Cần thực hiện ngay việc khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán có thẩm quyền

ANTĐ - Từ ngày 2-5, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981, đưa máy bay và tàu hộ tống quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căm phẫn cho mọi tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cuộc chiến pháp lý thời điểm này nên được thực hiện như thế nào để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cũng như tranh thủ được sự đồng thuận của quốc tế. Luật sư Lê Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật AIC đã có bài viết phân tích,  đề xuất một số phương án khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán có thẩm quyền. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đăng bài viết của Luật sư Lê Thanh Sơn.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Đề nghị Liên hợp quốc lên án hành động của Trung Quốc

Trước hết, bằng con đường ngoại giao, Chính phủ Việt Nam cần phải gửi công văn tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Ban Ki Moon, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị ban hành nghị quyết về việc lên án hành động của Trung Quốc. Đây là một hành động mang nhiều ý nghĩa và mục đích chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng quan trọng. Bởi:

Thứ nhất, văn bản này của Chính phủ Việt Nam mang giá trị chính trị quan trọng, khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đó. Đây là một phản ứng hiển nhiên của bất kỳ quốc gia nào khi chủ quyền của họ bị xâm phạm, là một tuyên bố khẳng định trước dư luận thế giới về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh hải quốc gia. Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Ban Ki Moon, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc không thể không đưa ra phát ngôn chính thức về vấn đề này.

Thứ hai, xét về khía cạnh xã hội, đây sẽ là đòn giáng đầu tiên khiến Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế phải xem xét lại vấn đề Biển Đông. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn công khai “nhận vơ” Biển Đông thuộc chủ quyền của quốc gia này với yêu sách “đường lưỡi bò” và phát tán ý đồ đó ra khắp thế giới. Văn bản chính thức này của Việt Nam sẽ tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng quốc tế rằng luận điểm của Trung Quốc là hoàn toàn sai sự thật.  

Thứ ba, đứng về mặt an ninh quốc phòng, đây là một biện pháp ứng xử hòa bình giúp cho cả hai bên đều tránh được đối đầu quân sự. Từ đó, trước mắt sẽ bảo đảm được an ninh quốc gia, trật tự xã hội nhưng vẫn thể hiện thái độ cương quyết của Việt Nam đối với vùng biển của mình. Qua đó, Việt Nam sẽ chiếm được niềm tin, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và Chính phủ Việt Nam sẽ lấy được sự đồng thuận cao trong dân chúng.

Không thể không khởi kiện trung quốc

Ngoài con đường ngoại giao, việc khởi kiện phía Trung Quốc ra cơ quan tài phán có thẩm quyền cũng là một trong những phương án bức thiết phải được xem xét và thực hiện ngay lúc này. Nếu vụ việc này được đem ra khởi kiện tại các cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích quý báu về chính trị, ngoại giao, an ninh trật tự, tâm lý… Với tư cách là luật sư, tôi cho rằng phía Việt Nam không thể không khởi kiện phía Trung Quốc ra các cơ quan tài phán có thẩm quyền vì các lý do sau:

Vụ kiện này sẽ mang một thông điệp chính thức của Chính phủ Việt Nam tới Chính phủ Trung Quốc nói riêng và với thế giới nói chung một cách ứng xử văn minh phù hợp với thông lệ quốc tế để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Từ đó, thông điệp này sẽ được cụ thể hóa bằng các căn cứ, bằng chứng pháp lý hợp pháp chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam để tạo ra một làn sóng ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cung cấp các căn cứ pháp lý mà Việt Nam thu thập bấy lâu nay một cách chính thức, đầy đủ và có hệ thống trên trường quốc tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Việt Nam.

Việc khởi kiện Chính phủ Trung Quốc thể hiện Việt Nam là nước tôn trọng và hành xử theo luật pháp quốc tế, luôn giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để chứng minh với thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các khu vực khác của Biển Đông. Đồng thời, chứng minh các yêu sách của Trung Quốc, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò” là tham lam và vô căn cứ. Ngoài ra, vụ kiện này giúp thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ biển đảo và chủ quyền quốc gia. Không những thế, đây là một biện pháp hòa bình, hợp lý vào thời điểm này, giúp cho cả hai bên đều tránh được xung đột vũ trang. Lấy tranh chấp của Philippines với Trung Quốc làm ví dụ. Quá trình tranh chấp trên biển của Trung Quốc với Philippines, dường như Trung Quốc vừa đàm phán vừa đe dọa. Vì vậy, động thái khởi kiện của Philippines cũng là để tránh đối đầu về quân sự, chuyển sang việc đối đầu về lý lẽ giữa các chuyên gia luật pháp với nhau.

