Cát cứ đất công: Vạch mặt tội phạm bảo kê (1)

Cắn răng nộp tiền

ANTĐ - Không đơn giản là những tranh chấp dẫn đến gây rối, án mạng do mâu thuẫn trong xây dựng, thừa kế đất đai; cũng không phải dạng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm qua việc mua bán, có một loại tội phạm đã và đang hình thành từ việc lấn chiếm, bảo kê lấn chiếm rồi mua bán đất công…

Khu vườn Tửa vẫn còn dấu tích đổ đất, cát lần đường của nhóm “anh chị làng”


“Oai” của “đầu gấu” làng

Có một sự việc khá nghiêm trọng xảy ra cách đây đã hơn 3 tháng, nhưng khi tìm đến tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên những ngày đầu tháng 10 này, chúng tôi vẫn cảm nhận được một tâm trạng khá e dè từ người dân. Vụ việc xảy ra hồi tháng 6 vừa qua. Một nữ doanh nghiệp tên Huế đầu tư một mảnh đất tại tiểu khu Phú Mỹ, nằm trong khu đất mà người dân gọi là khu vườn Tửa, để xây nhà xưởng. Phía trước mảnh đất có mương nước dài vài chục mét chạy qua. Công trình nhà xưởng sắp hoàn thành thì đột nhiên xuất hiện một nhóm đối tượng người bản địa có, kẻ dưới Thường Tín lên cũng có, thuê xe ô tô chở đất cát đến đổ đầy mương nước và một phần lối đi vào nhà xưởng của doanh nghiệp tên Huế. Đám đối tượng có chủ ý rõ ràng, là “chơi khó” doanh nghiệp. Y như rằng thời gian ngắn sau đó, chúng bắn tiếng với người có trách nhiệm xây nhà xưởng ở khu vườn Tửa: không được phép đi qua khu vực chúng đổ đất, nếu không được sự đồng ý. Còn muốn đi, phải nộp tiền.

Trong nhóm đối tượng trên, phía doanh nghiệp biết rõ một tên người ở ngay tiểu khu Phú Mỹ. Tên này nghiện ma túy, đi biền biệt nhưng hầu như lần nào về cũng gây sự với hàng xóm. Vài lần, hắn còn hứng chí mang dao, kiếm ra đường khoe. Phần vì sợ, phần vì công trình sắp khánh thành, dây dưa với đám côn đồ khó tránh khỏi phiền phức, phía doanh nghiệp thay vì báo lực lượng chức năng, đã chọn giải pháp đưa tiền cho đám “Chí Phèo”. Thế nhưng tiền đưa rồi mới biết dại, bởi đám ấy, tiền càng nhiều càng ít. Ngót nghét trăm triệu đồng rồi mà chúng vẫn đòi thêm.

Trong một lần bị đòi tiền nhiều quá, doanh nghiệp trình báo Công an thị trấn Phú Xuyên và CAH Phú Xuyên. Bốn, năm đối tượng xăm trổ đầy mình bị bắt quả tang đang lảng vảng quanh khu vực thi công. Thế nhưng điều khôi hài mà Đại tá Nguyễn Văn Nôm - Trưởng CAH Phú Xuyên kể với chúng tôi sau vụ án này, đó là sự yếu bóng vía của doanh nghiệp. Vận động mãi, doanh nghiệp mới chịu nói thật lý do đám côn đồ bao vây nhà xưởng, cũng như số tiền đã nộp cho chúng. Còn trước đề nghị của CQĐT tiến hành đối chất với đám côn đồ, bị hại lắc đầu quầy quậy, xin “thà mất số tiền trên còn hơn”. Vụ án đang được CAH Phú Xuyên hoàn tất để xử điểm nhóm côn đồ trên về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Kiếm ăn bằng đất trạc

29 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội có không biết bao nhiêu công trình, dự án lớn nhỏ. Và một trong những vấn đề từng khiến chủ đầu tư, nhà thầu phải đau đầu, là nơi đổ đất trạc - đất phế thải. Toàn thành phố hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay những điểm đổ đất trạc hợp pháp và cũng chỉ bố trí ở một vài địa bàn chứ chưa quán xuyến, đáp ứng được đủ nhu cầu tất cả 29 địa bàn. Cái khó của các đơn vị xây dựng đã trở thành “cần câu” cho một loại tội phạm mới: bảo kê cho việc đổ đất trạc. Loại đối tượng này dĩ nhiên chẳng liên quan đến bãi đổ đất hợp pháp nào, cũng chẳng có tấc đất cắm dùi đủ để cho một xe đất trạc trút xuống. Chúng chỉ có… thói côn đồ và sự coi thường pháp luật. Lỗi đáng trách đầu tiên từ chính một vài chủ đầu tư, nhà thầu; khi không tìm được nơi đổ đất trạc hợp pháp và cũng do tiếc chi phí để thuê chỗ đổ, họ đã tìm đến dịch vụ đổ thuê đất trạc, mà chẳng cần biết đối tác của mình sẽ thực hiện dịch vụ ấy như thế nào.

Nhiều đối tượng lưu manh đã sống bám vào dịch vụ này. Đường vành đai 3, khu Đại Kim - Đại Từ (Hoàng Mai), mấy khu đô thị ở Trung Hòa, Yên Hòa (Cầu Giấy) và “xa xưa” nữa là đường cao tốc Láng - Hòa Lạc…

Đỉnh điểm trong các địa chỉ này là trục đường từ phường Đại Kim (Hoàng Mai) sang xã Tân Triều (Thanh Trì). Một thời gian dài, người dân sở tại gọi đây là con đường đau khổ, bởi đất trạc chiếm gần trọn lối đi. Trên lý thuyết, khu vực này có dự án đã được quy hoạch. Nhưng một đám đối tượng “từ trên trời rơi xuống” đã tự ý đứng ra bảo kê, nhận và hướng dẫn các xe đổ đất trạc về tập kết. Phương tiện giao thông qua lại khu vực đổ phế thải chịu sự “phân luồng” của chúng, với hung khí lúc nào cũng thường trực trong người. Chúng sẵn sàng chém những người ngăn cản việc đổ phế thải.

Nắm được hiện tượng trên, CAQ Hoàng Mai bắt được nhóm 6 đối tượng cả nam lẫn nữ, do Cao Văn Trường (SN 1973), nhà ở huyện Đan Phượng và Cao Thanh Thận, đối tượng có 6 tiền án, cầm đầu. Tang vật thu giữ 8 dao các loại, 3 xe máy, 2 sổ ghi chép việc đổ đất thải. Lời khai của các đối tượng cho thấy, Thận là kẻ đứng ra thuê nhóm tên Trường “cai” việc đổ đất thải trái phép. Nhiệm vụ của chúng là đứng chờ các xe đổ đất thải đi đến và hướng dẫn xe đổ đất… trái phép lên khu đất ruộng. Mức lương Thận trả cho “công nhân” của y ít nhất 3 triệu đồng/tháng.

Thời gian ngắn sau vụ việc này, tại địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, lực lượng công an cũng bóc gỡ một kênh chuyên bảo kê đổ đất trạc ở khu vực bãi đất trống đối diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trên đường mới mở Trần Thái Tông. Nhóm đối tượng bị bắt quả tang do Nguyễn Văn Mạnh (SN 1986), nhà ở quận Hoàng Mai cầm đầu. Chúng khai nhận thu đổ đồng của mỗi xe đổ đất trạc, phế thải 30.000 đồng. Đáng lo ngại là kiểm tra sơ bộ bãi rác lậu trên, lực lượng chức năng nhận thấy nó không chỉ có đất bùn, mà đủ các loại rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại đang trong giai đoạn phân hủy…


(Còn nữa)