Chất vấn ra vấn đề

ANTĐ - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã khép lại sau 3 ngày sôi nổi. Chọn những vấn đề nóng để chất vấn, các ĐBQH không chỉ phản ánh nguyện vọng, yêu cầu của cử tri, mà còn phải theo dõi, nắm chắc vấn đề chất vấn, truy đến cùng căn nguyên và trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành. 

Với các Bộ trưởng, được chọn để trả lời chất vấn cũng là cơ hội được trình bày tại diễn đàn Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước về những vấn đề bức xúc. Có thể vấn đề chưa giải quyết được ngay, cần phải tìm ra giải pháp, Bộ trưởng có thể hứa trước Quốc hội. Đây chính là chất lượng chất vấn, là thước đo sự hài lòng của người dân trong các phiên chất vấn, vốn là nội dung được mong đợi nhất tại kỳ họp Quốc hội. 

Chất vấn là để cử tri được nghe rõ ràng, đầy đủ, qua đó thấy được trách nhiệm của đại biểu khi chất vấn là phải hỏi đến cùng, cho ra vấn đề, chứ không phải nghe Bộ trưởng trả lời “suôn sẻ” là thôi. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, quyền lực tối cao của Quốc hội cần phải được thể hiện trong mối quan hệ giữa các ĐBQH - là người được ủy quyền, và cử tri - là người chủ đích thực của quyền lực đó. Dân chủ được hiểu là ĐBQH chịu trách nhiệm trước cử tri và ĐBQH phải sử dụng quyền năng của mình để bảo vệ quyền lợi của cử tri. Theo dõi các kỳ chất vấn gần đây có thể thấy, dạng câu hỏi “để biết” đã bớt dần, trong khi đó, một số vấn đề đã được trao đi đổi lại và quyết nghị cách giải quyết. Ngoài ra, việc xem xét, kiểm điểm lại kết quả thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng đã được thiết kế, đưa vào nội dung một vài kỳ họp gần đây. 

Điều quan trọng nhất quyết định chất lượng chất vấn là các vấn đề “nóng” được tranh luận, làm rõ về trách nhiệm đối với các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Chỉ khi chất vấn ra vấn đề, rõ thực trạng, giải pháp và nhất là trách nhiệm của các Bộ trưởng thì hoạt động này mới thực sự hiệu quả, tạo ra sự đột phá trong đời sống kinh tế - xã hội.