Công cụ, phương tiện tội phạm trộm đột nhập sử dụng gây án
Tội phạm gây án ngày càng tinh vi
Hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập thường phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Theo phân tích của lực lượng CSHS - CATP Hà Nội, tội phạm trộm cắp tài sản chủ yếu là đối tượng tỉnh ngoài, một số có sự liên kết với các nhóm đối tượng hình sự trên địa bàn thành phố. Công cụ gây án được tội phạm sử dụng là kìm cộng lực, mỏ lết, đèn khò, xà cầy, dây dù, găng tay, khẩu trang và các loại vam phá khóa tự tạo, chìa khóa vạn năng, công cụ phá khóa từ…
Ngoài những thủ đoạn giả dạng nhân viên tiếp thị, phát tờ rơi, lang thang tại các khu nhà thông tầng, khu đô thị vắng người qua lại, để tăm tia tìm địa điểm gây án, gần đây tội phạm hoạt động có tổ chức, quy mô hơn với “chiêu thức” thuê trọ ở những căn hộ liền kề mục tiêu chúng đã chọn để đột nhập, thực hiện hành vi trộm cắp. Hồ sơ vụ án về hoạt động trộm cắp tài sản của ổ nhóm do Trần Văn Long, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cầm đầu, đang được Phòng CSHS - CATP Hà Nội mở rộng đã thể hiện rõ phương thức hoạt động tinh vi của nhóm tội phạm này. Sau khi tìm được mục tiêu gây án là những hộ gia đình khá giả, đang ở các căn hộ thông tầng hoặc trên các chung cư, Long cùng đồng bọn nhập vai là cặp vợ chồng tìm cách thuê trọ với giá cao ở căn hộ liền kề, hoặc gần địa điểm gây án để tìm cơ hội đột nhập trộm tài sản. Phương tiện nhóm tội phạm này sử dụng để di chuyển trước và sau khi gây án đều bằng xe taxi.
Ngoài những thủ đoạn trên, tội phạm còn tìm cách nắm quy luật hoạt động của nhân viên bảo vệ các cơ quan, công sở, trường học, đình chùa… để tập hợp đồng bọn gây ra những vụ trộm đột nhập rất táo tợn và liều lĩnh. Tội phạm dạng này thường hoạt động tại các huyện ngoại thành và trước khi gây án, chúng đã chuẩn bị phương tiện như ô tô tải để mang tang vật đi cất giấu và các loại công cụ để phá khóa cửa, khóa két trộm đồ. Tang vật các vụ trộm chủ yếu là các loại máy vi tính; thiết bị trường học, dụng cụ văn phòng, tiền và nhiều tài sản có giá trị khác…
Tang vật 1 vụ trộm đột nhập
Tập trung phòng ngừa
Theo đánh giá của Công an Hà Nội, tính chất phạm tội của trộm đột nhập có thể phức tạp hơn khi phát sinh thành “đầu trộm, đuôi cướp”, dẫn đến án mạng, nếu kẻ gian bị chủ nhà phát hiện và phản ứng. Do đó, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS chủ động xây dựng các kế hoạch, biện pháp, phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trộm hoạt động bằng phương thức đột nhập.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, Phòng CSHS và Công an các quận, huyện, thị xã đã triển khai các đợt cao điểm chống trộm cắp. Lực lượng CSHS các đơn vị đã tập trung rà soát các ổ nhóm trộm cắp để xây dựng kế hoạch triệt phá; Tổ chức truy bắt số đối tượng truy nã hệ trộm cắp và thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối với số đối tượng có lệnh bắt khẩn cấp, hoặc có tài liệu liên quan đến hành vi trộm cắp, tiêu thụ của gian, nhưng chưa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Tăng cường hóa trang, mật phục kết hợp với tuần tra nhân dân tại các địa bàn dễ xảy ra trộm cắp, vùng giáp ranh “nhạy cảm” về ANTT, tập trung từ 0 - 5h sáng các ngày trong tuần.
Các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập tài liệu, dấu vết và điều tra ngay khi các vụ trộm cắp xảy ra. Lực lượng an ninh, CSKV, Cảnh sát phụ trách xã tăng cường phổ biến, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các hộ dân trên địa bàn để nâng cao cảnh giác.
“Giám đốc CATP rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chức năng như CSCĐ, CSGT, các lực lượng 141, 142, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đấu tranh, phòng ngừa hữu hiệu tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập”, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS cho biết và nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP là từng đơn vị CSHS ở mỗi địa bàn phải thường xuyên tổ chức nhận diện tội phạm và đề ra các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa. Các đơn vị thành lập các bộ phận chuyên thống kê tình hình hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản, từ đó phân tích phương thức, thủ đoạn hoạt động, thời gian, địa điểm gây án và đặc điểm tang vật, đối tượng cần truy tìm, nhập toàn bộ dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ để phân tích, đánh giá và đưa ra các đối sách xử lý phù hợp.
Từng đơn vị đều ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung, trộm cắp tài sản nói riêng; Thực hiện có chiều sâu công tác quản lý đối tượng, nhất là số có tiền án, tiền sự trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, làm giấy tờ giả; Tăng cường quản lý các hiệu cầm đồ, cơ sở sản xuất, mua bán biển số xe giả, chợ mua bán đồ cũ… để phát hiện và xử lý triệt để hoạt động tiếp tay cho tội phạm trộm cắp tài sản.
Với phương châm “lấy phòng ngừa là chính”, hoạt động của tội phạm trộm đột nhập trên địa bàn TP đã từng bước được kiềm chế…
Lực lượng Công an tuần tra, nhắc nhở người dân phòng ngừa trộm cắp
Trong tháng 11-2014, CATP Hà Nội đã tập trung khám phá 189 vụ trộm cắp tài sản, bắt 246 đối tượng, trong đó có 72 vụ trộm đột nhập, mở rộng điều tra làm rõ 30 vụ trộm khác. Đáng chú ý, Phòng CSHS đã phối hợp với CAQ Hoàng Mai điều tra, khám phá ổ nhóm gây ra 12 vụ đột nhập nhà dân để trộm cắp, trong đó có vụ phá két sắt trộm 12 lượng vàng và nhiều tài sản có giá trị khác xảy ra tại một hộ dân ở chung cư Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai).