Cần xử lý nghiêm và nhanh chóng xóa sổ đòi nợ thuê kiểu giang hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hành vi đòi nợ thuê kiểu giang hồ của một số công ty luật thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ. Theo các chuyên gia pháp lý, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và tạm giữ hình sự 10 nghi phạm (đều là người của Công ty luật TNHH Pháp Việt, trụ sở ở đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo lời khai của các đối tượng, Công ty luật TNHH Pháp Việt ‘núp bóng’ công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là phó giám đốc) cầm đầu.

Trước đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố hàng chục nhân viên Công ty Luật TNHH Power Law về tội vu khống nhằm đòi nợ.

Lực lượng công an khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt
Lực lượng công an khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định, các tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có các công ty luật) được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến quan hệ cho vay tài sản.

Khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư không được thực hiện các hành vi trái pháp luật, không được lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc các công ty luật sử dụng các nhân sự không phải là luật sư, không có chuyên môn pháp lý, để thực hiện hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, có tính chất khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản không thể coi là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý.

Với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa, đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay tiền, đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để uy hiếp tinh thần, đe dọa cho nổ cơ quan của người vay tiền để buộc họ trả nợ có dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản - luật sư Hồng Vân nhận định.

Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1-20 năm.

Về vai trò của các ngân hàng , công ty tài chính trong việc hợp tác với công ty luật để xử lý nợ xấu, luật sư Hồng Vân cho rằng, việc các đơn vị này ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhờ sự trợ giúp pháp lý của luật sư trong quá trình xử lý các khoản nợ là hợp pháp, song các hoạt động này phải tuân thủ pháp luật.

Nếu các ngân hàng, công ty tài chính và các cá nhân (thuộc các tổ chức này) đã biết rõ hoặc cấu kết, thông đồng với các đối tượng trong việc sử dụng các biện pháp đòi nợ trái pháp luật, có tính chất cưỡng đoạt để thu hồi nợ, thì đã có dấu hiệu đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản nên cần bị xử lý nghiêm.

Luật đầu tư 2020 đã quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Để đối phó với quy định này, các băng nhóm đòi nợ thuê đã tìm nhiều cách thức “lách luật”, sử dụng “vỏ bọc” là các hoạt động hợp pháp khác trong đó có hình thức thành lập công ty luật, để “núp bóng” các dịch vụ pháp lý của luật sư.

Nhằm hạn chế những vụ việc tương tự, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý và siết chặt công tác quản lý, nhằm ngăn chặn, xóa sổ và xử lý nghiêm minh các hiện tượng biến tướng trong việc đòi nợ thuê - luật sư Hồng Vân đề xuất.