gần đây, tình trạng học sinh đánh nhau, vi phạm kỷ luật ngày càng phổ biến, lên tới con số hàng nghìn vụ/năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định về việc xử lý học sinh vi phạm đã không còn phù hợp…

Chế tài lỗi thời, học sinh vi phạm kỷ luật gia tăng  ảnh 1Tình trạng học sinh vi phạm kỷ luật ngày càng phổ biến và ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục

Quy định có nhưng khó thực hiện

Với quan điểm “lấy giáo dục làm chính, đồng thời giữ nghiêm kỉ luật”,   từ năm... 1988, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 08/TT hướng dẫn việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh. Tuy vậy, do đối tượng điều chỉnh của thông tư này (các em học sinh) có sự thay đổi liên tục về tâm sinh lý cũng như hành vi ứng xử nên quy định này không theo kịp thực tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít học sinh “nhờn thuốc”. Trong khi đó, nếu nhà trường nào làm căng, phạt nặng hơn so với quy định sẽ bị phụ huynh dọa… kiện. Điều này khiến ban giám hiệu các trường, các thầy cô không khỏi đau đầu. 

Cô Nguyễn Thu Nga – giáo viên một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngoài chế tài không đủ sức răn đe, những văn bản hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh còn chưa đề cập đến các vi phạm của học sinh mới phát sinh trong thời gian gần đây như việc sử dụng mạng xã hội để nói nói xấu thầy cô, khích bác bạn bè, kết bè phái gây gổ, “chửi hội đồng”, tung các video clip cá nhân lên mạng… “Một số học sinh dù chỉ bị giáo viên phê bình vì lười học hay nói chuyện riêng trong giờ đã sẵn sàng lên Facebook đặt điều, nói xấu thầy cô, thậm chí lập ra nhóm kêu gọi tẩy chay thầy cô đó… Những thông tin này có sức lan truyền với tốc độ chóng mặt và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và tâm lý của giáo viên. Đáng buồn là những hành vi này lại chưa bị xử lý nghiêm khắc chỉ vì thiếu chế tài” – cô Nga chia sẻ.

Cũng theo quy định, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh mắc khuyết điểm có 5 hình thức: Khiển trách trước lớp;  Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học 1 tuần; Đuổi học 1 năm. Như vậy 2/5 hình thức là đuổi học. Trong khi đó, theo quan điểm của nhiều nhà quản lý giáo dục, đuổi học là một trong những biện pháp kỷ luật thiếu tính khả thi…

Đuổi học chỉ khiến mọi việc xấu đi

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010 đến nay, đã có tới trên 7.000 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Tệ nạn ma túy trong nhà trường cũng diễn biến rất phức tạp. Nạn đánh bạc, nhậu nhẹt, say xỉn trong học sinh, sinh viên (nhất là những đối tượng ở ngoại trú) cũng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, chế tài xử lý đối tượng vi phạm còn thiếu và yếu.

Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm, hình thức kỷ luật đuổi học không những không khả thi mà còn khiến tình trạng của học sinh xấu thêm. Ở các nước tiên tiến, hình thức này được áp dụng hiệu quả khi học sinh bị đuổi học sẽ được chuyển sang nơi khác kiểu như trung tâm giáo dục học sinh cá biệt. Song ở Việt Nam, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên việc đuổi học học sinh sẽ đẩy các em ra xa gia đình, trường học, dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, có thể tiếp xúc nhiều hơn với các đối tượng xấu…

Đối với học sinh vi phạm quy định, kỷ luật nặng là điều cần thiết để tăng tính răn đe, song việc lựa chọn hình thức nào cần cân nhắc kỹ lưỡng, có xem xét đến hoàn cảnh sống cụ thể của từng em. Từ trước đến nay, những biện pháp thường được áp dụng với những học sinh có hành vi vi phạm là viết kiểm điểm, mời phụ huynh, trừ điểm thi đua, cảnh cáo và nặng nhất là đuổi học. Các biện pháp này hầu như không phát huy được hiệu quả như mong muốn, không giúp học sinh nhận ra cái sai của mình mà thậm chí còn khiến các em thêm bất mãn, chán chường, mặc cảm, xấu hổ với bạn bè. “Tại sao chúng ta không thí điểm phạt học sinh vi phạm phải lao động công ích. Ngoài giờ học, các em phải làm những công việc nhất định dưới sự giám sát của các thầy cô và chỉ khi nào kết quả lao động tốt, hình phạt mới chấm dứt. Có như vậy, học sinh mới có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức. Để làm được điều này, ngay từ bây giờ, cơ quan quản lý giáo dục cần kiểm tra, rà soát tổng thể các văn bản liên quan đến việc quản lý, xử lý kỷ luật học sinh, để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” – PGS Văn Như Cương nói.