Cảnh báo cháy, nổ tai nạn thương vong do mưa bão

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mưa bão kéo theo nhiều hệ luỵ trong đời sống, sinh hoạt và đặc biệt đe doạ đến sự an toàn của người dân, khi mà các biện pháp phòng tránh còn hạn chế. Trước nguy cơ đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn thương vong do thiên tai, bão lũ gây ra.
Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khắc phục cây đổ do mưa bão

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khắc phục cây đổ do mưa bão

Mỗi khi vào mùa mưa bão, địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như điện giật, sét đánh, cây đổ… thậm chí ở một số huyện ngoại thành còn xảy ra lũ cuốn cả người và phương tiện khi đi qua hệ thống kè, đập tràn. Đây là lỗi chủ quan của người dân do ý thức ứng phó với thiên tai, mưa bão còn hạn chế.

Theo thống kê, chỉ riêng ở các địa bàn nội thành, tai nạn thường xảy ra đó là hiện tượng cây đổ, gãy do gió giật và nền đất bị úng nước hàng năm lên đến chục vụ.

Cụ thể, mùa mưa bão năm 2022, “cây cô đơn” - địa chỉ nổi tiếng đối với giới trẻ - ở phường Quảng An, quận Tây Hồ đã bị gió quật gãy. Trước đó, cũng thuộc địa bàn quận Tây Hồ, một cây sanh cổ thụ bật gốc đã đè vào một người đi ngang qua khiến nạn nhân tử vong. Cũng vào dịp khoảng tháng 7-2022, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội khi hai người dân đang đi làm đồng thì cơn dông bất ngờ nổi lên, và sét đánh khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Tiềm ẩn nguy cơ đe doạ đến sự an toàn tính mạng con người và làm hư hỏng tài sản mùa mưa bão sẽ khôn lường, nếu như việc phòng tránh của mỗi người dân vẫn chưa tốt. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 1,165 triệu cây xanh đô thị. Do sự đan xen cây xanh với không gian sống nên việc nhiều người dân tận dụng bóng mát dừng đỗ phương tiện dưới tán cây. Sự chủ quan của người dân, không lường trước mức độ nguy hiểm nên đã dẫn đến nhiều vụ cây đổ đè bẹp phương tiện hoặc gãy cành hư hỏng tài sản, nhất là trong cơn mưa giông.

Các chuyên gia lâm nghiệp phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn từ cây xanh, đặc biệt thường gây ra vào dịp mưa bão. Bởi vì, ngoài tác động của gió giật thì yếu tố nước cũng là nguyên nhân gây nên đổ cây. Cây đô thị thường dễ đổ bởi hệ thống rễ không bám chắc được do các hạng mục cống ngầm, bê tông ở dưới gốc...

Hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã phải điều động CBCS và phương tiện hàng trăm lượt triển khai, phối hợp cứu nạn, cứu hộ, cưa cắt gây xanh bị bật gốc, gãy đổ do mưa bão. Cùng với đó là hàng chục vụ việc cháy, nổ hệ thống điện do chập cháy, sét đánh trạm biến áp. Đây là những sự cố thiên tai khó tránh đối với các thiết bị mang yếu tố kim loại hoặc vật bất di bất dịch như cây cổ thụ. Tuy nhiên, việc phòng tránh hạn chế thương vong đối với người dân thì hoàn toàn có thể làm được. Chỉ cần mỗi người dân tuân thủ quy định an toàn về PCCC, CNCH.

Cây sấu đổ đè trúng ô tô đang đỗ tại phố Láng Hạ, quận Đống Đa mừa mưa bão năm 2022

Cây sấu đổ đè trúng ô tô đang đỗ tại phố Láng Hạ, quận Đống Đa mừa mưa bão năm 2022

Ngoài việc triển khai các chuyên đề về an toàn PCCC và CNCH mùa mưa bão, Công an các quận, huyện đã chủ động phối hợp với ngành điện, đơn vị quản lý cây xanh triển khai các biện pháp rà soát, kiểm tra toàn hệ thống điện, chống sét, cắt tỉa cành khô, cành sâu, hạ bỏ cây có nguy cơ bật gốc…

“Để tránh thương vong do thiên tai, điện giật trong mùa mưa bão người dân cần lưu ý không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây cổ thụ và không đi, sinh hoạt, câu cá dưới khu vực đường điện cao thế, trạm biến áp và các bờ rào tôn tại các công trình đang thi công. Khi mưa bão có sấm chớp hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại và các thao tác liên quan đến thiết bị có sóng từ hoạt động” – Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm khuyến cáo.

Theo chuyên gia Cảnh sát PCCC, mưa bão cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ thiết bị điện. Sở dĩ hệ thống điện trong gia đình kém chất lượng, bị hơi ẩm làm châp, cháy. Điển hình là thiết bị điển tử như tivi, khi mưa bão xuất hiện sấm sét đúng lúc thiết bị hoạt động sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tia điện cực mạnh của sét có thể làm cháy, nổ thiết bị. Để bảo toàn thiết bị điện, người dân nên tắt và rút nguồn thiết bị điện tử.