Cháy xe ra… biển giả

ANTĐ - Tình trạng sử dụng BKS giả để lưu hành phương tiện diễn biến ngày càng phức tạp. Ngoài việc xử phạt nghiêm về hành vi vi phạm Luật Giao thông, mục đích đeo BKS giả của những chủ xe cần phải được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

BKS: 30V-8088 của chiếc xe Mercedes cháy trên cầu Chương Dương được xác định là giả

“Mẹc” xịn đeo biển giả

Vụ việc được phát hiện gần đây nhất là chiếc xe nhãn hiệu Mercedes BKS: 30V-8088 đang lưu thông trên cầu Chương Dương bỗng dưng bốc cháy ngày 16-2 vừa qua. Thượng tá Lê Đức Đoàn-Đội CSGT số 1 là người đã dùng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy thuật lại, chiếc xe trên do lái xe Nguyễn Anh Tuấn (SN 1976), tạm trú tại tổ 37 phường Quan Hoa, Cầu Giấy điều khiển từ Gia Lâm hướng sang Hoàn Kiếm. Đến gần khu vực tháp đồng hồ trên cầu, chiếc xe này bỗng dưng cháy ở phần đuôi. Sau khi đám cháy được dập tắt, lái xe Nguyễn Anh Tuấn đã đưa chiếc xe này đi sửa chữa, không báo vụ việc với các cơ quan chức năng.

Điều đáng nói đây là lần đầu tiên một chiếc xe ô tô được liệt vào dạng sang bất ngờ xảy cháy. Và càng bất ngờ hơn khi BKS của chiếc xe lại được các cơ quan chức năng xác định là giả. Cụ thể, theo dữ liệu quản lý tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng hình ảnh của chiếc xe được kiểm định lần gần nhất vào giữa tháng 1 vừa qua tại một trung tâm đăng kiểm thuộc đơn vị xác định: BKS 30V-8088 được sử dụng cho một chiếc xe khác chứ không phải chiếc xe Mercedes này.

Chủ nhân của chiếc xe nhãn hiệu Toyota Corona sản xuất năm 1993 mang BKS trên là ông Nguyễn Xuân Thắng, ở Khương Trung, Hà Nội. Trung tá Đinh Văn Hòa-Đội phó Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT CATP Hà Nội cũng khẳng định, qua tra cứu hồ sơ quản lý phương tiện tại đơn vị, chúng tôi xác nhận BKS: 30V-8088 được cấp cho xe Toyota, 4 chỗ sản xuất năm 1993 của ông Nguyễn Xuân Thắng, ở Khương Trung, Hà Nội. Đại diện Phòng CSGT cũng cho hay, chiếc Toyota này đăng ký lần đầu ngày 21-11-1996 với BKS: 29 LD-0350. Sau đó chiếc xe được đăng ký lại ngày 29-12-2009 với BKS: 30V-8088.


Nguy cơ lớn, hình phạt nhẹ

Trao đổi với PV, Thượng tá Đoàn cho biết, khi sự việc xảy ra, do phải làm công tác cứu hộ cứu nạn đồng thời phân luồng giao thông nên tổ công tác không phát hiện được chiếc xe này đeo BKS giả. “Nếu biết BKS của chiếc xe này có vấn đề, chúng tôi sẽ lập biên bản, tổ chức báo cáo cơ quan chức năng để điều tra làm rõ ngay” - Thượng tá Đoàn khẳng định. Cũng về vấn đề này, phía đại diện Phòng CSGT thông tin, với chức năng đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT sẽ cung cấp, xác minh làm rõ BKS xe đang lưu hành là thật hay giả và được cấp cho ai, cho các đơn vị, cá nhân theo quy định khi có yêu cầu. Phía Sở CS PCCC cũng khá bất ngờ trước thông tin chiếc xe Mercedes trên mang BKS giả, bởi theo đại diện Sở CS PCCC, vụ cháy này được xem như là một sự cố tự dưng bốc cháy phương tiện, thiệt hại về tài sản không lớn. Cảnh sát PCCC không phải xuất xe chữa cháy, đồng thời lái xe tự mang phương tiện đi sửa chữa, không thông báo và đề nghị cơ quan CSĐT nên cũng không xác định nguồn gốc của chiếc BKS. Phần việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT. Cả đại diện Phòng CSGT và Sở CS PCCC khẳng định, nếu có yêu cầu của cơ quan CSĐT, cả 2 đơn vị trên sẽ phối hợp phục vụ cho công tác xác minh, điều tra vụ việc. Trung tá Hòa cũng khẳng định, với trường hợp lái xe Nguyễn Anh Tuấn điều khiển xe mang BKS giả như trên, Phòng CSGT cũng có thể áp dụng mức phạt “nguội”, gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú.

Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Khám nghiệm, điều tra TNGT, Phòng CSGT cho biết, tình trạng phương tiện sử dụng BKS giả hiện nay khá nhiều. Không chỉ có xe máy, ô tô và nhất là nhiều đối tượng sử dụng những loại xe thuộc diện cao cấp cũng đeo biển giả. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Trung tá Thảo nhận định, do mức xử phạt trung bình chỉ là 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày của người vi phạm rõ ràng chưa đủ sức răn đe. “Mức phạt khá thấp trong khi nguy cơ để lại từ những BKS giả này rất lớn như cản trở hoặc làm lệch hướng điều tra của cơ quan chức năng khi lái xe gây TNGT hoặc sử dụng BKS giả vào hoạt động phi pháp” - Trung tá Thảo lo lắng.

Song hành với những việc mờ ám

Trên thực tế, Phòng CSGT đã phát hiện rất nhiều vụ việc lái xe tải, xe khách đường dài sử dụng BKS giả để lưu hành phương tiện. Và điều trùng hợp là, hầu hết trong những vụ trên, lái xe đều dùng phương tiện chuyên chở động vật hoang dã, gia cầm, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Mới đây, Đội CSGT số 7 còn phát hiện trên chiếc xe tải mang BKS giả 30L-8679 chở hàng tấn gà bệnh đi tiêu thụ. Kiểm tra, trên chiếc xe vi phạm còn chứa rất nhiều BKS giả khác. Lái xe đã khai nhận qua mỗi địa phương sẽ sử dụng một BKS giả khác nhau để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan công an. Thượng tá Trần Sơn-Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra TNGT, Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cảnh báo, có trường hợp lái xe sử dụng BKS giả bị CSGT phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”, bởi trên xe chở ma túy. Nhiều đối tượng đi “siêu xe” chơi ngông khi đeo BKS giả. Tuy nhiên bộ phận này khá ít, bởi đa số các đối tượng dùng BKS giả để lưu hành phương tiện vẫn thường dùng vào những việc mờ ám.