CATP Hà Nội: Đổi giờ vẫn đảm bảo an toàn giao thông

ANTĐ - Bắt đầu từ hôm nay 1-2, quyết định đổi giờ học, giờ làm của UBND TP Hà Nội chính thức có hiệu lực trên 10 quận nội đô và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. CATP Hà Nội trong đó có lực lượng CSGT đã sẵn sàng các phương án đảm bảo ATGT cho nhân dân.

CSGT sẽ làm việc từ 6h đảm bảo giao thông cho người dân


Huy động tổng lực chống ùn tắc

Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm nhằm mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trước khi UBND TP Hà Nội có quyết định trên, từ ngày 18-1, CATP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các lực lượng như CSGT, CSTT, công an các quận và CAH Từ Liêm, Thanh Trì tổ chức xây dựng các phương án và triển khai kế hoạch với mục tiêu đảm bảo an ninh, trật tự ATGT.

Trao đổi với PV, Đại tá Hoàng Thanh Bình-Trưởng phòng CSTT cho biết, Phòng CSTT đã chỉ đạo lực lượng CS113 cùng CSTT ở các đơn vị tập trung kiểm tra, xử lý không để hình thành những chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố. Đại diện Phòng CSTT đánh giá, nhiều nút giao thông hiện nay, nhất là vào giờ cao điểm bị ùn tắc cũng chỉ bởi người dân “tranh thủ” dừng đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, vỉa hè để mua sắm. Còn ở những khu vực, nút giao thông được xem là điểm “nóng” về ùn tắc, đơn vị cũng có phương án tăng cường thêm CBCS phối hợp với Công an các phường và đặc biệt là lực lượng CSGT tham gia hướng dẫn, phân luồng chống ùn tắc trong những giờ cao điểm.

Cùng với lực lượng CSTT, công an các quận, huyện nằm trong địa bàn điều chỉnh giờ học, giờ làm hiện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATGT. Trung tá Bùi Văn Đang-Trưởng CAP Dịch Vọng cho biết, các tuyến phố nằm trong danh mục cấm buôn bán hàng hóa dưới lòng đường, trên vỉa hè thuộc địa bàn phường từ trước đến nay vẫn được duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, đơn vị vẫn tăng cường CBCS trong đó “kéo” trách nhiệm của cơ sở cùng vào cuộc tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Riêng khu vực các cổng trường học nơi thường hay xảy ra ùn tắc, CAP đã làm việc với Ban giám hiệu nhắc nhở, hướng dẫn học sinh, các bậc phụ huynh đưa đón con chấp hành nghiêm Luật Giao thông.

CSGT làm việc từ 6h

Một lực lượng mũi nhọn trong công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố là CSGT hiện đã sẵn sàng các phương án. Nếu như thời gian trước đó CSGT bắt đầu một ngày làm việc từ 6h30 thì nay thời điểm xuống đường sớm hơn nửa giờ. Trung úy Nguyễn Văn Hòa-Đội CSGT số 1 cho hay, “Làm việc từ 6h cũng không gây ra sự thay đổi lớn của CSGT bởi hầu hết CBCS trước khi ra chốt trực đều phải có mặt tại đơn vị để nhận nhiệm vụ từ 5h30”. Còn Trung tá Nguyễn Minh Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 thông tin, ngoài tuyến đường vành đai 3, trục đường Nguyễn Trãi được xem là tuyến giao thông huyết mạch phía Tây của thành phố tập trung rất lớn lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Thay đổi giờ học, giờ làm việc cũng có nghĩa giao thông trên tuyến đường này sẽ biến động theo thời gian. Đội CSGT số 7 tập trung vào các nút giao, ngã tư lớn và phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức phân luồng từ xa, phòng ngừa không để xảy ra ùn tắc. Trung tá Tiến cũng hy vọng việc đổi giờ học, giờ làm sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc -Trưởng phòng CSGT cho biết, phương án tăng cường lực lượng, bố trí linh hoạt những tổ công tác vừa cắm chốt vừa tuần lưu của các đội CSGT được Phòng CSGT áp dụng. Mỗi đội quản lý địa bàn đều phải xác định những điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc để có phương án bố trí lực lượng, giải quyết nhanh chóng sự cố phát sinh nếu có. Ngoài 5 tổ công tác 141, 15 tổ xử lý vi phạm mũ bảo hiểm đang được triển khai hiệu quả, hiện đơn vị còn chỉ đạo đẩy mạnh xử lý nghiêm theo các chuyên đề đối với những lỗi vi phạm được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT như dừng đỗ sai quy định, chở hàng hóa cồng kềnh, tránh vượt sai...

Về hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hiện Phòng CSGT đã nghiên cứu, khảo sát và điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu này phù hợp với sự thay đổi giờ làm việc, học tập của người dân trên địa bàn thành phố. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Ngoàn - Phó Trưởng phòng CSGT, các nút đèn đã được Đội quản lý đèn kiểm tra. Đối với những nút đèn bị hư hỏng, chập chờn hoặc chu kỳ thời gian chưa hợp lý đều được hiệu chỉnh lại. Đại tá Ngọc nhận định, trong những ngày đầu áp lực giao thông sẽ không lớn, phải giữa tháng 2 khi sinh viên các trường đi học hết, người dân ở các tỉnh, thành đổ về Hà Nội làm việc, lúc đó áp lực giao thông chắc chắn sẽ tăng. Khi đó nếu nảy sinh bất cập, đơn vị sẽ tiếp tục điều chỉnh các phương án.