Cây xăng 2B Trần Hưng Đạo không được cấp phép kinh doanh thương mại

ANTĐ - Đó là khẳng định của ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại cuộc họp về quản lý xăng dầu sáng 5-6. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, cây xăng vừa xảy cháy tại số 2B Trần Hưng Đạo là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của quân đội.

Theo ông Võ Văn Quyền, từ năm 2010 trở về trước, điểm kinh doanh xăng dầu này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP. Nhưng sau đó do sự chen lấn của các công trình dân sự, diện tích bị thu hẹp và nhiều yếu tố khác nên từ năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu quân đội đã trả lại đất cho Bộ Quốc phòng và thông báo với Sở Công Thương Hà Nội không kinh doanh tại điểm xăng 2B Trần Hưng Đạo này nữa. Trạm xăng dầu này chỉ phục vụ nội bộ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. 

“Sau khi nhận được thông báo của Tổng công ty Xăng dầu quân đội dừng việc bán hàng tại địa điểm 2B Trần Hưng Đạo, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội làm việc với đơn vị chủ quản và xác nhận việc cơ sở này chỉ thực hiện việc cung cấp xăng dầu nội bộ”- ông Võ Văn Quyền khẳng định.

Đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Công Thương, phóng viên các cơ quan báo chí cho biết, trước thời điểm xảy ra cháy tại cây xăng này, nhiều khách hàng dân sự vẫn ra vào mua xăng bình thường. Lực lượng quản lý thị trường có biết việc này không? Ông Võ Văn Quyền cho hay: “Cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra cây xăng 2B Trần Hưng Đạo 2 lần và cả 2 lần họ khẳng định là chỉ cung cấp xăng dầu nội bộ quốc phòng.

Chúng tôi cũng chưa từng bắt gặp hay có chứng cứ, cơ sở chứng minh rằng cây xăng này bán sai đối tượng”. Theo ông Võ Văn Quyền, để chứng minh cây xăng bán hàng thương mại thì người tiêu dùng, theo đúng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mua hàng phải có hóa đơn! Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ làm việc lại với Tổng công ty Xăng dầu quân đội và cơ quan sở hữu cây xăng này để yêu cầu, nếu là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ thì cần thực hiện cấp phát đúng đối tượng; Còn nếu bán hàng sai đối tượng thì sẽ bị xử lý theo quy định. “Dù hoạt động phục vụ nội bộ hay kết hợp với dân sinh, cây xăng này vẫn bắt buộc phải đảm bảo đáp ứng về mặt thiết kế xây dựng, về phòng cháy chữa cháy, chất lượng, đo lường...”- ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh. 

Trước thực trạng mất an toàn của không ít cây xăng, ngày 4-6, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi các Sở Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu. Trong đó, yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội rà soát mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện, loại bỏ các cửa hàng không nằm trong quy hoạch; Chủ động phối hợp cơ quan phòng cháy chữa cháy thường xuyên tổ chức kiểm tra phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu, kể cả rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. 

Theo quy định, quy hoạch xăng dầu sẽ do UBND tỉnh, thành phố lập trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu đi lại, giao thông vận tải... Ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cây xăng tồn tại mang tính lịch sử, không còn phù hợp với quy hoạch cũng như chưa đáp ứng được các điều kiện kinh doanh. Riêng Hà Nội hiện tại có hơn 50 cây xăng không phù hợp với quy hoạch hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động, cần phải cải tạo hoặc di dời.