Chàng trai đưa cốc-tai… có vị phở, sang Brazil thi thố

ANTĐ - Phạm Tiến Tiếp lấy cảm hứng từ hương vị món phở của đường phố và những trải nghiệm một thời chiến tranh trong căn hầm tránh bom tại Việt Nam của Joan Baez tạo ra tác phẩm đồ uống cốc-tai hết sức táo bạo để tham dự cuộc thi Diageo Reserve toàn cầu 2012 tại Brazil.

Phạm Tiến Tiếp đang pha chế cốc-tai

Chàng trai 24 tuổi, Phạm Tiến Tiếp nhân viên phục vụ quầy bar tại khách sạn Sofitel Legend Metropole không giật giải trong cuộc thi pha chế đồ uống có cồn quy mô quốc tế danh giá này nhưng ở Việt Nam, sáng tạo của Tiếp đã mang lại tiếng tăm cho sự nghiệp của anh.

Trước đó, tại vòng loại cuộc thi được tổ chức tại Nha Trang vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Tiếp đã đoạt giải nhất và bước vào vòng đấu tiếp tại Rio de Janeiro (Brazil- Hơn 10.000 nhà pha chế cốc-tai trên khắp thế giới đã trổ tài giành lấy 50 vị trí tại vòng đua chung kết ở Rio). Sáng tạo của anh, món cốc-tai mang tên Joan Baez là sự kết hợp hài hoà giữa các gia vị làm nên món phở, món ăn nổi tiếng nhất Việt Nam và kỹ thuật “dội bom” do anh sáng chế.

Ý tưởng pha chế món đồ uống này đến với anh khi anh thăm hầm tránh bom tại Metropole, nơi anh làm nhân viên pha chế rượu tại nhà hàng Ý Angelina.

Cửa vào hầm tránh bom tại khách sạn Sofitel Legend Metropole 

Tiếp chia sẻ: “Khi tôi nghe thấy tiếng bom trút xuống thành phố tôi từ mấy chục năm trước, rồi giọng hát thiên thần của Joan Baez từ cuốn băng ghi âm, tôi nảy ra ý tưởng dội những thành phần kiểu như dội bom từ cốc này sang cốc khác trên giá đỡ cốc để tạo nên món đồ uống của mình.”

Món cốc-tai của anh kết hợp 5 vị, rau mùi, bạch đậu khấu, thảo quả, quế chi và ớt, là những vị làm nên món phở đặc biệt.

Tổng giám đốc khách sạn Metropole, ông Kai Speth chia sẻ: “Dù không giành giải tại Rio de Janeiro nhưng tôi nghĩ Tiếp đã tạo nên một trong những loại cốc-tai đầy sáng tạo trong lịch sử của ngành pha chế đồ uống có cồn.”

Để thưởng thức món cốc-tai của Tiếp, người ta phải hít sâu để cảm nhận đầy đủ hương thơm của nó. Còn vị thì sao? “Vị ngọt đắng, như bài hát của Joan Baez”. chị Nhung, Giám đốc đối ngoại của khách sạn cho biết.

Khách sạn Metropole phát hiện ra hầm tránh bom sau vườn mùa hè vừa qua và mở cửa căn hầm như một tượng đài kỷ niệm vào tháng năm. Ca sỹ Mỹ dòng nhạc dân gian Joan Baez từng lưu trú tại Metropole năm 1972 đã ghi âm một phần bài hát của cô, bài hát “Con trai ơi, giờ này con ở đâu” tại căn hầm tránh bom của khách sạn thời kỳ bom Mỹ oanh tạc thành phố, vào giáng sinh năm 1972.