Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại làng nghề xã Tân Triều

ANTD.VN - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tại làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã xảy ra 2 vụ hỏa hoạn...

Hỏa hoạn luôn rình rập

Khoảng 20h tối 16-3, một vụ cháy lớn kinh hoàng đã xảy ra tại xưởng thu gom phế liệu nằm trên phố Triều Khúc. Đám cháy xảy ra bất ngờ, lại bùng phát tại vị trí có nhiều vật dụng dễ cháy nên nhanh chóng lan rộng, cột khói đen sì bốc cao đến hàng trăm mét. Rất may, hiện trường đám cháy không khó để lực lượng cứu hỏa tiếp cận, nên đã nhanh chóng khống chế được lửa bùng phát, cháy lan.

Chỉ 2 tuần trước đó, cũng tại địa bàn này đã xảy ra vụ cháy tại một xưởng sản xuất đồ da và nhựa. Rất may, cả hai vụ cháy đều không xảy ra thương vong. Tuy nhiên, để dập tắt được đám cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì đã phải điều ít nhất 10 xe chữa cháy và hàng chục CBCS đến làm nhiệm vụ dập lửa, bởi các nhà kho đều chứa chất dễ cháy lan, cháy lớn.

Vụ cháy cơ sở thu mua phế liệu tối 16-3 tại xã Tân Triều

Phân tích về nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì cho biết: “Việc xảy cháy cơ sở kinh doanh phế liệu tại xã Tân Triều là điều khó tránh khỏi, mặc dù lực lượng PCCC thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền an toàn PCCC nơi đây. Thực tế, hiện trường cháy từng xảy ra chủ yếu là các nhà xưởng, kho chứa phế liệu được dựng tạm bợ trên phần đất lưu không do người dân tận dụng. Do đó, hầu như các biện pháp PCCC là không có. Trong khi đó, ý thức người dân để đồ đạc, vật liệu dễ cháy tràn lan, có nơi xếp cao đến mái nhà”.

Nói về nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn ở làng nghề xã Tân Triều, ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Xã hiện có khoảng 70 hộ làm nghề kinh doanh buôn bán, thu mua phế liệu. Các hộ gia đình chủ yếu là sản xuất thủ công, phát triển tự phát, cở sở sản xuất, kinh doanh sử dụng những nguyên liệu, sản phẩm dễ cháy như đồ nhựa, xốp… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao”.

Vụ cháy đầu tháng 3-2018 tại xã Tân Triều

Cũng theo ông Quyền, để hạn chế tối đa hỏa hoạn, cấp ủy, chính quyền đã có nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó tuyên truyền an toàn PCCC với người dân, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Song, do vấn đề lịch sử của làng nghề, cùng với quỹ đất phát triển nông nghiệp bị thu hẹp do các dự án, cho nên người dân không kịp chuyển đổi nghề và chọn giải pháp thu mua phế liệu để mưu sinh.

Không thể thờ ơ với lửa

Xác định rõ vị trí quan trọng của làng nghề xã Tân Triều, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện ra nhiều chỉ thị, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các cơ sở liên quan đến an toàn PCCC. Đối với địa bàn có làng nghề, đơn vị đã chủ động phối hợp với UBND xã Tân Triều tổ chức nhiều cuộc tập huấn nâng cao ý thức PCCC cho người dân.

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì cho biết: “Do nhận thức của người dân còn thờ ơ, chủ quan với hỏa hoạn nên những cuộc tập huấn nâng cao kỹ năng, tuyên truyền PCCC chỉ có một bộ phận tham gia, hoặc tham gia mang tính đối phó. Trong khi đó, hỏa hoạn thì không loại trừ một ai”.

Nhiều chủ cơ sở vẫn chủ quan, chưa tự  giác nâng cao ý thức PCCC để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình

Khi được hỏi về cách sử dụng bình chữa cháy xách tay, chị Nguyễn Thị Huế, chủ cơ sở thu mua phế liệu ở xã Tân Triều cho biết: “Chủ yếu chồng tôi làm nghề thu mua phế liệu và đã được tập huấn cũng như trang bị các thiết bị PCCC, tuy nhiên tôi vẫn ý thức được rằng cần phải để đồ đạc cẩn thận vì đây là tài sản của mình, nếu xảy cháy thì mất của, có khi nguy hiểm đến tính mạng”.

"Hai vụ cháy xảy ra liên tiếp trong vòng nửa tháng 3 vừa qua, là hồi chuông cảnh báo với người dân làng nghề xã Tân Triều hay chưa? - điều đó còn phụ thuộc vào ý thức của người dân nơi đây đối với tài sản của chính họ và sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm" - Chỉ huy Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội chia sẻ.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, PV Báo ANTĐ được biết quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất nhựa, kinh doanh phế liệu ở làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều cho thấy, nhiều cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhưng họ không chú ý tới an toàn PCCC. Đa số cơ sở không có hệ thống lối thoát khi có sự cố cháy và bình chữa cháy không được trang bị đầy đủ. Lý do bởi các cơ sở phát triển một cách tự phát, nên chủ kinh doanh ít quan tâm nâng cấp nguồn điện và một nguyên nhân khác dẫn đến cháy là do người dân sắp xếp hàng hóa tùy tiện gần bảng điện, dây điện và bị che khuất tầm nhìn. Một số hộ không trang bị, bảo dưỡng vật tư đáp ứng công tác PCCC tại chỗ, dẫn đến xảy cháy và cháy lan”.

Cũng theo chỉ huy phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì, để tăng cường hơn nữa công tác PCCC tại các làng nghề, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Thanh Trì xây dựng đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn; tăng cường đổi mới các phương pháp, hình thức tuyên truyền về PCCC, đẩy mạnh tập huấn cho các cán bộ, người dân; hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định phòng chống cháy nổ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền xã Tân Triều kiểm tra, tuyên truyền an toàn PCCC tại cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn

Tuy nhiên, trước hết địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai chưa sử dụng, bãi lưu không tránh tình trạng người dân dựng lều lán tự phát chứa phế liệu. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống cháy nổ cho các gia đình, doanh nghiệp làng nghề. Các cấp, ngành, đoàn thể cần thực sự vào cuộc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra các hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.