Chân dung hung thủ giết người, 10 năm "lột xác" giấu mặt khiến người vô tội phải chịu án chung thân

ANTĐ - 10 năm trước, vụ án mạng giết người, cướp tài sản tại tỉnh Bắc Giang mà nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1972), ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên đã gây chấn động dư luận với  hiện trường là người đàn bà chết trong vũng máu bên cạnh là đứa con 16 tháng tuổi khóc ngằn ngặt cũng đầm đìa máu. 

Vụ án nhanh chóng được khép lại với bản án chung thân dành cho “hung thủ” Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở cùng thôn với bị hại. 1 thập niên với 3.686 ngày đã khiến quá khứ ngủ yên chỉ còn đó người bị chịu án trong nhà tù và gia đình ở phía bên ngoài song sắt vẫn kêu oan từng ngày. Cho đến khi, hung thủ thật sự của vụ án ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, vụ án oan 10 năm mới được lật tẩy. Kẻ giết người “giấu mặt” chính là Lý Nguyễn Chung (SN 1988), ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ đây cũng là vụ án oan hy hữu trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Sau 10 năm bị kết tội giết người và phải chịu bản án chung thân cuối cùng ông Nguyễn Thanh Chấn cũng được thả tự do. Trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo, trong đó có việc minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn đang được các cơ quan tố tụng xem xét tiến hành. Để làm được điều đó cần phải kể đến việc xác định, truy bắt và đưa thủ phạm thực sự của vụ án ra trước pháp luật.

Nỗi buồn của ngành tư pháp

Hai ngày sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) công bố quyết định đình tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chúng tôi tìm đến Cơ quan điều tra của VKSNDTC. Với thẩm quyền điều tra một số loại tội xâm phạm tư pháp, đây chính là đầu mối điều tra tìm ra hung thủ thực sự của vụ án oan gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục điều tra VKSNDTC dành chút thời gian ngắn ngủi trong lịch làm việc bận rộn của mình để tiếp chúng tôi. Khi được hỏi về cảm giác của mình trước sự việc, ông Khoa trầm ngâm: “Sau khi xác định và vận động được đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, đồng thời đình chỉ thi hành án đối với Nguyễn Thanh Chấn, rất nhiều người hỏi tôi đây có phải là chiến công của Cục Điều tra VKSNDTC hay không, tôi đều trả lời là không. Bởi trước hết chúng tôi xác định đây là nỗi buồn của ngành tư pháp vì đã làm oan cho một người. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật. Kẻ nào gây ra tội ác phải bị trừng trị. Người bị oan phải được minh oan. Pháp luật phải được công bằng, chân lý phải được bảo vệ”. 

Từ lá đơn của 2 người đàn bà lam lũ

Kể về vụ việc mà Cục Điều tra theo đuổi trong suốt thời gian dài để truy tìm hung thủ giết người lẩn trốn đã đẩy người vô tội phải chịu án oan, ông Vũ Đăng Khoa Cục trưởng Cục điều tra VKSNDTC cho biết, đó là một buổi sáng mùa hè oi ả của ngày đầu tháng 7, có 2 người phụ nữ với dáng vẻ lam lũ tìm đến Cục điều tra của VKSNDTC để đưa đơn. Người đứng đơn là bà Nguyễn Thị Chiến SN 1965 trú tại xóm Me - xã Nghĩa Trung - huyện Việt Yên - Bắc Giang. Trong nội dung đơn, bà Chiến kêu oan cho chồng mình là Nguyễn Thanh Chấn đang thụ án chung thân về tội giết người tại Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an). Có một điểm của lá đơn này khiến các cán bộ tiếp nhận đơn của Cục Điều tra  - VKSNDTC đặc biệt chú ý. Đó là để chứng minh cho sự vô tội của chồng, bà Nguyễn Thị Chiến đã chỉ đích danh thủ phạm của vụ án giết người là Lý Nguyễn Chung và địa chỉ mà đối tượng này đang sinh sống. Kèm theo đơn kêu oan này là toàn bộ hồ sơ vụ án và cuộn băng ghi âm liên quan đến vụ việc. Sự việc sau đó đã được báo cáo trực tiếp lên Cục trưởng Cục điều tra. Nhận thấy dấu hiệu của một vụ án xâm phạm tư pháp, Cục điều tra VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến của Lãnh đạo VKSNDTC và sau đó cử cán bộ về xác minh tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi xảy ra sự việc. Kể từ đây những nghi vấn về một vụ án oan đã dần được làm sáng tỏ. 

Thông tin bất ngờ của người mẹ kế Trở lại vụ án giết người xảy ra vào tối 

15-8-2003. Sau khi các cấp xét xử tuyên án chung thân đối với Nguyễn Thanh Chấn và bản án có hiệu lực pháp luật, gia đình anh Chấn đã gửi đơn kêu oan nhiều nơi nhưng không có hồi âm. Tưởng như đã tuyệt vọng thì một cơ hội bất ngờ đã đến trong hành trình kêu oan cho ông Chấn. Hy vọng được nhen lên từ một câu chuyện bâng quơ nhưng có dấu hiệu cho thấy có thể tìm ra thủ phạm thật sự của vụ giết người 10 năm trước đây. Điều này đã được bà Chiến nhắc đến trong lá đơn kêu oan gửi tới Cục điều tra của VKSNDTC. Chắp nối lại sự việc từ đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến cùng lời kể của những người đi đưa đơn, các cán bộ của Cục điều tra đã dựng lên được những thông tin ban đầu của sự việc. Theo đó, dấu hiệu để bà Chiến khẳng định sự tồn tại ngoài vòng pháp luật hung thủ thực sự của vụ án xuất phát từ gia đình ông Lý Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Lành (sinh sống tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Do gia đình Chúc - Lành hay xảy ra mâu thuẫn, trong câu chuyện cãi vã hàng xóm nhiều lần nghe thấy bà Lành nhắc đến chuyện Lý Nguyễn Chung (con riêng của ông Lý Văn Chúc) chính là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân của vụ án mà ông Chấn đang phải chịu tội). Sau đó, trong một lần về thăm nhà, bà Lành đã kể lại hết những gì mình biết với bố đẻ là ông Nguyễn Văn Hiền (75 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên). Vì dằn vặt với lương tâm, ông Hiền đã 2 lần nói bóng gió với chị Chiến rằng anh Chấn bị oan ức quá, ông biết người giết chị Hoan là ai, nhưng sự việc xảy ra lâu quá rồi, bây giờ làm sao còn chứng cứ nữa. Với khát khao chứng minh sự vô tội cho chồng mình, bà Chiến đã cùng với những người họ hàng thu thập các bằng chứng về hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung sau đó cùng gia đình viết đơn gửi lên Cục Điều tra - VKSNDTC.

Xác minh hung thủ giết người

Sau khi các điều tra viên của Cục Điều tra - VKSNDTC có mặt tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xác định được chính xác có một “người thứ ba” tên là Lý Nguyễn Chung như trong đơn kêu oan mà bà Nguyễn Thị Chiến đã nêu. Để làm sáng tỏ sự việc, tổ công tác của Cục Điều tra đã bắt tay vào xác minh nhiều đầu mối, trong đó quan trọng nhất phải kể đến bà Nguyễn Thị Lành - mẹ kế của Lý Nguyễn Chung. Tổ điều tra đã bí mật làm việc với bà Nguyễn Thị Lành, người được bà Chiến viết trong đơn là nhân chứng phát hiện được sự việc giết người của Lý Nguyễn Chung. Cuộc làm việc với bà Lành đã hé mở cho cơ quan điều tra của VKSNDTC rất nhiều thông tin quan trọng. Theo đó, vào khoảng 20h đêm ngày 15-3-2003, ngày mà chị Hoan bị giết, bà Lành nhìn thấy Chung đi về nhà với vẻ mặt mệt mỏi. Vừa về, Chung vội vã lấy quần áo rồi đi tắm và leo lên giường đi ngủ. Sau đó bà Lành nghe thông tin về cái chết của chị Hoan. Sáng hôm sau, khi bà Lành dậy sớm giặt quần áo thì phát hiện bộ quần áo của Chung có dính màu đỏ như máu người nên đã gọi chồng là ông Lý Văn Chúc (bố đẻ của Chung) dậy. Nhìn thấy bộ quần áo, ông Chúc đã gọi Chung ra nói chuyện riêng. Ngay sau đó, Chung được người nhà đưa lên Lạng Sơn (quê của ông Chúc). Trước khi đi Chung còn mang theo cả bộ quần áo mà bà Lành nghi ngờ dính máu. Bà Lành đã không dám tố cáo sự việc này với cơ quan chức năng vì ông Chung đã đe dọa sẽ giết bà Lành nếu nói ra chuyện này. (Ngày 29-10-2013, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã có lệnh bắt khẩn cấp với Lý Văn Chúc về hành vi đe dọa giết người).

Hành trình lẩn trốn của hung thủ giết người

Sở dĩ Chung được đưa lên Lạng Sơn là vì ông Lý Văn Chúc trước đây sinh sống và lập gia đình ở Lạng Sơn. Sau khi sinh ra người con thứ ba là Lý Nguyễn Chung, người vợ đầu không may qua đời. Ông Chúc sau đó chuyển đến xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lành. Thời điểm ông Chúc đưa Lý Nguyễn Chung về Lạng Sơn vẫn còn 2 người con đầu của ông là Lý Thị Nghiến và Lý Văn Phú đang sinh sống ở đó. Tổ chức xác minh, tổ điều tra được biết người anh ruột của Lý Nguyễn Chung là Lý Văn Phúc đã bị chết năm 2005 do tham gia vào một cuộc ẩu đả giữa các băng nhóm tại Lạng Sơn. Lúc này chỉ còn chị gái của Chung là Lý Thị Nghiến sinh sống tại đây. Để tìm ra được dấu vết của Lý Nguyễn Chung, các cán bộ điều tra đã làm việc với Lý Thị Nghiến. Thông tin mà tổ điều tra thu thập được cho thấy, sau khi lên Lạng Sơn, Lý Nguyễn Chung được anh trai cho tiền để đi vào Đăk Lăk và sống trong một bản của người dân tốc Sán Dìu gốc Lạng Sơn đang lập nghiệp ở vùng này. Tiếp tục xác minh thì được biết, hiện Lý Nguyễn Chung vẫn đang sống tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. Như vậy, vấn đề đặt ra với Cơ quan điều tra VKSNDTC là để có thể khẳng định hung thủ thực sự của vụ án giết người đã xảy ra cách đây 10 năm còn ở ngoài vòng pháp luật hay không, cần phải làm sáng tỏ nhân thân Lý Nguyễn Chung.

Truy bắt nghi phạm

Ngay sau khi có được thông tin chính xác về địa điểm cư trú của Lý Nguyễn Chung, Cục điều tra của VKSNDTC đã lập tức làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Bộ Công an. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã cử một tổ công tác cùng với Cục điều tra VKSNDTC có mặt tại Đăc Lăk để lần theo dấu vết của Lý Nguyễn Chung. Tuy nhiên khi tổ công tác có mặt tại thôn Đoàn Kết xã Ea Kmút, huyện Ea Kar thì Lý Nguyễn Chung đã biến mất. Cuộc truy tìm tung tích của Lý Nguyễn Chung lúc này mới thực sự bước vào giai đoạn vất vả. Trong suốt 2 tháng liên tục các điều tra viên đã phải bám theo dấu vết di chuyển của đối tượng từ Đắc Lắc sang Đắc Nông, Gia Lai rồi ngược về Lạng Sơn sang Trung Quốc, quay về Quảng Ninh trước khi về lại Đắc Lắc. Trên đường lẩn trốn, Chung đã sử dụng trên 100 sim điện thoại hòng xóa dấu vết. Ông Vũ Đăng Khoa tâm sự: “Vào những lúc khó khăn nhất, niềm tin nội tâm của anh em chúng tôi đã xác định anh Nguyễn Thanh Chấn bị oan, nếu một ngày nào Chấn chưa được thả thì anh em chúng tôi còn ăn ngủ không yên và còn chưa làm tròn bổn phận của một người bảo vệ pháp luật”. Cục điều tra của VKSNDTC lúc này quyết định chia thành 2 tổ công tác. Một tổ công tác vẫn kiên trì bám sát theo những dấu vết của Lý Nguyễn Chung, một tổ công tác khác chủ động tiếp cận gia đình Chung, vận động gia đình để thuyết phục Chung ra đầu thú trước pháp luật. Bằng sự kiên trì, bền bỉ của các điều tra viên thông qua việc phân tích với gia đình Chung về độ tuổi gây án và sự khoan hồng của pháp luật, cuối cùng ngày 25-10-2013, những người thân trong gia đình Chung đã hẹn gặp được Chung ở huyện Krông Năng để đưa Chung ra đầu thú. Tổ điều tra viên của Cục điều tra VKSNDTC cho phép Chung được ăn bữa cơm cuối cùng với vợ con và gia đình trước khi dẫn giải Chung ra Hà Nội.

