Cầu “treo” 7 năm xây không xong

ANTĐ - Bảy năm thi công một chiếc cầu bắc qua sông Đáy, chiều dài chưa đầy một cây số, nối đôi bờ giữa xã Phương Trung (Thanh Oai) và Văn Võ (Chương Mỹ). Sự vào cuộc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khiến cây cầu như bị khuyết tật, một đầu thông một đầu hẫng, chờ đợi mặt bằng.

Cầu “treo” 7 năm xây không xong  ảnh 1
Vẫn phải bắc gỗ lên xuống cây cầu bê tông, hiện đại được đầu tư gần 50 tỷ đồng


Cầu cũng muốn nhưng mặt bằng không bàn giao

Tháng 3-2007, dự án đầu tư xây dựng cầu Văn Phương được khởi công, do Ban quản lý dự án 1 (QLDA) - Sở GTVT Hà Tây làm chủ đầu tư. Cầu bắc qua sông Đáy, nối liền 2 xã Văn Võ và Phương Trung có chiều dài 955m. Tổng mức đầu tư của dự án phê duyệt lần 1 (tháng 10-2006) là 35 tỷ đồng. Để xây dựng cầu Văn Phương, năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây đã thu hồi 3.528m2 đất thuộc địa bàn xã Phương Trung và 10.098m2 đất thuộc xã Văn Võ. Tuy nhiên, do chậm trễ về giải phóng mặt bằng, nên chi phí xây cầu đã bị đội lên đến thời điểm này là 45,8 tỷ đồng. 

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, cầu Văn Phương đã thông một đầu phía địa phận xã Phương Trung.  Tuy nhiên, điểm đầu cầu thuộc địa bàn xã Văn Võ thì vẫn đang bỏ lửng. Để có lối đi lại, người dân phải bắc một đoạn cầu gỗ dài chừng 20m làm đường lên xuống. Bất kỳ ai khi chứng kiến nghịch cảnh này đều thấy buồn và giận. Xe đạp mỗi lần lên xuống đoạn cầu gỗ này  đều phải dắt bộ vì nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Tập, xã Phương Trung cho biết: “Từ bao đời nay, người dân xã Văn Võ muốn qua sông  Đáy sang Thanh Oai để ra QL21 làm ăn, buôn bán đều phải đi qua cây cầu gỗ bắc qua sông ọp ẹp. Thi thoảng lũ lớn về cầu lại bị cuốn trôi. Vậy mà không hiểu sao, khi tỉnh Hà  Tây quyết định đầu tư xây cầu bê tông, thuận tiện giao thông đi lại thì xã Văn Võ lại chậm chạp đến vậy, gần chục năm nay rồi cây cầu vẫn chưa thể thông đôi bờ”. Trong khi người dân và chính quyền xã Phương Trung nhanh chóng thực hiện quyết định thu hồi đất, lấy mặt bằng phục vụ thi công cầu thì phía địa bàn xã Văn Võ lại tỏ ra thờ ơ.

Trao đổi về việc này, ông Chu Văn Kiểm, Phó chủ tịch UBND xã Văn Võ cho biết, đến thời điểm hiện tại, xã Văn Võ còn hơn 4.500m2 đất của 19 hộ dân chưa giải tỏa được để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, ông Kiểm cho rằng, chính quyền và người dân rất mong muốn cây cầu sớm được thông để bà con đi lại thuận tiện. “Có cây cầu bê tông hiện đại nối hai bờ thì kinh tế, xã hội trên địa bàn xã mới phát triển được”. 

Thiếu quyết liệt và thiếu trách nhiệm

Nguyên nhân chủ yếu trong việc các hộ dân ở Văn Võ chưa chịu bàn giao mặt bằng theo ông Chu Văn Kiểm bởi, giá đền bù thấp, lại có sự chênh lệch quá lớn giữa địa bàn xã Phương Trung và xã Văn Võ nên người dân xã Văn Võ chưa đồng thuận. Theo tìm hiểu của phóng viên, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cầu Văn Phương thời điểm đó được thực hiện theo quyết định 289/2006/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tây. Đất ở trên địa bàn xã Phương Trung được bồi thường với giá 500.000 đồng/m2, còn đất ở trên địa bàn xã Văn Võ được bồi thường 350.000 đồng/m2. Ông An cho biết, các chính sách hỗ trợ, đền bù được thực hiện theo đúng quy định. Xã Phương Trung là đất nông thôn, các hộ bị thu hồi có mặt tiếp giáp với trục đường giao thông liên huyện, còn các hộ bị thu hồi ở xã Văn Võ tiếp giáp với trục đường giao thông liên thôn. Vì vậy, mới có sự chênh lệch về mức giá đền bù nói trên. 

UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, gỡ nút thắt cho công trình này. Năm 2011, TP đã đồng ý cho phép huyện Chương Mỹ áp dụng chính sách thu hồi, đền bù đất theo QĐ 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Hiện, mức đền bù hỗ trợ GPMB đất ở trên địa bàn xã Văn Võ được nâng lên 500.000 đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi áp dụng chủ trương mới thì cần phải bố trí đất tái định cư cho 19 hộ dân bị thu hồi (chính sách cũ của tỉnh Hà Tây không có quy định này). Lãnh đạo xã Văn Võ cho biết, đã giới thiệu được khu đất tái định cư khoảng 5.000m2 lên UBND huyện Chương Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hạ tầng. Do vậy, chưa thể tiến hành GPMB nốt diện tích còn lại để bàn giao cho chủ đầu tư. 

Được biết, UBND huyện Chương Mỹ đang trình UBND TP và Sở KH-ĐT bố trí nguồn kinh phí 10 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư cho 19 hộ dân bị thu hồi đất ở Văn Võ. Cũng bởi sự nhùng nhằng, vào cuộc thiếu quyết liệt của huyện Chương Mỹ cũng như xã Văn Võ khiến một công trình giao thông quan trọng tại địa phương không thể hoàn thành dù đã 7 năm kéo dài. Đáng nói, sự thiếu sát sao, quyết liệt GPMB dẫn đến kinh phí xây dựng cầu bị đội lên, từ 35 tỷ đồng ban đầu, nay là 55 tỷ đồng và có thể hơn, trong khi, thời gian thông cầu không ai dám khẳng định.