Cảnh báo: Trộm đột nhập đã vào “mùa”

ANTĐ - Phân tích số liệu hàng năm của cơ quan công an cho thấy, cứ đến mùa nắng nóng là tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản lại gia tăng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân.

Cảnh báo: Trộm đột nhập đã vào “mùa” ảnh 1Hình ảnh hoạt động của 2 tên trộm được camera an ninh ghi lại tại nhà để xe
ở khu cho thuê trọ trong ngõ 16 phố Hoàng Cầu rạng sáng 22-4

Hiện CAP Ô Chợ Dừa đang phối hợp với lực lượng CSHS - CAQ Đống Đa tích cực điều tra, làm rõ thủ phạm vụ trộm đêm táo tợn xảy ra tại khu nhà trọ ở ngõ 16, phố Hoàng Cầu. Theo Trung tá Nguyễn Văn Khoát, Trưởng CAP Ô Chợ Dừa, rạng sáng 22-4, một nhóm tội phạm đã phá khóa cổng, đột nhập nhà để xe của khu trọ trong ngõ 16, phố Hoàng Cầu, phá khóa bảo hiểm, khóa điện và dắt trộm 2 xe máy Honda SH và Lead. 

Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an nhận định do tội phạm phát hiện cửa cuốn bên trong nhà để xe không được đóng hết, để khoảng trống cách mặt đất 1m, đã dùng công cụ hỗ trợ phá cổng chính, đột nhập trộm cắp. Mặc dù khu vực nhà để xe có lắp camera an ninh, nhưng thời điểm xảy ra vụ trộm camera không có người theo dõi. Hình ảnh lưu lại camera cho thấy, bọn trộm gồm 3 tên, 1 ở bên ngoài cảnh giới, 2 lọt vào trong, dùng công cụ phá khóa điện, càng xe máy để trộm cắp. Chỉ trong 10 phút từ 3h10 đến 3h20, bọn trộm đã đưa được tài sản ra ngoài trót lọt. 

Thống kê của Phòng CSHS - CATP, trong năm 2014, toàn thành phố xảy ra hơn 2.800 vụ trộm cắp tài sản, trong đó số vụ trộm đột nhập chiếm tới 60%. Tính riêng các tháng 3, 4-2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 90 vụ trộm đột nhập và nguyên nhân chính dẫn đến các vụ trộm vẫn là do người dân mất cảnh giác. 

Theo Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS - CATP, phương thức hoạt động của tội phạm trộm đột nhập nhà dân, cơ quan, công sở chủ yếu vẫn là lợi dụng sơ hở của người dân bận làm việc trong giờ hành chính, nhà không ai trông coi, hoặc tối đi ngủ quên khóa cổng, cửa chính, cửa tum, cửa sổ… đột nhập lấy tài sản. Về phía các cơ quan, công sở, tội phạm lợi dụng đêm tối, lực lượng bảo vệ mỏng và chỉ tập trung ở khu vực cổng ra vào, ít chú ý đến các phòng riêng của lãnh đạo, thủ quỹ… đột nhập qua tường rào, phá khóa cửa các phòng làm việc trộm cắp tài sản, hoặc phá két trộm tiền. 

Ngoài những công cụ  “truyền thống” như xà cầy, đèn khò, mỏ lết, tuốc nơ vít, kìm cộng lực để phá ổ, tai khóa, cắt kính… gần đây tội phạm đã tinh vi hơn bằng cách sử dụng các thiết bị dò sóng điện từ để phá khóa cửa cuốn và các loại ổ khóa gắn thiết bị điện tử. Chính vì vậy, quá trình phạm tội diễn ra nhanh gọn hơn, khiến nạn nhân khó phát hiện hơn và việc điều tra cũng khó khăn hơn.

Theo Trung tá Mai Văn Thuần, lực lượng CSHS luôn phối hợp với công an các quận, huyện, phường, xã tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm trộm đột nhập để có biện pháp đấu tranh. Song quan trọng nhất là mọi người dân cần hết sức cảnh giác, nâng cao ý thức tự bảo quản tài sản, chú ý khóa cửa, cổng cẩn thận khi vắng nhà, trước khi đi ngủ và thực hiện nghiêm túc việc “đi gửi, về báo” đối với các hộ liền kề, hoặc cán bộ cơ sở, chính quyền địa phương nếu vắng nhà dài ngày.

Ngoài ra, Công an các quận, huyện cần tăng cường quản lý chặt các loại đối tượng, thường xuyên rà soát các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trộm cắp tài sản; bố trí lực lượng tuần tra mật phục tại các khu vực trọng điểm, nhất là từ 0h đến 4h sáng hàng ngày. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền phòng ngừa trộm cắp và phát động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm tới cơ quan công an. Mọi thông tin liên quan đến tội phạm, đề nghị gửi tới: Đội 6, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, số 7, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); điện thoại: 0.439.396.500.