Thú nhận

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cục điều tra VKSNDTC, Lý Nguyễn Chung đã thú nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, theo đó đêm 15-8-2003, Lý Nguyễn Chung (khi đó mới tròn 14 tuổi 8 tháng) nhìn thấy chị Hoan đang ngồi đếm tiền sau buổi bán hàng. Tưởng chị Hoan có nhiều tiền, Chung đã lẻn ra phía sau rồi dùng dao giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng số tiền 59.000 đồng. VKSNDTC đã khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản, khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung về hai hành vi này. Đây chính cơ sở để sau đó cơ quan này ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án và trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau gần 10 năm giam giữ. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC hủy toàn bộ bản án đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội “giết người” để điều tra, xét xử lại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Đây chính là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo trong đó có việc minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau hơn 10 năm phải chịu tiếng oan giết người.

Những tháng ngày “lột xác”

Ngược dòng thời gian, lần dở lại hành trình di cư của “hung thủ giấu mặt” trong vụ giết người cách đây đúng 1 thập niên, những người tiếp xúc với Chung khi đó không ai có thể ngờ được Lý Nguyễn Chung lại là một kẻ giết người. Gần 4000 ngày ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu án oan trong trại giam cũng là gần 4000 ngày Lý Nguyễn Chung phải sống trong vỏ bọc  và không thôi ám ảnh về hành vi của mình đã gây ra. 

Vào những ngày gần cuối năm 2003, người dân xã Ea Kmút - Đắk Lắk thấy sự xuất hiện của một cậu bé… lạ mặt. Với dáng người gầy còm, ốm yếu, câu bé thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong xã Ea Kmút. Hỏi han thì cậu lí nhí nói rằng tên là Lý Nguyễn Chung. Rồi sự xuất hiện của cậu bé lạ mặt cũng trở nên quen thuộc và không ai để ý với sự xuất hiện đó bởi thời điểm này diễn ra cuộc di dân ồ ạt của người dân trên khắp các địa phương đổ về đây xây dựng kinh tế mới, rồi ở lại sinh sống, làm ăn, sinh con đẻ cái. 

Chung vào Tây Nguyên một mình, không có gia đình người thân đi theo. Tuy thân cô thế cô mà lại còn ít tuổi nhưng Chung rất chăm chỉ lao động trong một nông trường cao su đóng trên địa bàn xã Ea Kmút khiến nhiều người thương cảm. Bà Trần Thị Thông (SN 1952), ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút - người đứng ra cưu mang, dạy dỗ, coi Chung như một thành viên trong gia đình của mình nhớ lại: “Trước đây, gia đình nhà tôi buôn bán vật liệu xây dựng, trao đổi phân bón lấy nông sản cho bà con quanh vùng nên rất cần lao động phổ thông. Vào tháng 2-2004, một người làm công nhà tôi cho biết, trong nông trường cao su cách nhà 7-8km có một cậu bé người ngoài Bắc chịu khó làm lụng lắm! Cô chú có thuê nó không, cháu bảo nó ra đây. Lúc đó, tôi yêu cầu đưa thằng bé ra để xem mặt mũi nó như thế nào, rồi còn biết đường mà giao việc”.

