Câu hỏi… bỏ ngỏ
(ANTĐ) - Một năm có hai kỳ họp Quốc hội là hai sự kiện chính trị được cử tri và nhân dân cả nước mong đợi và hy vọng. Quốc hội không chỉ dành thời gian cho công việc lập pháp như thảo luận, biểu quyết thông qua các dự luật, sửa đổi bổ sung luật, mà quan trọng hơn là đặt lên bàn nghị sự các vấn đề quốc kế dân sinh, những bức xúc, những chuyện “nóng” trong kinh tế - xã hội cần tìm ra giải pháp, biện pháp giải quyết, khắc phục.
Một quốc gia, một nền kinh tế không lúc nào hết việc phải giải quyết. Những vấn đề mới phát sinh trong khi không ít câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ, thậm chí là câu hỏi “treo”.
Kỳ họp Quốc hội lần này, những câu hỏi bỏ ngỏ sẽ được trả lời. Ví dụ câu hỏi “nóng” quá lâu từ Kỳ họp thứ 7 “Đến bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng thiếu điện, cắt điện để doanh nghiệp và người dân đỡ khổ?” hoặc như vấn đề cũng “nóng” không kém là hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục môi trường ô nhiễm đều không đạt kế hoạch. Ô nhiễm ngày càng trầm trọng không chỉ là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước mà cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cụm công nghiệp, làng nghề, các bệnh viện, cơ sở y tế gây ra.
Cái giá phải trả cho công nghiệp hoá, đô thị hoá đối với môi trường, môi sinh, nhất là sức khoẻ của người dân và cả cộng đồng là quá đắt. Tình trạng ngập úng vào mùa mưa, khói bụi vào mùa khô cộng thêm nạn rác thải, phế thải ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị cũng nằm trong “gói” câu hỏi còn bỏ ngỏ tồn tại từ nhiều năm nay. Đương nhiên những câu hỏi đó không thể giải đáp ngay trong một sớm một chiều, song qua mỗi kỳ họp Quốc hội, qua năm tháng người dân phải tận mắt nhìn thấy, nhận ra chuyển biến rõ rệt và một triển vọng sáng sủa hơn.
Câu hỏi “treo” xem ra cũng “đau đầu” không kém gì những câu hỏi bỏ ngỏ. Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Chính phủ đưa ra dự kiến các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế trong năm 2010 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cả Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều bày tỏ mối quan ngại về một số câu hỏi “treo” không dễ trả lời. Hai uỷ ban cùng đặt câu hỏi về vấn đề điều hành vĩ mô của Chính phủ, đó là chất lượng dự báo, nợ công, đặc biệt là vấn đề nhập siêu và kiểm soát lạm phát. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đặt vấn đề: Cuối năm 2010, nợ công sẽ lên tới 52,6% GDP, dư nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP, thâm hụt ngân sách cao kéo dài, áp lực chi tiêu ngân sách không ngừng tăng lên trong khi nền kinh tế gặp khó khăn vì vốn, tạo áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Nhìn thẳng vào áp lực của Chính sách tiền tệ, Chủ nhiệm Uỷ ban này lo lắng bởi cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng chưa biết lúc nào dừng lại khi mà lãi suất VNĐ chưa có xu hướng giảm thấp và hệ thống ngân hàng thương mại đang “bối rối” trong huy động vốn trung và dài hạn. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói thẳng ra nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự phối hợp ăn ý giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Câu hỏi “treo” của Uỷ ban Tài chính - ngân sách là, quý IV-2010 chưa thể lường hết được khả năng tăng giá nhanh theo quy luật cung - cầu của sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng tới 1,3%, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân và khó khăn cho các cơ quan hoạch định, điều hành chính sách. Đó là chưa kể nhập siêu tuy đạt mục tiêu nhưng số tuyệt đối vẫn là 13,5 tỷ USD. Nhập siêu kéo dài nhiều năm làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng công nợ quốc gia…
Những câu hỏi bỏ ngỏ, câu hỏi “treo” đặt ra là để “mổ xẻ” thực trạng “sức khoẻ” nền kinh tế nhằm tìm ra những “liệu pháp”, giải pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu phát triển ổn định và bền vững.
Đan Thanh