Cảnh báo chập cháy điện khi mưa bão kèm giông lốc kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng năm, khi đến mùa mưa bão, các sự cố về điện, tai nạn điện có chiều hướng gia tăng so với các mùa khác trong năm, nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ sự chủ quan của người dân.

Nhiều tai nạn đáng tiếc xuất phát từ ý thức chủ quan của con người

Có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra đối với việc sử dụng điện, hoặc liên quan đến điện, cùng với đó là hàng trăm kiểu sự cố tai nạn khi di chuyển trong khi trời mưa bão.

Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người dân cho rằng mùa mưa sẽ khó xảy ra cháy, nổ nên nhiều người thường có tâm lý chủ quan trong việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Hiện trường một vụ sét đánh khiến 2 người tử vong trên địa bàn huyện Gia Lâm tháng 9-2021

Hiện trường một vụ sét đánh khiến 2 người tử vong trên địa bàn huyện Gia Lâm tháng 9-2021

Cũng trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn hy hữu khi người dân đi dưới trời mưa giông, tố lốc, dẫn đến hậu quả thiệt hại về người. Đặc biệt, tại khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội, những vụ tai nạn như bị sét đánh, hoặc điện giật do di chuyển trong lúc mưa bão đã xảy ra.

Điển hình như tại địa bàn xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm vào tháng 9-2021 đã xảy ra vụ sét đánh khiến 2 người thiệt mạng khi đang lưu thông trên tuyến đường thuộc xã này. Trước đó, khoảng tháng 3-2021, tại huyện Ba Vì cũng đã xảy ra vụ tai nạn điện giật khiến một thợ xây tử vong và nguyên nhân là do người này thi công máy móc vận hành bằng điện trong khi trời mưa.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, có vô số kiểu tai nạn do thiên tai, hỏa hoạn, thế nhưng không phải là không hạn chế được.

Trên thực tế, những người gặp nạn trong mưa bão xuất phát từ sự chủ quan, thiếu kỹ năng trong các biện pháp chủ động phòng ngừa. “Khi mưa bão lớn, không di chuyển dưới đường điện cao thế, cây cổ thụ, vì đây được xem là những điểm “đen” ở thời điểm này.

Mưa gió làm cây bật gốc, đường điện là nơi sét có thể đánh vào. Do đó, cần tuyệt đối tránh, không trú tại những chỗ như thế khi mưa bão lớn” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo.

Cẩn trọng khi sử dụng điện trong mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn phòng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong mùa mưa, bão, lũ lụt, CATP Hà Nội đã đưa ra hàng loạt khuyến cáo phòng ngừa.

Theo đó, để đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, người dân không leo trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện; không sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn; không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà. Khi xảy ra sự cố về điện, cần lập tức cắt điện ngay, tránh để dây điện chạm xuống nền nhà, hoặc nơi bị ngập nước; di chuyển thiết bị điện lên cao, tránh bị ngập nước.

Người dân nên chủ động di chuyển thiết bị điện lên cao trong trường hợp nhà bị ngập nước

Người dân nên chủ động di chuyển thiết bị điện lên cao trong trường hợp nhà bị ngập nước

Các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng; vùng dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện thoại hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.

Nếu người hoặc chân tay bị ướt, tuyệt đối không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đông thời báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội đề nghị người dân trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện.

Khi kiểm tra xem có điện hay không, phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho cán bộ điện lực.

Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện, bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.

Nếu không may xảy ra chập cháy trong mùa mưa bão, khi không khống chế được cần thông tin ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

Nếu không may xảy ra chập cháy trong mùa mưa bão, khi không khống chế được cần thông tin ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

Gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã. Kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà, tránh gió, lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy;

Các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chạm, chập gây ra cháy khi có mưa, giông, gió mạnh;

Các thiết bị dụng cụ điện phát nhiệt như bàn là, bếp điện không để gần chất dễ cháy để tránh phát sinh cháy, nổ khi tiếp xúc. Các ổ cắm điện cần lắp đặt ổ 3 chấu, có chấu thứ 3 nối đất để an toàn khi thiết bị điện rò điện ra bên ngoài.

Khi sửa chữa điện trong nhà phải ngắt cầu dao điện, thông báo cho mọi người cùng biết để không đóng điện bất ngờ. Tốt nhất là nhờ người có chuyên môn kỹ thuật về điện để sửa chữa nhằm tránh nguy cơ tai nạn hoặc chạm chập điện gây cháy sau khi mở cầu dao lên;

Khi sử dụng các thiết bị điện cầm tay như máy sấy tóc, máy masage, máy mài, máy khoan… phải mang găng tay cách điện để tránh giật nếu rò điện. Khi di chuyển các dụng cụ đang cắm điện phải ngắt nguồn.

Để tránh chập điện, người dân mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện hoặc tốt nhất là ngắt cầu dao tổng, để nếu có thiết bị điện trong nhà mà quên tắt, thì hoạt động trong thời gian dài sẽ phát nhiệt gây cháy.

Cách xử lý khi có cháy xảy ra trong mùa mưa cũng tương tự so với mùa khô. Khi có trường hợp chạm chập điện gây cháy, điều cần thiết nhất là phải ngắt ngay cầu dao hệ thống điện tại chỗ, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà, ra khỏi cơ quan, xí nghiệp; tập trung cứu người trong đám cháy (nếu có), sau đó, nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa và báo cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp trong trường hợp không khống chế được đám cháy.