Cần tăng nặng chế tài, xử lý hình sự một số cá nhân thả rông chó gây hậu quả nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Theo kế hoạch UBND TP Hà Nội vừa ban hành, trong giai đoạn 2022-2030, thành phố sẽ triển khai mô hình bắt chó, mèo thả rông đến 579 xã, phường, thị trấn. Trước mắt, từ nay đến năm 2023, đội bắt chó thả rông sẽ được thành lập ở 175 phường thuộc 12 quận nội thành. Sau hàng loạt vụ chó tấn công người gây phẫn nộ dư luận thời gian qua, kế hoạch này được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Song để đảm bảo tính khả thi, điều quan trọng là phương pháp thực hiện và chế tài xử lý các đối tượng cố tình vi phạm được quy định ra sao? Đỗ Ngọc Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chó là vật nuôi gần gũi với con người nhưng thực tế đã có không ít người bị thiệt hại về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng khi bất ngờ bị chó thả rông tấn công, trong đó có nhiều em nhỏ.

Tại Nghệ An, mới đây, cháu N.V.Đ (5 tuổi) trú tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu được gia đình đưa vào bệnh viện với vết thương lóc da đầu diện tích lớn bao gồm vùng trán, thái dương đỉnh chẩm T, lộ xương sọ... Nguyên nhân do khi bé Đ đang chơi ở nhà thì bị con chó thả rông xông vào tấn công. Trước đó, tại xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, 2 con chó Pitbull nặng hơn 52kg và 30kg đã bất ngờ tấn công 2 người đàn ông. Đáng tiếc, một người do vết thương quá nặng đã tử vong trên đường đi cấp cứu, người còn lại bị thương tích nặng với nhiều vết cắn ở vùng mặt, đầu và hai cánh tay. Còn tại Hà Nội, một bé gái 8 tháng tuổi cũng đã tử vong khi bị chó ngao Tây Tạng cắn. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi chấn thương trầm trọng vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức máu, chảy máu rất nhiều...

Những vụ việc trên khiến dư luận bức xúc, bàng hoàng. Nhiều người cho rằng, hàng năm, tai nạn do chó gây ra rất nhiều nên cần có biện pháp xử lý triệt để việc nuôi chó thả rông bằng cách xử phạt nặng. Bên cạnh đó, cần liệt một số giống chó dữ vào danh sách cấm nuôi, đồng thời xử lý hình sự đối với chủ vật nuôi không có biện pháp đảm bảo an toàn (như không đeo rọ mõm, không xích lại...).

Trước những nguy cơ gây mất an toàn từ việc nuôi chó thả rông, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch lập đội bắt chó thả rông ở các quận, huyện và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Mỗi đội bắt chó thả rông gồm 6-8 cán bộ của phường, tần suất hoạt động 1-2 lần/tuần nhưng không có lịch cố định nhằm phát hiện, xử lý những tình huống vi phạm của chủ vật nuôi.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các xã, phường lập kế hoạch để quản lý chó, mèo trên địa bàn. Cụ thể, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký, khai báo vật nuôi với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Về chế tài xử lý đối với việc nuôi chó, vệ sinh, phòng dại và chế tài xử phạt đối với việc thả rông chó ở nơi công cộng, theo quy định hiện hành, chủ vật nuôi phải đăng ký với UBND xã, phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 4-2020.

Chó thả rông không đeo rọ mõm gây cản trở giao thông, mất an toàn cho những người xung quanh (Ảnh minh họa)

Chó thả rông không đeo rọ mõm gây cản trở giao thông, mất an toàn cho những người xung quanh (Ảnh minh họa)

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vaccine hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật; Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 1 - 1,5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

Về trách nhiệm dân sự, Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật.

Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ vật nuôi còn có thể bị xem xét, xử lý hình sự về một trong các tội: “Tội vô ý làm chết người” theo khoản 1, điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm tù đối với hành vi vô ý vì cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin khi dẫn chó đến nơi công cộng nhưng không có bất cứ biện pháp phòng bị nào để xảy ra việc chó cắn chết người; Hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Khoản 1, Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt tù đến 5 năm.

Quản lý chó nuôi là điều cần thiết, không chỉ với mục tiêu thanh toán bệnh dại trên chó mèo và trên người mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thương tích và mỹ quan đô thị. Song để triển khai đồng bộ các đội bắt chó thả rông và đạt mục tiêu quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2030, các phường, xã, thị trấn của Hà Nội cần đảm bảo được ngân sách hỗ trợ trang thiết bị đầy đủ cho đội săn bắt và nơi nhốt, giữ chó chuyên dụng. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất tăng cường ý thức của chủ vật nuôi đồng thời tăng nặng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe, tránh việc chỉ quy định cho có.