Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ: Việt Nam đóng góp có hiệu quả và trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ đã kết thúc với việc ra Tuyên bố tầm nhìn chung gồm 4 định hướng lớn. Góp phần vào kết quả của hội nghị có sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm của đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại tiệc chiêu đãi do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ở Nhà Trắng tối 12-5

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại tiệc chiêu đãi do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ở Nhà Trắng tối 12-5

Lịch trình dày đặc các hoạt động song phương và đa phương

Những ngày ở Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình dày đặc các hoạt động đa phương và song phương, trong đó đáng chú ý là các phiên làm việc chính thức của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ bao gồm phiên họp giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden; phiên thảo luận giữa các lãnh đạo ASEAN với Phó Tổng thống Kamala Harris về an ninh biển và phòng chống Covid-19; phiên thảo luận với các bộ trưởng nội các về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam cũng đã tiếp xúc với Tổng thống Joe Biden, gặp gỡ các quan chức và nghị sĩ, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, giới học giả, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, cũng như tiếp xúc song phương với một số lãnh đạo ASEAN để trao đổi thúc đẩy quan hệ song phương.

Đặc biệt, Thủ tướng là lãnh đạo duy nhất của ASEAN có bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), một diễn đàn uy tín trên thế giới. Bài phát biểu đã chuyển tải thông điệp về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề lớn. Thông điệp Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, lẽ phải, luật pháp quốc tế, không chọn bên mà Thủ tướng Phạm Minh chính nêu ra tại CSIS đã được chính giới, giới học giả, ngoại giao đoàn đánh giá rất cao.

Đi vào nội dung, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đóng góp tích cực cả trong thảo luận cũng như xây dựng văn kiện cho Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị, chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ, tình hình quốc tế và khu vực.

Nhìn lại 45 năm quan hệ giữa ASEAN - khu vực có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới và Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai bên đã có cam kết đồng hành cùng hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, đồng thời khẳng định đây là thời điểm phù hợp để ASEAN và Mỹ cùng bàn tới các mốc phát triển mới, tốt đẹp hơn.

Trên cơ sở đó, Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và trông đợi Mỹ luôn ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong các tiến trình ở khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; cùng đóng góp xây dựng đường hướng mới cho các khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì, tạo môi trường cân bằng, hài hòa ở khu vực; cùng ASEAN đối thoại chân thành trên cơ sở lòng tin và trách nhiệm, ủng hộ giải quyết các khác biệt, bất đồng, dựa trên các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á.

Đi vào các hợp tác cụ thể, Việt Nam chỉ ra việc cần ưu tiên hiện nay là khôi phục dòng chảy thương mại, đầu tư. Theo hướng đó, Việt Nam sẽ hỗ trợ tốt nhất các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, kết nối với thị trường ASEAN đầy tiềm năng. Việt Nam cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ ASEAN phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, đẩy nhanh phục hồi toàn diện và bền vững. Ngoài ra, Việt Nam còn trông đợi Mỹ thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Mekong - Mỹ, góp phần bảo đảm khu vực phát triển hài hòa, đồng đều và bền vững.

Góp phần thúc đẩy mục tiêu đưa đất nước phát triển ở một tầm mới

Một thông điệp được đoàn Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần là cần có cách tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trước hết là đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam mong muốn Mỹ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước trong khu vực bảo đảm an ninh y tế, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Trước những biến động phức tạp, khó lường hiện nay của tình hình quốc tế và khu vực, Việt Nam nhấn mạnh giữ vững hòa bình, duy trì ổn định phải được coi là quan tâm hàng đầu của cả ASEAN lẫn Mỹ. Muốn vậy, hai bên cần phải tiếp tục thúc đẩy đối thoại chân thành trên cơ sở lòng tin và trách nhiệm, đoàn kết, chung tay hợp tác, kiểm soát bất đồng, thượng tôn pháp luật, góp phần hiện thực hóa một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong các phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Về các tranh chấp trên biển, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần được giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đồng thời đẩy nhanh đàm phán đạt được COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Việt Nam đã có được vị thế mới khi phát triển ổn định thời gian qua, xử lý phù hợp dịch bệnh, hội nhập một cách sâu rộng và được các nước trên thế giới đánh giá cao. Việt Nam còn tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của ASEAN, tham gia vào tiến trình của các hội nghị quốc tế. Những điều đó tạo nên vị thế của Việt Nam.

Vị thế mới đó đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Thành công chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định Việt Nam là một đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa đất nước vươn lên phát triển ở một tầm mới mà chúng ta hay gọi là khát vọng phát triển tới năm 2030, 2045.