Chấn chỉnh "xe dù"

ANTĐ - Xe dù núp bóng xe hợp đồng chở khách liên tỉnh đang gây nhức nhối trên hầu khắp các tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, tại một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, xe dù núp bóng hoạt động khắp các cung đường gây bức xúc trong các doanh nghiệp vận tải, gây ùn tắc giao thông. Song việc xử lý được cho là khá khó khăn vì hầu hết các xe này đều lợi dụng kẽ hở của Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay.

CSGT kiểm tra hợp đồng vận chuyển khách nhằm phát hiện “xe dù”

Xe sang Limousine cũng chở khách

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi phù hiệu “Xe hợp đồng” với hàng trăm đầu xe. Nguyên do khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phát hiện xe chở khách chạy hợp đồng đã nhiều lần chạy quá tốc độ quy định, đóng mở cửa xe nhiều lần và như vậy chỉ là núp bóng để chở khách liên tỉnh.

Bên cạnh hoạt động xe được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” làm ăn bát nháo thì còn một lượng lớn xe dù núp bóng xe hợp đồng để hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải sử dụng loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống để chở khách liên tỉnh. Với những xe này, lợi thế là nhỏ gọn, không bị cấm chạy vào các tuyến phố trung tâm nên có thể len lỏi đến tận từng ngõ ngách để đón/trả khách mà khó bị phát hiện hay xử lý.

Nhộn nhịp nhất cho tình trạng xe dù núp bóng xe hợp đồng hoạt động là các tuyến từ Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa… về Hà Nội và ngược lại. Chỉ cần gọi điện thoại, xe sẽ đến đón tận nơi và chạy về đến tận địa điểm cần đến. Vì tính tiện lợi, nên chi phí để sử dụng loại dịch vụ trá hình này cũng thường cao hơn vận tải khách tuyến cố định, nhưng bù lại, hành khách được hưởng dịch vụ cao hơn và không bị nhồi nhét. 

Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 đơn vị vận tải khách bằng xe Limousine. Trên tuyến vận tải đường bộ Hà Nội - Lào Cai xuất hiện nhiều loại xe 10 chỗ Limousine gắn bảng “Xe hợp đồng” tham gia chạy tuyến cố định, cạnh tranh với tất cả các xe khách khác trên tuyến. Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, tình trạng này là có thật.

Một số đơn vị đầu tư xe Limousine dưới 10 chỗ chạy như xe tuyến cố định, điển hình như nhà xe Sao Việt chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định quản lý loại xe này, nên doanh nghiệp vẫn ung dung chạy. Trên thực tế, do là xe dưới 10 chỗ nên doanh nghiệp không gửi thông tin hợp đồng về Sở GTVT (quy định này chỉ áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên), đây là một bất cập dễ tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho rằng, loại hình này thuận tiện cho người dân, nhưng gây rối loạn trật tự giao thông, đón trả khách bừa bãi, tập trung nhiều vào giờ cao điểm, đồng thời gây bất bình cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 thông tin thêm, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có rất nhiều xe khách chạy hợp đồng đón trả khách du lịch tại các khách sạn. Lợi dụng việc này, nhiều xe khách 16 chỗ đón khách trong khu phố cổ như xe hợp đồng nhưng lại khó xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đã xử lý 6.619 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 28 phương tiện, 6.437 bộ giấy tờ.

Luật còn kẽ hở để lách

Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, thời gian vừa qua, việc  xử lý xe dù gặp khó khăn do một số hạn chế của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Các xe dù thường núp bóng xe hợp đồng để hoạt động như xe khách. Vì vậy, cần chỉnh sửa một số nội dung của Nghị định 86 như: Quy định rõ đối với các hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách... Thực tế hiện nay, nếu không có đầy đủ các thông tin được ghi quy định theo các biểu mẫu ban hành kèm theo thì không hợp lệ, không có giá trị pháp lý để làm căn cứ xử phạt.

Khoản 3, Điều 8, Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT- BGTVT đã quy định, đối với các xe có thiết kế từ 10 hành khách trở lên trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử với Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi như: Hành trình, số lượng hành khách, điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế, lực lượng CSGT không kiểm tra, xác minh được các thông tin nêu trên, do các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe và Sở GTVT nơi cấp giấy phép chưa thực hiện nghiêm túc và có hình thức thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về các nội dung trên, dẫn đến khó khăn, bất cập trong kiểm tra xử lý xe dù núp bóng xe hợp đồng.

Thêm vào đó, Thông tư 63 cũng quy định, chủ xe và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã cải tạo những chiếc xe 16 chỗ thành xe dưới 10 chỗ và ngang nhiên chở khách tuyến cố định. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện thừa nhận, thời gian gần đây, tại một số địa phương thường xuyên xuất hiện những loại xe từ 16-24 chỗ ngồi hoạt động đón trả khách tại nhiều tuyến phố. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà còn tại hầu hết các đô thị lớn, các tỉnh, thành phố có lưu lượng vận tải đông. Do điều kiện kinh doanh đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải đã lợi dụng để đặt chỗ thay cho hành khách rồi đón trả khách dọc các tuyến quốc lộ, gây ra tình trạng tranh giành khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Sửa luật liệu có chấn chỉnh được?

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, với bất cập của Nghị định 86, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm quản lý. Theo đó, xe hợp đồng tham gia vận tải ra sao, hành khách số lượng, điểm đi và điểm đến sẽ được quản lý, hiển thị rõ ràng, khi đó sẽ hạn chế tối đa tình trạng núp bóng.

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi, bổ sung của Nghị định 86 cũng sẽ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình GTVT cũng như ATGT của địa phương, yêu cầu Sở có quy hoạch và tổ chức quản lý điểm đón trả khách dành cho xe hợp đồng, xe du lịch. “Khi đó, xe hợp đồng và du lịch sẽ chỉ được dừng, đỗ tại những điểm quy định”, ông Khuất Việt Hùng cho hay, đồng thời thông tin thêm, sẽ có quy định chặt chẽ về xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, xe trung chuyển. 

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung 7 quy định vào Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, gồm: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; không sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử; phạm vi hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; danh sách hành khách phải được in bằng máy tính, thông báo cho Sở GTVT; xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm và rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng.

Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là xe ôtô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên và có niên hạn theo quy định, còn xe hợp đồng thì chỉ quy định niên hạn và không hạn chế loại xe.

Đối với xe dưới 10 chỗ, nếu doanh nghiệp dùng làm xe trung chuyển, chạy hợp đồng hay kinh doanh taxi thì được phép. Loại xe này không được phép chạy tuyến cố định, nếu đến tận nhà đón khách ra bến xe (trung chuyển) thì được, còn đến nhà đón khách và chạy đến một tuyến nhất định được coi là chạy “dù”.