Cho đến ngày gặp mặt đầu tiên, bà Thông kể tiếp: “Khi chúng tôi hỏi thì Chung cho biết: Tết năm 2003 cháu ăn Tết trong rừng cùng với một số người. Mẹ cháu chết sớm, bố cháu đi lấy vợ hai, không ở được nên cháu phải vào đây kiếm tiền. Động lòng trắc ẩn trước câu chuyện ấy nên gia đình chúng tôi quyết định nhận thằng bé vào làm. Chồng tôi còn dẫn nó ra công an xã để làm tạm trú, vào thời điểm đó nó cũng làm đơn xin tạm vắng ở trên quê, có xác nhận của công an địa phương hẳn hoi. Những cái Tết năm 2004, 2005 nó ăn Tết tại gia đình chúng tôi. Trong quá trình sinh sống tại nhà, nó là một người chăm chỉ với công việc. Ngoài mến những đức tính đó, cộng thêm việc thương tình cậu bé côi cút giữa nắng gió xa xôi, lại phải sớm vất vả mưu sinh nên gia đình chúng tôi coi nó như con cái trong nhà. Ông chồng tôi còn tạo điều kiện cho nó học bằng lái xe, việc dạy lái xe do con tôi đảm nhận, sau khi có bằng chúng tôi giao công nông, ôtô chở vật liệu xây dựng cho nó vận chuyển. Những công việc được giao nó đều làm tốt, không hề kêu ca, phàn nàn. Cuối tháng, tôi quyết toán trả tiền công nhưng nó không nhận, bảo cuối năm lấy cả thể. Sau cả năm lao động vất vả, nó gói ghém hết tiền công gửi về cho bố đẻ ở trên quê nhà. Trong khoảng thời gian từ 2004-2010, nó thường xuyên di chuyển nhiều nơi, vì chúng tôi cũng nói trước, con cứ thấy ở đâu công cao hơn thì con đến xin việc, khi không chỗ nào nhận làm nữa thì quay về đây làm cho “ba mẹ”. Cũng vì thế, nó đã có nhiều chuyến về quê ở Lạng Sơn và Bắc Giang để thăm nhà và chăm người cha đi viện. Có khi ra cả Hà Nội làm việc...”. Cũng trong thời gian này, Chung lập gia đình và sinh sống yên ổn như bất cứ người dân bình thường nào khác.

Ông Văn Công An, Trưởng thôn Đoàn Kết nhìn nhận: “10 năm trời sinh sống tại địa phương Chung sống được lòng rất nhiều người vì luôn giữ hòa khí và sự hài hòa. Chưa bao giờ anh ta gây gổ hay xích mích gì với bàn con xóm làng. Càng không có điều tiếng gì xảy ra trong khi sinh hoạt, thậm chí Chung còn được rất nhiều người ngưỡng mộ vì “biết làm biết ăn”, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương vào những thời điểm nông nhàn. Tôi thấy anh ta rất chịu khó, nắng cũng như mưa cứ đến mùa vụ đều chở ở đâu về rất nhiều mít, đến hàng tạ. Có lần đúng ngày trời mưa tầm tã, anh ta gặp tôi giữa đoạn đường trơn vẫn lễ phép chào hỏi những bậc bề trên”.

Nói về Chung, ông Hỗ Sĩ Minh, Trưởng công an xã Ea Kmút chia sẻ: “Vào thời điểm Lý Văn Chung đến địa phương sinh sống có khai báo tạm trú, sau khi xem xét bản khai báo tạm vắng của Công an xã Nhượng Bạn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) chúng tôi thấy hợp pháp nên chẳng có nghi ngờ gì. Mà thực tế cũng không ai ngờ được chuyện đó. Hiện Chung đã có gia đình và xin nhập khẩu hẳn vào địa phương”… Thực tế đến trước khi bị bắt Chung đã hoàn toàn “lột xác”. Cũng có lẽ, một mặt vì ám ảnh tội lỗi, mặt khác là để che giấu tội ác mà Chung phải sống tốt, hoặc lựa chọn cách sống như vậy để sám hối cho vết chàm trong quá khứ của mình.

Nỗi đau tột cùng của người vợ trẻ 

Trong sự bàng hoàng, xót xa khi quá khứ của chồng bị lộ tẩy, chị Trần Thị Ái Vũ (SN 1992) tâm sự: “Cho đến giờ phút này tôi vẫn không tin vào những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình nữa, mọi thứ đến và đi quá nhanh… Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, là người con thứ 4 trong 6 anh chị em, quê gốc ở Quảng Nam. Do gia cảnh nghèo khó nên tôi không được ăn học đến nơi đến chốn, cũng vì thiếu thốn mà phải lao động phụ mẹ mưu sinh từ bé. Tôi đến với Chung như một định mệnh. Đầu năm 2010, khi ấy tôi 18 tuổi, sau khi tích cóp được chút vốn liếng từ những tháng ngày làm thuê lam lũ, tất bật, tôi mạnh dạn đầu tư vào việc buôn bán hoa quả. Mượn được chút mặt bằng ngay lề phố huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, tôi nhập hàng bán cho những người dân xung quanh vùng. Trong một buổi chiều, đang bán hàng tôi thấy Chung chở dưa hấu qua phố nên liền gọi vào mua buôn. Thấy chàng trai to cao, khôi ngô lại ăn nói có duyên nên tôi đã có cảm tình với Chung ngay. Mối quan hệ giữa tôi và Chung - người bán hàng và người mua hàng đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Chung đã chia sẻ với tôi về cảnh đời của mình rằng bị mồ côi mẹ ngay từ khi còn bé, cũng phải bỏ học vì gánh nặng áo cơm. Cuộc sống với dì ghẻ khó thở nên đi tìm miền đất mới…

Cuối năm 2010, sau khi đã ngỏ lời yêu thương, chúng tôi tiến tới hôn nhân để tìm kiếm hạnh phúc vững bền. 4 năm chung sống trôi qua, vợ chồng chúng tôi đã có với nhau 1 cháu gái 3 tuổi, và chuẩn bị đón bé trai thứ 2 vào tháng 12 này. Trong quãng thời gian chung sống, Chung luôn luôn yêu thương gia đình. Chưa bao giờ anh biết đến một từ mắng vợ, chửi con, yêu vợ con hơn bản thân mình. Dù khổ cực, nhưng Chung không để cho vợ con phải đói. Chung vốn là người tham công, tiếc việc, không chịu để mình nhàn nhã, hết vụ thu mua mít về bóc tách thì lại đi làm thuê, ai bảo gì làm nấy, hôm nào mưa không làm thuê được thì chạy ra quốc lộ làm vài “cuốc” xe ôm kiếm tiền mua sữa cho con. Sau 4 năm đi lên từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng tích lũy để cố mua được một mảnh vườn nho nhỏ. Thời gian đầu hai vợ chồng chúng tôi cùng cô con gái ở căn nhà gỗ cũ kỹ, để đón đứa con trai ra đời anh đã cố vay mượn dựng lên một căn nhà xây be bé, sạch sẽ hơn”… 

Giờ đây cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đã khép lại, Lý Nguyễn Chung đã phải tra tay vào còng vị tội Giết người. Khi biết chuyện, chị Vũ bảo chị giận chồng vì đã không chia sẻ hết quá khứ, đã thế lại còn bỏ 3 mẹ con chị để tiếp tục lẩn trốn. Trong sự đau khổ tột cùng, chị Vũ đã 2 lần đi mua thuốc sâu về uống để 3 mẹ con cùng chết nhưng đã được người thân kịp can ngăn. Chị Vũ nói trong nước mắt: “Có thể anh ấy muốn chôn vùi vĩnh viễn tội ác khủng khiếp đó, hoặc là anh sợ nói ra sẽ đổ vỡ hết tất cả, đặc biệt là gia đình. Ngày anh ấy tra tay vào còng, dù trong lòng đã ngã gục nhưng tôi tự nhủ mình phải gắng vượt qua cú sốc tinh thần này. Đúng là với những gì vừa mới diễn ra chẳng khác gì cơn ác mộng trong những giấc ngủ đời người”.