Cảnh báo: Nhiều trẻ bị rối loạn học tập dù trí tuệ bình thường, bác sĩ chỉ dấu hiệu nhận biết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua điều trị cho những trẻ bị rối loạn học tập, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần nhận thấy các trường hợp này thường bị khó khăn ở 1 trong 3 kỹ năng gồm đọc, viết, tính toán, còn trí tuệ vẫn bình thường.
Các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai thông tin về bệnh rối loạn học tập

Các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai thông tin về bệnh rối loạn học tập

Bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết, Phòng Tâm thần nhi, thanh thiếu niên - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận một trẻ 14 tuổi vào điều trị với chẩn đoán rối loạn học tập.

Cháu bé này sinh ra khỏe mạnh, trước 4 tuổi vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên đến 4 tuổi, trẻ chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn trong việc mô tả một bức tranh hoặc kể câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời được những bài hát hoặc bài thơ đơn giản như bạn cùng lứa.

Khi đi học cấp 1, trong quá trình học tập, trẻ tiếp thu được các kiến thức, có thể ghi nhớ các kiến thức được dạy và áp dụng các công thức toán học bình thường. Lớp 1-2, trẻ có khó khăn trong học môn tiếng Việt, chính tả.

Bác sĩ Tuyết cho biết, qua lời kể từ gia đình trẻ thì trẻ học kém môn Văn, nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói. Em cũng vận động chậm, ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, các kĩ năng tương tác xã hội kém.

Khi bắt đầu lên lớp 9, em bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Việc này khiến em ít giao tiếp với mọi người xung quanh hơn, biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung, dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, cảm giác căng thẳng khi phải tập trung, học lực giảm sút nhiều…

Vì thế, em được cha mẹ đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên, rối loạn học tập, chỉ định điều trị nội trú bằng liệu pháp can thiệp tâm lý và dùng thuốc.

Các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, những trẻ có rối loạn học tập đơn thuần ít đến viện khám, bởi nhiều người quan niệm rồi khi lớn trẻ sẽ hết… Chính điều này khiến nhiều trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến hệ lụy rối loạn tâm lý, tự ti, mặc cảm, thậm chí bỏ học vì kết quả học tập không tốt.

Bệnh rối loạn học tập khác với tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ

Bệnh rối loạn học tập khác với tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi, thanh thiếu niên - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, cần nhìn nhận trẻ rối loạn học tập khác với trẻ mang hội chứng tự kỷ hoặc hay khuyết tật trí tuệ.

Các rối loạn này có nhiều yếu tố liên quan trong đó có yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, các vấn đề liên quan tới gen. Bệnh nhân có thể gặp 1 trong 3 rối loạn trên. Ở rối loạn học tập, trẻ thường chỉ có khó khăn 1 trong 3 kỹ năng như đọc, viết, tính toán còn trí thông minh vẫn bình thường. Nhiều đứa trẻ, học rất giỏi toán nhưng việc đọc lại rất kém.

Bác sĩ Yến chỉ ra các dấu hiệu nghi ngờ trẻ có thể bị rối loạn học tập, gồm:

- Trẻ nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái ở lứa tuổi mầm non.

- Ở lứa tuổi tiểu học: Trẻ có những vấn đề kiến thức kém về chữ cái, kỹ năng ghép vần hoặc âm vị kém.

- Ở độ tuổi trung học trẻ thường gặp các vấn đề khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt; từ vựng về hình ảnh ít; diễn đạt kém… hoặc trẻ chậm tính toán, khó nắm bắt quy tắc toán học, khả năng toán học thấp dưới mức kỳ vọng với lứa tuổi…

Theo bác sĩ Yến, nếu các dấu hiệu này duy trì hơn 6 tháng, dù đã được điều chỉnh, nhắc nhở, cha mẹ cần nghi ngờ khả năng trẻ bị rối loạn học tập, đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.