Canh cánh việc giúp người lầm lỡ hoàn lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giúp người lầm lỡ trở về địa phương để xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn lương thiện là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tái phạm, bảo đảm an ninh trật tự.

Làm lại cuộc đời

Sau những tháng ngày ngồi tù, trả giá cho lỗi lầm của mình, anh Nguyễn Văn T (SN 1994) ở thôn Tân Độ, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã dần xóa được mặc cảm. Anh T không ngại ngần kể về những ngày buồn để dặn mình phải vượt lên, không để cho “nốt đen” mãi đeo bám cuộc đời.

Những người lầm lỗi sau khi trở về địa phương rất mong có việc làm để ổn định cuộc sống

Những người lầm lỗi sau khi trở về địa phương rất mong có việc làm để ổn định cuộc sống

Bốn năm trước, sau khi đi ăn cỗ về, anh T cùng 17 người trong làng ngồi vào chiếu bạc. Đang say sưa sát phạt bằng trò 3 cây thì công an ập vào bắt giữ. Bản án 1 năm tù là cái giá quá đắt cho bản thân và gia đình. Vợ anh T kể: “Hôm anh ấy bị bắt quả tang, em vừa sinh con được 4 ngày, vẫn đang trong bệnh viện. Cảm giác sợ hãi, lo lắng bao trùm. Anh ấy bảo thấy hối hận vô cùng”.

Đang có nghề nghiệp tốt, giờ đi tù mất bao mối hàng, công việc làm ăn đổ bể trong gang tấc khiến anh T hụt hẫng, có lúc chán nản muốn buông. Thụ lý tại Trại giam Ngọc Lý (Bộ Công an), anh T đặt rõ quyết tâm cải tạo.

Chấp hành xong án phạt tù, sẵn có nghề làm mộc của gia đình, anh T chí thú làm ăn. “Tôi cảm ơn chính quyền, các anh công an đã luôn đến nhà động viên; còn kết nối với ngân hàng chính sách xã hội cho vay 70 triệu đồng. Bố vợ, anh rể cũng cho vay thêm để khôi phục xưởng sản xuất đồ gỗ”.

Giờ đây, xưởng luôn xèn xẹt tiếng máy, đã lấy lại được khách hàng, tạo việc làm cho gần chục lao động. Tôi nghĩ nếu những người chấp hành xong án phạt tù trở về mà có việc làm ổn định, có thu nhập sẽ nhanh chóng làm lại cuộc đời”- anh T cho biết.

Có thể nhận thấy phần lớn người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều có mặc cảm; đa phần không có việc làm nên dễ dẫn đến chán nản, sa vào tệ nạn thậm chí phạm tội trở lại. Những ngày lăn lộn ở địa bàn, nắm bắt tình hình, trực tiếp gặp gỡ các trường hợp, đại diện Công an phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cho rằng, nếu làm tốt công tác giáo dục và cảm hoá sẽ là một biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả, góp phần giảm được tội phạm.

Song muốn làm được điều đó chỉ lực lượng công an không đủ mà đòi hỏi phải có sự đồng tình vào cuộc và ủng hộ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Từ những suy nghĩ đó, năm 2021, Công an phường đã tham mưu với Đảng ủy xây dựng mô hình “Liên kết giữa công an và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”.

Mô hình đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND phường. Qua rà soát trên địa bàn phường hiện có 184 người chấp hành xong án, 8 người đi cơ sở giáo dục trở về, 44 người đang chấp hành án, 12 người tái hoà nhập cộng đồng. Sau khi tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, Công an phường và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với khu dân cư, gia đình giám sát, giáo dục, giúp đỡ, động viên.

Ngoài ra còn trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý như: Đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt, lập công; xem xét rút ngắn thời gian thử thách; miễn chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt bổ sung; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự...

Hỗ trợ giải quyết việc làm

Tuy nhiên, số người hoàn lương như anh T hay các mô hình hoạt động hiệu quả như ở phường Trần Nguyên Hãn không nhiều. Mặc dù được các cấp, ngành quan tâm nhưng thực tế, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt hoặc chậm triển khai thực hiện trách nhiệm được giao.

Chưa có nhiều gương điển hình trong công tác tái hoà nhập. Hỗ trợ vốn, tạo việc làm được xem là “cần câu” giúp người phạm tội hoàn lương nhưng số doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm còn rất hạn chế, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp e dè vì chưa thực sự tin tưởng vào sự tiến bộ của những người đã từng lầm lỗi. Cùng đó, các mô hình tái hóa nhập cộng đồng chủ yếu dừng ở việc quản lý, giám sát phòng ngừa tái phạm.

Theo chỉ huy phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: Hiện lực lượng công an tỉnh đang quản lý 2.263 người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo khảo sát, số người có ý thức chấp hành pháp luật, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng chiếm 45,9%.

Số người không có việc làm ổn định, thiếu vốn để tổ chức sản xuất còn khá cao, chiếm 35,3%. Số người được vay vốn tạo việc làm chỉ chiếm 9,02%...

Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 10/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Tăng cường phối hợp thực hiện nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước; triển khai, thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, để khắc phục những hạn chế, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu đối với UBND các huyện, TP, trong đó lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình có liên quan để hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương.

Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ sở trại giam tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để họ có cơ hội việc làm sau khi trở về. Sở cũng đề xuất bố trí riêng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề. Có chính sách ưu đãi các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, sử dụng lao động là người đã chấp hành xong hình phạt tù.