Cấp phép tràn lan gây thất thoát lớn

ANTĐ - Hôm qua, 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã nghe Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Phát hiện một lò khai thác than “thổ phỉ” ở Hạ Long, Quảng Ninh

Cấp phép trái pháp luật

Chỉ trong 3 năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng cấp trong 12 năm (478 giấy phép khai thác). Thực tế này dẫn tới tổn thất tài nguyên khoáng sản rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều. Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UB KH-CN&MT) cũng cảnh báo về việc “xuất khẩu khoáng sản qua biên giới vẫn diễn ra ở quy mô lớn và phức tạp”.

Đáng chú ý, việc cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản có một số chưa tuân thủ các yêu cầu quy định của pháp luật, không đúng đối tượng. Số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Đặc biệt, từ năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh đã tạo điều kiện cho một số địa phương cấp phép tràn lan, trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương. Nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng. Đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến thì không được cấp giấy phép, còn tổ chức, cá nhân không hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, không có nhân lực và trang thiết bị thì lại được cấp giấy phép. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng trái phép giấy phép khai thác khoáng sản. “Cấp phép nhưng chưa gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của cơ quan cấp phép và chế tài xử lý các vi phạm đã khiến cho tình trạng cấp phép tràn lan, thất thoát tài nguyên, thậm chí không theo quy hoạch, trái pháp luật... ” – Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Phan Xuân Dũng nói.

Chọn đúng chủ đầu tư

Chưa thật hài lòng với thông tin từ báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi ngay: “Trách nhiệm, sai phạm thuộc về ai thì chưa nêu được. Bao nhiêu tỉnh cấp mỏ không đúng quy hoạch? Là tỉnh nào? Nên có những kiến nghị rất cụ thể, bớt chung chung đi”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn: “Phần phân tích tác động môi trường, tác động xã hội còn mờ nhạt. Môi trường rừng, nguồn nước đã bị ảnh hưởng ra sao? Khai thác, vận chuyển khoáng sản phá hủy cơ sở hạ tầng rất ghê gớm. Nhiều tỉnh “quặng tặc” ngang nhiên hoạt động... Tất cả những việc đó, ai chịu trách nhiệm?”.  

Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đồng tình: “Người dân nhiều địa phương bức xúc về “cát tặc”, “vàng tặc”, “đá tặc” nổi lên khắp nơi... Quản lý Nhà nước ở nhiều địa phương trong lĩnh vực này rất có vấn đề. Song, theo như báo cáo lại có vẻ “bình yên” quá, trong khi tình hình vi phạm pháp luật là khá nghiêm trọng”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Nghe dư luận nói thì việc khai thác khoáng sản rất tệ, nhưng báo cáo lại thấy “êm” quá. Phải làm rõ gần 4.000 giấy phép đã cấp là đúng hay sai? Tình hình thực hiện bảo vệ môi trường thế nào?”.

Từ thực tế nóng bỏng trên, một số thành viên UBTVQH yêu cầu phải có giải pháp thực sự mạnh mẽ để ngăn chặn ngay tình trạng thất thoát, lãng phí trong khai thác tài nguyên, khoáng sản hiện nay. UB KH-CN&MT cũng kiến nghị chấn chỉnh công tác cấp giấy phép. Đặc biệt, phải lựa chọn đúng chủ đầu tư, tránh lợi dụng việc xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản để chiếm giữ mỏ, bán mỏ. Nếu có sai phạm nhiều hoặc khai thác không có hiệu quả, có dấu hiệu mua bán giấy phép... phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Những mỏ nào nếu khai thác không đem lại hiệu quả tổng thể cho xã hội, cho quốc gia thì kiên quyết đóng cửa.

Không tổ chức lực lượng “cảnh sát thuế”

Thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị không bổ sung quy định về tổ chức lực lượng điều tra hoặc cảnh sát thuế vào trong nội dung dự thảo luật. Trước đó, có ĐBQH đã đề nghị bổ sung quy định về “tổ chức lực lượng “điều tra” hoặc “cảnh sát thuế” vào trong dự thảo nhằm phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vi phạm”. Song, UB TC-NS cho rằng, hoạt động điều tra về cơ bản là hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự và đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm về thuế, cơ quan có chức năng điều tra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, sẽ thực hiện hoạt động điều tra. Để có cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện chức năng điều tra thuế, không chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quản lý thuế mà phải sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan.