Chặn rượu trôi nổi, sẽ ngăn được rượu methanol

ANTD.VN - Để xảy ra tình trạng rượu pha cồn công nghiệp methanol bán ngoài thị trường khiến hàng chục người ngộ độc, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Phong

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo ANTĐ ngày 10-3, liên quan đến tình trạng bệnh nhân ngộ độc, tử vong do uống rượu pha cồn công nghiệp methanol gia tăng báo động trong khoảng gần 1 tháng nay.

- Để rượu chứa methanol tràn ra thị trường, đầu độc sức khỏe người dân như vậy, trách nhiệm chính thuộc về ai, thưa ông?

- Các bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo có hệ thống luật pháp chặt chẽ trong lĩnh vực mình quản lý. Các bộ, ngành cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định pháp luật của các cơ sở cũng như việc triển khai của cơ quan quản lý các địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm kiểm tra, giám sát đầu tiên và cao nhất phải thuộc về chính quyền các địa phương, cụ thể là UBND các cấp. 

Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm. Nhiều người nói rằng UBND xã phường không có cán bộ chuyên môn để phân biệt được rượu methanol với rượu thường, khó xử lý được vi phạm của cơ sở sản xuất, song nói như vậy là không được.

Dù không có kiến thức chuyên môn sâu về y tế, về ATTP nhưng điều đơn giản nhất là khi kiểm tra, nếu thấy sản phẩm, nguyên liệu sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nguyên liệu không được cấp phép sử dụng, không đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có thể xử lý ban đầu để ngăn chặn nguy cơ. Sau đó, nếu thấy còn nghi ngờ thì báo cáo, đề nghị cơ quan chuyên môn vào cuộc làm rõ hơn. 

- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Bộ Y tế đã có những động thái gì, thưa ông?

- Ngay sau khi xảy ra những vụ ngộ độc rượu nói trên, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Công Thương - cơ quan được giao trách nhiệm quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát. Vừa qua, Bộ Công Thương đã vào cuộc rất quyết liệt, thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra mặt hàng này.

Đặc biệt tại Hà Nội, cơ quan chức năng của thành phố đã truy tìm đến tận những cửa hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh bán các loại rượu gây ngộ độc này. Qua đó, đã niêm phong, thu hồi xử lý hàng nghìn lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hiện vẫn đang nỗ lực truy xuất nguồn gốc của rượu nhiễm methanol, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm.

Chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ người dân hạn chế uống rượu và dứt khoát tẩy chay, không sử dụng sản phẩm rượu bia không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ có vậy thì mới hạn chế được các ca ngộ độc đáng tiếc.