Châu Âu “hồi sinh” điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo theo những hệ lụy ngày càng nặng nề, các quốc gia châu Âu đã quyết định “hồi sinh” các nhà máy điện hạt nhân dù trước đó đã có quyết định hoặc lên lộ trình “khai tử”.

Châu Âu thiếu điện trong mùa đông lạnh giá

Phát biểu tại buổi lễ tái khởi động năng lượng hạt nhân của Pháp được tổ chức ở Penly, Normandy mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng, tất cả các nước công nghiệp lớn ở châu Âu, bao gồm cả các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác, sớm muộn cũng sẽ “quay trở lại với năng lượng hạt nhân”. Nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Pháp được cho là tín hiệu khởi động cho chiến dịch “hồi sinh” năng lượng hạt nhân ở châu Âu trong bối cảnh cựu lục địa đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, đặc biệt là tình trạng thiếu điện trong mùa đông lạnh giá.

Nguồn cung năng lượng ngày càng khan hiếm trong khi nền nhiệt giảm sâu bất thường trong mùa đông 2022 khiến nhiều quốc gia châu Âu đối mặt nguy cơ mất điện diện rộng, bất chấp hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện gắt gao đã triển khai thời gian qua. Các quốc gia châu Âu vì thế phải triển khai thêm nhiều biện pháp “đau đớn” nhằm ứng phó trước nguy cơ thiếu điện trong mùa đông lạnh giá này.

Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, châu Âu đang “hồi sinh” điện hạt nhân

Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, châu Âu đang “hồi sinh” điện hạt nhân

Pháp mới đây đã công bố kế hoạch cắt điện luân phiên từ tháng 1-2023, ngay cả trong các khung giờ cao điểm. Theo đó, chỉ có những địa điểm quan trọng hàng đầu như bệnh viện, viện dưỡng lão, đồn cảnh sát, cứu hỏa… mới không bị cắt điện. Tuy nhiên, các trường học, tàu điện, máy rút tiền tự động… vẫn có thể bị cắt điện.

Tại Anh - nước hiện phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu để sản xuất 40% sản lượng điện cũng như phải nhập một phần lượng điện tiêu thụ từ một quốc gia cũng đang thiếu điện là Pháp - Công ty Lưới điện quốc gia đã thông báo tới các hộ gia đình về lịch cắt điện luân phiên, mỗi lần trong 3 giờ. Trong trường hợp xấu nhất, một số khách hàng có thể bị cắt điện để “bảo đảm an ninh tổng thể và tính toàn vẹn của hệ thống điện trên khắp Vương quốc Anh”.

Sau hàng loạt nỗ lực giảm tiết kiệm điện như giảm bớt nhiệt độ sưởi hay dừng cung cấp nước nóng rửa tay trong các toà nhà công cộng… không mang lại hiệu quả mong muốn, chính quyền nhiều địa phương ở Đức đã phải kêu gọi người dân dự trữ đèn pin, nến, quần áo ấm… đồng thời phổ biến các lưu ý khi mất điện diện rộng xảy ra trong mùa động rét buốt. Thụy Sĩ đã đề xuất cấm sử dụng xe ô tô điện nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mất điện toàn quốc, đi đôi với đó là hàng loạt quy định về cấm khai thác tiền điện tử, tắt thang cuốn…

Việc châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng như hiện nay, nhất là tình trạng thiếu điện, có nhiều nguyên nhân. Trước hết và quan trọng nhất được cho là nguồn cung năng lượng từ Nga bị hạn chế, đặc biệt là khí đốt - loại nhiên liệu đầu vào vô cùng quan trọng để sản xuất điện. Công ty Điện lực EDF của Pháp đã chứng kiến sản lượng điện giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua. Hệ quả là, Pháp từ một nước xuất khẩu năng lượng lớn đã trở thành nước nhập khẩu. Tại Thụy Sĩ, mùa đông lạnh buốt khiến các nhà máy thủy điện tê liệt vì nước đóng băng, dù nguồn cung này đáp ứng tới 60% nhu cầu điện của đất nước. Thụy Điển, Phần Lan... cũng chứng kiến sản lượng điện nội địa giảm mạnh trong tháng 12 vì những lý do khác nhau.

Nguyên nhân quan trọng khác là châu Âu vốn nương tựa vào nhau để hỗ trợ, cung cấp điện trong giờ cao điểm, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng đã khiến nhiều quốc gia “thân ai nấy lo”, không cung cấp điện cho nhau như trước. Để giải quyết khủng hoảng năng lượng, châu Âu đã ráo riết tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga nhưng chưa hiệu quả.

Đảo ngược chính sách điện hạt nhân

Trong giải pháp cấp bách cũng như trung hạn, châu Âu đã phải quay lại với điện hạt nhân, dù nhiều quốc gia ở cựu lục địa trước đó đã quyết định đóng cửa hoặc lên lộ trình đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Điện hạt nhân dù từng được cho sẽ bị “khai tử” song nay lại đứng trước triển vọng sáng sủa “hồi sinh” mạnh mẽ tại châu Âu.

Pháp hiện là một trong những quốc gia châu Âu dẫn đầu châu Âu về điện hạt nhân với 56 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp tới 70% nhu cầu năng lượng của cả nước và đang đầu tư xây thêm 6 lò phản ứng cỡ nhỏ thế hệ mới kiểu EPR (lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ ba) để sản xuất điện. Nhờ điện hạt nhân, Pháp không phải chịu quá nhiều sức ép khi giá khí đốt tăng vọt thời gian qua.

Trái ngược là nước Đức với chỉ có 3 lò phản ứng còn hoạt động mà theo dự định trước đó, cả 3 lò này cũng sẽ phải đóng cửa vào cuối năm 2022, theo lộ trình từ bỏ hạt nhân đã quyết định từ lâu. Trong khi đó, Đức lại là quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga nên trở thành nền kinh tế hứng chịu thiệt hại lớn nhất khi Matxcơva liên tục giảm bơm khí đốt cho châu Âu và thậm chí có thể cắt hẳn cung cấp khí đốt cho khu vực này trong mùa đông năm nay. Chính vì thế, từ chỗ “quay lưng”, Đức nay lại xem điện hạt nhân là giải pháp trong cơn khủng hoảng năng lượng, đã quyết định tạm dừng việc loại bỏ nhà máy điện hạt nhân, đặt 2 nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2, mỗi nhà máy có công suất 1.400 megawatt, trong “trạng thái chờ” nhằm đề phòng khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn.

Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đã lựa chọn việc hồi sinh năng lượng hạt nhân từ trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và đang tiếp tục đi trên con đường này. Hà Lan và Thụy Điển đã liên tiếp công bố các dự án mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đối với 2 quốc gia này, các thông báo về việc phát triển trở lại dự án điện hạt nhân đã đánh dấu sự đảo ngược sâu sắc trong chính sách năng lượng đưa ra trước đó.

Chính phủ Hà Lan đã có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân mới gần biên giới Bỉ để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, 2 nhà máy mới sau khi hoàn thành vào năm 2035 sẽ cung cấp 9-13% sản lượng điện cho cả nước. Bằng cách bổ sung điện hạt nhân vào tổ hợp năng lượng, nước này sẽ không chỉ giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến sản xuất điện mà còn bớt phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp nhiên liệu hóa thạch như khí đốt

Bỉ hiện có 7 lò phản ứng hạt nhân phát điện, cũng có kế hoạch đóng cửa dần như Đức, song nay cũng phải thay đổi 180 độ. Bỉ từng ủng hộ mô hình Đức dựa vào khí đốt và năng lượng tái tạo, chứ không theo mô hình Pháp dựa vào điện hạt nhân, nhưng nay đã phải trả giá quá đắt cho lựa chọn đó. Vì thế, Chính phủ Bỉ đang xem xét sử dụng điện hạt nhân thêm 10 năm nữa.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu. Châu Âu trong bối cảnh đó đã đảo ngược chính sách hạt nhân tưởng chừng đã định hình lâu nay ở cựu lục địa.