Chặn dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm Tết Giáp Thìn

ANTD.VN - Dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, trong khi Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn trên cả nước, nhất là vào dịp cuối năm. Hà Nội phải làm gì để vừa ngăn chặn được dịch bệnh, vừa đảm bảo thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng về cuối năm?.

Đã kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tổng đàn lợn toàn TP hiện có gần 1,5 triệu con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 210.000 tấn.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tiến hành tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi. Theo đó, khoảng 281.000 con lợn đã được tiêm vaccine, đạt gần 93% kế hoạch năm.

Song song với tiêm phòng vaccine, cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng dịch bệnh động vật. Trong đó, đã lấy 500 mẫu dịch tả lợn châu Phi để kiểm tra hiệu giá kháng thể.

Với sự chủ động của ngành nông nghiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là bệnh dịch tả châu Phi được kiểm soát tốt. Trên địa bàn TP chỉ phát sinh 2 ổ dịch tại xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) và xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), cùng vào tháng 8/2023.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, ổ dịch xảy ra tại xã Cát Quế mang tính chất nhỏ lẻ, đã được chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời, và phối hợp với cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tiến hành tiêu huỷ 20 con lợn. Đến trung tuần tháng 9/2023, ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh lợn bệnh.

Hà Nội kiểm soát chặt dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết

Hà Nội kiểm soát chặt dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết

Tại huyện Chương Mỹ, công tác xử lý lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi cũng được thực hiện theo đúng quy định. Cơ quan chuyên môn cũng phối hợp chặt chẽ với UBND 2 huyện tổ chức triển khai các bước khoanh vùng ổ dịch, khống chế không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Thống kê của Cục Thú y cho thấy, đến hết tháng 11, cả nước đã xảy ra 661 ổ dịch tại 45 tỉnh thành, buộc tiêu hủy 28.000 con heo. Hiện cả nước có 171 xã của 28 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng từ tháng 8 trở lại đây, dịch bệnh tả lợn châu Phi có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Nghiêm trọng và kéo dài nhất tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk, Tiền Giang...

Dù bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, nguy cơ bùng phát dịch trong những tháng cuối năm là rất cao. Nguyên nhân là bởi, Hà Nội có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh. Đến nay, toàn TP đã xây dựng được 32 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, trong đó có 16 cơ sở chăn nuôi lợn.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán

Hà Nội cũng là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm thịt lợn rất lớn. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán, nhu cầu thực phẩm tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn, nhu cầu tiêu thụ cao. Dịch bệnh bùng phát có thể gây áp lực lớn cho chăn nuôi lợn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Hiện nay, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vẫn duy trì trực tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng: 02433.800.115, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng” - ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm.

Để kịp thời ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp Tết, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi các Sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã đề nghị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.

TP yêu cầu Sở NN&PTNT cùng chính quyền sở tại phải trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới (khi có dịch xảy ra); thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo quy định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trên cơ sở chỉ đạo chung của TP, hiện nay Sở tiếp tục yêu cầu các Chi cục phối hợp tích cực cùng các địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo quy định.