Bên cạnh đó, các giá trị xã hội đạt được thông qua vụ kiện này cũng không hề nhỏ.  Bởi, vụ kiện này sẽ đặt một dấu mốc lịch sử trong quá trình đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đây sẽ trở thành một căn cứ lịch sử quan trọng để Việt Nam sử dụng trong toàn bộ quá trình đấu tranh lâu dài.  Nhân dân Việt Nam nhìn từ vụ kiện này sẽ tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam. Từ đó, lòng tin trong nhân dân với Chính phủ được củng cố vững chắc hơn, tạo sự đồng thuận trong cả nước. Đối với nhân dân Trung Quốc, họ sẽ được tạo thêm cơ hội nhìn nhận khách quan về vụ việc thay vì bị Chính phủ Trung Quốc bưng bít thông tin, vu khống Việt Nam, làm mờ mắt nhân dân Trung Quốc bao lâu nay.

Không những thế, các cơ quan, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh sẽ nhận thức rõ về ý đồ phi thương mại của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) từ đó xem xét lại các thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quy tụ và tập hợp sức mạnh của các Bộ, ngành và toàn dân tộc, của mọi người dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước cũng như quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trên trường ngoại giao, thông qua việc khởi kiện, Việt Nam có thể công khai hóa mọi thông tin liên quan đến tranh chấp trước công luận trong nước và quốc tế, thể hiện rằng Việt Nam có lẽ phải; còn Trung Quốc là nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhưng ngang nhiên vi phạm pháp luật quốc tế. Do hành xử vô luật, thiếu căn cứ pháp lý, thiếu căn cứ thực tiễn và không chính nghĩa nên nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, là một nước lớn, chỉ riêng việc Trung Quốc từ chối ra tòa đã thể hiện lý lẽ của Trung Quốc có vấn đề, Trung Quốc không có những bằng chứng pháp lý về vấn đề Biển Đông. Khi đó, hình ảnh của Trung Quốc trước dư luận sẽ xấu đi. Trong tình huống đó, cả thế giới sẽ thấy thiện chí của Việt Nam, đồng thời thấy rõ ràng hơn các yêu sách, luận điệu, chứng cứ của Trung Quốc là vô căn cứ. Nếu Philippines đã khởi kiện Trung Quốc, Việt Nam cũng kiện Trung Quốc và các quốc gia khác như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thể kiện Trung Quốc… thì sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, cộng đồng quốc tế sẽ lên án mạnh mẽ và tẩy chay Trung Quốc.

Ngư dân Việt Nam có quyền khởi kiện hành vi xâm lấn, gây thiệt hại của Trung Quốc

Ý nghĩa của một vụ kiện tại cơ quan tài phán có thẩm quyền của Việt Nam cũng không thể bị xem thường. Bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam và những ngư dân Việt Nam chính là những chủ thể bị thiệt hại trực tiếp, nhãn tiền vì hành vi xâm lấn của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép gây thiệt hại tàu thuyền, cản trở khai thác của ngư dân Việt Nam. Vì thế, các chủ thể này có thể tự mình tiến hành các vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường đối với hành vi gây thiệt hại của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc. Vậy ý nghĩa của vụ kiện này là gì?

Vụ kiện này thể hiện được rằng các tổ chức của Việt Nam luôn tôn trọng và hành xử theo luật pháp, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp. Theo đó, ít nhất phía Việt Nam cũng sẽ có một phán quyết có lợi và có giá trị thi hành đối với chủ thể là Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc. Bản án này sẽ trở thành một căn cứ pháp lý hoàn toàn hợp pháp và chắc chắn cho Việt Nam. Từ đó, các chủ thể được trao quyền hợp pháp tham gia đấu tranh với phía Trung Quốc lúc này sẽ bao gồm cả các cơ quan tư pháp Việt Nam như Công an, Tòa án, các cơ quan thi hành án… Hơn nữa, đây là cơ hội để chúng ta tập trung, xây dựng và củng cố được đầy đủ các tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam.

Việc kết án các cá nhân, cơ quan, tổ chức của Trung Quốc có hành vi xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam thông qua một bản án có hiệu lực pháp luật của Việt Nam là minh chứng hùng hồn, thể hiện cho toàn thế giới thấy rõ quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ biển đảo và chủ quyền quốc gia. Bản án này có tác dụng răn đe, ngăn chặn các cá nhân, cơ quan, tổ chức của Trung Quốc không tiếp tục có các hành vi xâm phạm trái phép chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Về mặt pháp lý, vụ kiện này tạo cơ hội cho chúng ta thực hiện một bước tập dượt pháp lý thực tế và quan trọng phục vụ cho các vụ kiện ở tầm quốc gia sau này. Qua đó, tạo cơ hội cho ngành Tư pháp Việt Nam được tiếp cận các vụ kiện quốc tế và thực hiện quyền xét xử một trong các vụ kiện lớn, đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Các luật sư Việt Nam cũng vì thế được có cơ hội để tham gia một vụ kiện như thế này. Họ sẽ được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các luật sư Việt kiều đang ở nước ngoài. Đây là bước tập dượt để khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế chúng ta đã sẵn sàng về kiến thức và kinh nghiệm. Không những thế, đây là cơ hội để quy tụ và tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, của mọi người dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước cũng như quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan trọng không kém, vụ kiện tư pháp này sẽ làm phi chính trị hóa động cơ của Chính phủ Trung Quốc khi lợi dụng Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc nhằm thực hiện những ý đồ của mình. Vụ kiện sẽ tách được sự chi phối của Chính phủ Trung Quốc ra khỏi hoạt động kinh doanh độc lập của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc.

Trên trường quốc tế, vụ kiện này sẽ ngay lập tức thúc đẩy sự ủng hộ, quan tâm của công luận trong nước và quốc tế. Tạo sức mạnh đoàn kết, ủng hộ của nhân dân Việt Nam, các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài. Đồng thời, việc tiến hành một vụ kiện dân sự mang tính thời sự quốc tế cũng sẽ là một bất lợi, ảnh hưởng lớn với hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế của chính CNOOC của Trung Quốc. Hơn nữa, việc có một bản án có hiệu lực tại Việt Nam cũng sẽ dẫn tới được một sự hỗ trợ tư pháp quốc tế trong quá trình thi hành bản án. Đây sẽ là cơ hội để kéo theo sự tham gia của rộng rãi các quốc gia khác - các quốc gia đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam trong việc hỗ trợ thực thi kết quả vụ kiện.

Từ các lý lẽ trên, chúng tôi nhận thấy những hành động trên nên được thực hiện ngay lúc này vì đó hoàn toàn là những ứng xử  hợp lý, hợp pháp, hợp lòng dân. Chính hành vi của Trung Quốc đã tạo ra  một cơ hội “hiếm có” để chúng ta thực hiện một “cú hích” về mặt pháp luật, chính trị và đặc biệt là về mặt  lịch sử trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình, (Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam): Chính nghĩa và pháp lý thuộc về chúng ta

Mức độ nghiêm trọng của hành động lần này là Trung Quốc đã ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của một đất nước mà nói một cách khác đó có thể được coi là hành vi xâm lược lãnh thổ nghiêm trọng… Trong tình hình hiện nay, chúng ta không chỉ sử dụng các vấn đề về chính trị mà chúng ta còn phải sử dụng pháp lý, đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta kêu gọi bạn bè thế giới ủng hộ. Chúng ta chỉ yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chúng ta không yêu cầu bất kỳ điều gì cho nên lẽ phải, chính nghĩa và pháp lý thuộc về chúng ta.

Ông Trần Công Trục, (Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ): Đã đến lúc kiện Trung Quốc ra tòa án của LHQ

Đã đến lúc Việt Nam xem xét đến biện pháp kiện Trung Quốc ra Tòa án của LHQ về Luật Biển theo đúng thủ tục và cơ chế thích hợp mà Công ước Luật Biển 1982 quy định. Áp dụng thủ tục này là một sinh hoạt bình thường để xử lý các quan hệ trong một xã hội văn minh, hiện đại, quốc nội cũng như quốc tế. Nó chỉ có thể củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia láng giềng một cách lâu dài, bền vững, dựa trên nền tảng của những quy định pháp lý quốc tế đã được loài người dày công xây dựng.


Luật sư Hoàng Ngọc Giao, (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển): Luật sư trên thế giới sẽ sát cánh cùng Việt Nam

Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đã hung hăng đặt chân vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Việc làm này trực tiếp ảnh hưởng đến ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá ở vùng biển của Tổ quốc. Với tư cách là một luật sư, tôi kiến nghị Chính phủ nên kiện Trung Quốc về hành vi xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực với quốc gia khác. Nhiều luật sư trên khắp thế giới sẽ ủng hộ và sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.



Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an): Điểm yếu của Trung Quốc là không có đạo lý và pháp lý

Trung Quốc mạnh thật nhưng họ có rất nhiều điểm yếu. Yếu nhất là không có đạo lý và pháp lý, bị cả thế giới cô lập, nên chúng ta không có gì phải lo lắng. Trong cuộc đấu tranh này, dân tộc Việt Nam có hai thứ mà Trung Quốc không bao giờ có, đó chính là pháp lý và đạo lý. Hai yếu tố này cộng với sức mạnh vật chất tạo nên khả năng bất khả chiến bại, đánh tan bất cứ âm mưu nào của các kẻ thù xâm lược.


Ông Lê Hải Bình,(Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam): Sử dụng biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình 


Trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực các giải pháp hòa bình, như thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, rõ ràng hành động của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định. Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo luật pháp quốc tế. Ngày 7-5, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên hợp quốc công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tùy diễn biến tình hình, Việt Nam sẽ tính tới các biện pháp phù hợp… Việc sử dụng biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình được quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Vì vậy, Việt Nam sẽ tính đến sử dụng biện pháp này nếu cần thiết.