Chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Chưa rõ trách nhiệm

ANTĐ - Hôm nay, 9-12, kỳ họp thứ 3, HĐND TP bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Những vấn đề không mới nhưng đang gây bức xúc lớn hiện nay như ùn tắc giao thông, giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, xử lý các dự án “treo”... tiếp tục là chủ đề nóng.

ĐB Nguyễn Thị Thùy: “Chúng tôi muốn thấy bức tranh thật về tình trạng thất nghiệp”


Không có phường, quận nào bị xử lý

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã trả lời nhiều câu hỏi hóc búa về giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Vì đều là những câu nan giải nên ông Nguyễn Văn Khôi chưa trả lời đúng vào nội dung câu hỏi ĐB nêu. ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) hỏi: “10 năm qua, chưa di dời được bệnh viện, trường đại học nào ra khỏi nội thành. Những nhà máy di dời được lại dành đất xây chung cư thì sao hết được ùn tắc. Ai phê duyệt những dự án này? Trách nhiệm của TP tới đâu? Hè phố bị lấn chiếm tràn lan, đã có quận, phường nào bị xử lý chưa?”.

Tỏ ra rất am hiểu vấn đề, ông Nguyễn Văn Khôi nêu một mạch rất nhiều nhóm giải pháp lâu dài, trước mắt mà Hà Nội đang triển khai để giảm ùn tắc. Riêng phần “nhạy cảm” liên quan tới xây dựng hàng loạt khu nhà cao tầng trong nội thành, ông Nguyễn Văn Khôi đáp: “Cao tầng hay không là theo quy hoạch”. Về nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã có thanh tra, kiểm tra để từ đó đề xuất hướng xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm... Nghe tới đây, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh hỏi luôn: “Ý anh Khôi muốn nói là có các công trình cao tầng như thế là đều theo quy hoạch?”. Dường như không muốn nhắc tới những địa chỉ cao tầng đã và đang được xây dựng, ông Nguyễn Văn Khôi trả lời: “Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, Hà Nội không còn công trình cao tầng nào xây mới nữa...”.

Cùng ngồi bàn chủ tọa, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt dường như cũng chưa “hiểu” nội dung trả lời của ông Khôi: “ĐB Nguyễn Hoài Nam muốn hỏi về trách nhiệm của UBND TP trong việc xử lý các quận, phường buông lỏng quản lý hè, phố”. Không đưa ra được thông tin mới, ông Nguyễn Văn Khôi vẫn nhắc lại y nguyên câu trả lời trước đó. Sốt ruột, ông Lê Văn Hoạt hỏi thẳng: “Chúng tôi muốn hỏi là TP đã xử lý trách nhiệm phường, quận nào chưa?”. Đến lúc này, ông Khôi mới cho biết: “Số doanh nghiệp, cá nhân bị xử lý có tới trên 4.000 nhưng chưa có phường, quận nào bị xử lý...”.

Đứng lên tái chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam hỏi: “Như vậy, lỗi ở đây là do quy hoạch. Tôi muốn hỏi về trách nhiệm liên quan tới các công trình làm tăng dân số cơ học đã và đang xây dựng chứ không phải về Quy hoạch chung vừa được duyệt?”. Tới đây, Phó Chủ tịch UBND TP mới thừa nhận: “Các khu ở cao tầng có ảnh hưởng trực tiếp tới ùn tắc. Vấn đề này, TP xử lý đúng theo Quy hoạch chung, tức là thực hiện nghiêm việc không cho xây cao tầng trong nội thành nữa...”.


“Đặt hàng” cử tri giám sát dự án “treo”

Một nét mới ở phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 là HĐND TP đã dành thời gian “soát xét” lại các vấn đề đã nêu tại phiên chất vấn từ kỳ họp trước, xem UBND TP đã thực hiện lời hứa tới đâu. Dù đã được UBND TP gửi báo cáo trả lời cụ thể về xử lý vi phạm đất đai, dự án “treo” nhưng ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) chưa hài lòng. Ông tái chất vấn: “Số liệu về số dự án “treo” bị thu hồi chưa rõ. TP nói công khai danh sách dự án “treo” nhưng đã làm đầy đủ chưa?”. ĐB Nguyễn Thị Mai Sương (Đông Anh) hỏi: “Năm 2011, TP đã phát hiện, xử lý bao nhiêu đơn vị vi phạm pháp luật đất đai?”.

Phụ trách lĩnh vực đất đai, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trả lời rành rọt về số lượng các dự án “treo” đã được thành phố xử lý trong năm qua. Ông khẳng định, Hà Nội đã phạt hành chính 68 đơn vị với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, Hà Nội đã thu hồi 10 dự án “treo” với  tổng diện tích khoảng 53.000m2. Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định, đã công khai danh mục, tên tuổi các dự án “treo” trong diện phải thu hồi trên phương tiện truyền thông. Ông phân bua: “Tôi còn đang bị người ta kiện vì chỉ đạo đưa tên doanh nghiệp vi phạm lên Internet...”.

