Chai rượu luân hồi

(ANTĐ) - Chuyện tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến thì chắc đã có rất nhiều người biết vì hầu hết các bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam đều diễn và phim truyện cũng đã quay, đã chiếu từ những năm 60 (thế kỷ 20). Và mới đây Đài Truyền hình Trung ương lại phát trực tiếp vở tuồng này.

Chai rượu luân hồi

(ANTĐ) - Chuyện tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến thì chắc đã có rất nhiều người biết vì hầu hết các bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam đều diễn và phim truyện cũng đã quay, đã chiếu từ những năm 60 (thế kỷ 20). Và mới đây Đài Truyền hình Trung ương lại phát trực tiếp vở tuồng này.

Sở dĩ một vở tuồng hài ra đời từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mà đến nay ai cũng thích xem vì nó không những hấp dẫn về mặt nghệ thuật gây cười, mà còn có ý nghĩa xã hội rất sâu, mà người xem có thể suy ngẫm, liên hệ chuyện ngày xưa với chuyện hôm nay về nhân tình thế thái, về quan hệ bất bình đẳng giữa quan và dân, về nạn tham nhũng, về dâm ô, trai gái v.v...

Trong bài này tôi chỉ nói chuyện “chai rượu luân hồi”, một triết lý bình dân nhưng không kém phần sâu sắc, được thốt ra từ miệng tên thầy bói. Số là sau khi thầy Nghêu bắt thằng Ốc dắt tới nhà địa chủ Trùm Sò để xũ quẻ ăn trộm không may thầy Nghêu bị bắt vì mù lòa, thằng ốc thì nhanh như chim nên tẩu thoát được.

Thầy Nghêu bị Trùm Sò bắt về nhà tra khảo rồi cùm lại ở nhà bếp. Hai tuần đinh canh giữ thầy Nghêu, nhưng vì chúng ghét tên chủ Trùm Sò nên rủ nhau đi ngủ... Thằng Ốc tuy là tên ăn trộm nhưng vẫn có lương tâm, giữa đêm lẻn vào cứu thầy Nghêu, nhưng Nghêu tưởng rằng Trùm Sò thấy bắt sai nên cho người đến mở cùm, thả Nghêu ra để phi tang.

Nghêu hí hửng: “Tao cứ nằm đây để thằng Trùm Sò phải đi thưa với quan huyện xin thả tao ra. Nhưng tao biết, quan đâu có xử ngay, mà sẽ bắt thằng Trùm Sò hàng ngày phải lên hầu quan bằng những chai rượu quý... Quan nhận rượu rồi đưa lính chuyển cho mụ huyện ở nhà sau. Mụ huyện đem chai rượu ấy ra quán bán. Trùm Sò lại đến mua chai rượu của mình và lại đem biếu quan. Quan lại chuyển cho mụ huyện. Mụ huyện lại đem ra quán bán... Cứ thế “chai rượu luân hồi” làm cho Trùm Sò sạt nghiệp rồi tao mới chịu ra...”.

Triết lý của thầy Nghêu thật chí lý đủ vạch mặt bọn quan tham mà ngày nay ta vẫn thấy thấp thoáng đó đây ở các công đường, có điều là tinh vi hơn, không phải là chai rượu (vì chai rượu đắt hiện nay khoảng 4, 5 triệu đồng) còn chiếc bì thơ rất nhỏ, rất mỏng nhưng trong có giá trị gấp nhiều lần chai rượu.

Nhưng dù sao “chai rượu luân hồi” mà thầy Nghêu nói ra cũng gợi cho chúng ta suy nghĩ trước một hiện thực đáng lo ngại. Đó là vấn nạn quan tham, là “văn hóa phong bì”... Nạn tham nhũng đang hoành hành rất tinh vi mà Đảng và Nhà nước ta ra tay diệt trừ, nhưng nó giống như những con chuột nhắt nằm trong ống tre dài chặn đầu này thì nó chạy sang đầu khác, ẩn hiện như ma.

Cũng như “chai rượu luân hồi” của Trùm Sò thật khó biết, nó có thể mãi mãi tồn tại nếu Chính phủ chưa thật mạnh tay dẹp nó.

GS. Hoàng Chương