Chăm lo từ bây giờ

ANTD.VN - Mặc dù còn hơn 2 tháng mới đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, song các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, nhất là trong các khu công nghiệp trên cả nước đã lên kế hoạch chuẩn bị lương, thưởng Tết cho người lao động.

Cả một năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm việc, hàng triệu người lao động đều mỏi mắt trông chờ lương, thưởng Tết, dù ít dù nhiều cũng là sự động viên, khích lệ cho họ lao động nhiệt tình hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn. Đương nhiên, mặt bằng lương, thưởng Tết giữa các doanh nghiệp không thể cào bằng.

Năm ngoái, khi mức lương, thưởng Tết được công bố, dư luận xã hội không khỏi “giật mình”, sửng sốt. Mức chênh lệch hầu như luôn nghiêng về phía các công ty, tập đoàn Nhà nước ăn nên làm ra, trong đó tỷ lệ bình quân cũng như mức kỷ lục khoản tiền là cả một khoảng cách xa giữa các thành phần kinh tế từ vài triệu đồng tới hàng chục triệu đồng. 

Trong cơ chế thị trường, đó là một thực tế phải chấp nhận, năm nay tình hình chắc chắn vẫn tái diễn dù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có sự khởi sắc, kinh tế đang trên đà phục hồi. Điều mà người lao động quan tâm là trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ lao động thể hiện qua việc chăm lo tới “nguồn tài sản” quý giá nhất, nguồn nhân lực mang lại lợi nhuận, doanh thu. Không nên và không thể vin vào cớ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, quỹ lương eo hẹp rồi “cắt phăng” khoản lương, thưởng Tết mà người lao động chờ đợi cả một năm dài đằng đẵng.

Càng không nên biến khoản tiền thưởng bằng hiện vật, mà người lao động không nhận cũng khổ, nhận càng khổ hơn. Quan tâm thực sự tới người lao động, không ít doanh nghiệp đã tổ chức những chuyến xe đưa cả trăm người về quê hưởng Tết đoàn tụ cùng người thân, hoặc mua vé tàu, xe cho công nhân. 

Được biết, Bộ GTVT vừa có quyết định yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải sớm có kế hoạch giúp hàng vạn lao động đi lại thuận tiện trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó, lĩnh vực hàng không cần tập trung vào công tác điều tiết bay, chất lượng dịch vụ….

Đặc biệt về đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách phải công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24h. Chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội. Nhiều bến xe ở TP.HCM, Hà Nội... đã cam kết tổ chức những chuyến xe cuối cùng vào đêm Giao thừa, không để bất cứ hành khách nào phải đón Giao thừa tại bến.

Chăm lo cho người lao động đón Tết từ chuyện lương, thưởng, cho tới việc tàu, xe đi lại thuận tiện không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của doanh nghiệp, mà cần có sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, cơ quan có liên quan. Chăm lo ngay từ bây giờ để người lao động yên tâm dốc sức chạy “nước rút” trong những ngày cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, hợp đồng.