Đánh giá vi phạm đất đai có chiều hướng giảm trong vài năm trở lại đây, ông Vũ Hồng Khanh vẫn “đặt hàng” các ĐB HĐND TP và cử tri giám sát chặt chẽ các dự án có sử dụng đất. Trường hợp phát hiện vi phạm hay dự án “treo”, cần báo ngay để TP vào cuộc xử lý kịp thời. Vẫn chưa thực sự yên tâm, ĐB Diên lại đứng lên: “Hình như toàn dự án nhỏ bị thu hồi, chứ dự án lớn ít bị đụng đến?”. Ông Vũ Hồng Khanh trấn an: “Mọi vi phạm đều xử lý theo quy định của luật, không phân biệt nhỏ hay lớn. Dự án hàng trăm hécta nhưng làm tốt, không vi phạm thì chẳng ai xử lý được...”.


Số người thất nghiệp thực tế gấp 10 lần

Phần tiếp theo của phiên chất vấn dành cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Đình Đức trả lời các câu hỏi về an sinh xã hội, tạo việc làm mới và tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, do tình hình khó khăn của năm 2011, số lao động thất nghiệp đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp năm nay tăng gấp 4 lần năm 2010, lên tới 15.425 người. Dẫu vậy, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) không đồng tình với con số này: “Thống kê như thế thiếu rất nhiều, con số của Cục Thống kê đưa ra hoàn toàn khác. Theo tôi, số người thất nghiệp thực tế phải gấp 10 lần”. ĐB Thùy phê bình: “Tình hình như vậy nhưng giải pháp của TP nêu ra rất mờ nhạt, đề nghị chỉ rõ giải pháp hỗ trợ cụ thể để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt khó?”. Phân trần với ĐB, ông Nguyễn Đình Đức nói: “Số liệu tôi nêu là thực. Có thể số lao động mất việc lớn hơn nhưng nhiều người không tham gia đóng BHXH nên Sở LĐ-TB&XH không nắm được...”. Chưa hài lòng, ĐB Thùy nói: “Tôi khẳng định là thiếu rất nhiều. Chúng tôi muốn bức tranh thật về thất nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả...”.

“Tiếp sức” cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đăng đàn trả lời về tình trạng nợ đọng BHXH. Cụ thể, tại Hà Nội, hiện có 2.891 đơn vị chậm nộp BHXH với số tiền nợ trên 880 tỷ đồng. Các đơn vị này chủ yếu thuộc ngành giao thông, xây dựng cơ bản, cơ khí, dệt may... Trong đó, số nợ từ 3-6 tháng là 168,4 tỷ; nợ từ 6-12 tháng là 260,8 tỷ và nợ trên 12 tháng là 353,7 tỷ đồng. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, TP đã thực hiện nhiều giải pháp. Đáng chú ý, BHXH TP đã hoàn thành thủ tục và khởi kiện 27 đơn vị nợ ra tòa. Đến nay, đã có 3 đơn vị được xét xử, song số tiền thu được còn khá khiêm tốn, khoảng 300 triệu đồng. Phần trả lời rõ ràng của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận được sự đồng tình của các ĐB HĐND TP và không ai chất vấn thêm về vấn đề này.

 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Chưa thể hài lòng

“Bệnh viện, trường đại học cứ nói di dời nhưng mãi không làm được. Số ít nhà máy chuyển đi lại biến thành khu đô thị thì tất nhiên sẽ làm tăng dân số cơ học, tăng phương tiện giao thông và gây ra ùn tắc thôi. Tới đây, Chính phủ, TP phải quyết liệt giải quyết vấn đề này chứ nếu hàng loạt khu đất dôi dư sau khi trụ sở các bộ, ngành nằm ở vùng lõi của Hà Nội được di dời lại biến thành khu đô thị thì không thể hết ùn tắc. Riêng về phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, tôi chưa hài lòng. Tất nhiên, thành phố cũng không chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vấn đề này vì chỉ mình Hà Nội thì làm không nổi nhưng thực tế cũng có việc TP xử lý chưa quyết liệt”.
Phần đọc văn bản vẫn còn dài

Tại phiên chất vấn hôm nay, 9-12, phần đọc báo cáo trả lời của đại diện UBND TP còn khá dài khiến một số ĐB HĐND TP sốt ruột vì “chiếm hết thời gian dành cho chất vấn và trả lời trực tiếp”. Chủ tọa phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã nhiều lần nhắc nhở vị đại diện UBND TP đọc gọn lại, thậm chí quy định chi tiết cả số phút dành cho việc đọc nhưng rốt cuộc thời gian đọc vẫn bị kéo quá dài. Ở cuối phiên, Chủ tịch HĐND TP đã điều chỉnh, yêu cầu đại diện UBND TP không đọc báo cáo nữa bởi “nếu lại đọc sẽ hết thời gian để các ĐB có thể chất vấn”. Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa qua, các bộ trưởng đều đã được “miễn” đọc văn bản để dành thời gian trả lời chất vấn trực tiếp.