Cân nhắc kỹ thời điểm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

ANTĐ - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3-7, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm đưa hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Đó là thời điểm và hoàn cảnh đem lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (Ảnh Phú Khánh)

Tại cuộc họp báo, vấn đề Biển Đông và những diễn biến xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam được quan tâm đặc biệt.Ngoài ra phóng viên cũng đưa các câu hỏi liên quan tới những "điểm nóng" trên thế giới.

- TTXVN: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng tại Iraq hiện nay?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình: Việt Nam hết sức quan ngại về hình hình bạo lực căng thẳng gia tăng hiện nay ở Iraq. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như của chính quyền Iraq nhằm sớm khôi phục ổn định, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

- Tiền Phong: Vài ngày trước Nội các Nhật Bản thông qua việc bãi bỏ cho phép giải thích lại Hiến pháp để Nhật có thể đưa quân ra nước ngoài và hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về  vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam quan tâm đến thông tin này. Việt Nam hy vọng Nhật Bản với tư cách quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới sẽ nỗ lực đóng góp tích cực vào xây dựng hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực.

- Dân Trí: Ngoại trưởng Philippines vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trong chuyến thăm này, Việt Nam và Philippines có trao đổi gì về việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc vi phạm chủ quyền?

Ông Lê Hải Bình: Trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Philippines,  hai bên đã trao đổi sâu rộng các biện pháp nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác song phương, cũng như các biện pháp thúc đẩy hướng tới đối tác chiến lược.

Về tình hình khu vực và quốc tế, hai bên cũng trao đổi tập trung vào hợp tác trong  ASEAN và hợp tác ở biển Đông. Hai bên khẳng định tiếp tục cùng với các nước ASEAN xây dựng thành công cộng đồng ASEAN, đề cao sự đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, vì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, kêu gọi thực hiện kiềm chế, giảm căng thẳng, không gây phức tạp thêm tình hình, bảo đảm thực hiện đầy đủ  nghiêm túc DOC, đẩy mạnh quá trình thảo luận để sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông COC.

Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế tham dự cuộc họp báo. (Ảnh Phú Khánh)

- Dân Trí: Xin cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam vừa ký hiệp định nước chủ nhà với tòa trọng tài thường trực PCA, nếu Việt Nam quyết định khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, việc hợp tác này có tác động thế nào đến vụ kiện của Việt Nam?

Ông Lê Hải Bình:  Việt Nam, như các bạn biết, đang thực hiện mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế. Hiện Việt Nam đang tích cực tham gia các diễn đàn, cơ chế quốc tế khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, việc ký kết hợp tác vừa rồi với Tòa trọng tài thường trực quốc tế  là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về hội nhập quốc tế.

- Lao Động: Xin bình luận việc thông tin máy bay Mỹ xuất hiện khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và đại diện Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981?

Ông Lê Hải Bình: Việc máy bay Mỹ bay trên khu vực giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam xác minh rõ thông tin này. Về việc ủng hộ của Mỹ, đến nay, cộng đồng quốc tế đều lên tiếng ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, yêu cầu chấm dứt căng thẳng, hành vi ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC.

- Tuổi Trẻ: Chuyến thăm của ngoại trưởng Philippines đến Việt Nam tác động thế nào đến hoạt động đấu tranh của Việt Nam trước hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép?

Ông Lê Hải Bình: Như trên tôi đã nói, chuyến thăm của Ngoại trưởng Philippines là nhằm tiếp tục thúc đẩy các bước phát triển sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Philippines tháng 5 vừa qua. Trong thời gian qua, Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động đối ngoại, tham gia các diễn đàn quốc tế như bình thường. Tất cả hoạt động này cho thấy thế, lực, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng. Riêng vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 thì lập trường chính nghĩa, sự kiên trì sử dụng các biện pháp hòa hình đã được quốc tế ủng hộ.

-Tuổi Trẻ: Có chuyên gia về luật pháp quốc tế đưa ra nhận định: "Hành động của Trung Quốc buộc Việt Nam phải ngồi lên bàn đàm phán mặc dù Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam". Xin ông cho biết quan điểm?

Ông Lê Hải Bình: Dù Việt Nam có chứng cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi ở Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng vẫn tồn tại những tranh chấp giữa các bên. Để giải quyết, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

-VNExpress: Việc Trung Quốc vừa công bố cảnh báo bão toàn bộ khu vực Biển Đông, phản ứng của Việt Nam về việc này như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc mở rộng vùng cảnh báo bão ra toàn thể khu vực biển Đông là không thể chấp nhận. Thực tế Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông.

- An ninh Thủ đô: Trung Quốc vừa công bố luật  mới có hiệu lực từ 1-8, theo đó quân đội Trung Quốc có quyền ngăn chặn ngư dân nước ngoài ở vùng biển  cấm mà Trung Quốc đơn phương đặt ra. Xin cho biết quan điểm về vấn đề này, điều này ảnh hưởng đến ngư dân Việt Nam như thế nào, Việt Nam có biện pháp nào bảo vệ ngư dân?

Ông Lê Hải Bình: Câu hỏi này liên quan Luật Chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin này. Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, không làm phức tạp thêm tình hình và không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định cũng như các hoạt động dân sự bình thường trong khu vực. Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân của mình hoạt động ở các ngư trường truyền thống ở Biển Đông.

Phóng viên ANTĐ đặt câu hỏi tại cuộc họp báo. (Ảnh Phú Khánh)

- An ninh Thủ đô: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 2-7 khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng đưa hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Xin hỏi vậy có quyết định về thời điểm chưa?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh, được hiến chương Liên Hợp quốc ủng hộ. Việt Nam không loại trừ sử dụng biện pháp pháp lý. Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm để tiến hành.

- Tiền Phong: Báo chí Nhật gần đây đưa tin Ngoại trưởng Nhật sắp thăm Việt Nam, xin ông nêu thời gian diễn ra cuộc gặp này và chương trình dự kiến sẽ gồm vấn đề gì?

Ông Lê Hải Bình: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản đang được hai bên tích cực thu xếp vào một thời điểm thuận tiện. Theo tôi biết, chuyến thăm sẽ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt khi hai bên đã thiết lập nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược thành đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3 năm nay. Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

- Hãng tin Nhật Bản: Gần đây Trung Quốc thông báo sẽ dừng một số chương trình giao lưu và hợp tác với Việt Nam. Chương trình giao lưu hợp tác nào sẽ bị dừng, tác động đến Việt Nam thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Theo tôi biết, đến nay, mọi hoạt động giao thương, trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

- Gia đình - Xã hội: Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định sẽ chọn thời điểm đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế? Vậy thời điểm và hoàn cảnh nào được coi là phù hợp để Việt Nam đưa việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ra tòa án quốc tế?

Ông Lê Hải Bình: Hoàn cảnh và thời điểm đó chắc chắn là thời điểm và hoàn cảnh đem lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

- Tuổi Trẻ: Từ thời điểm Việt Nam công bố tiến hành hơn 30 cuộc tiếp xúc với Trung Quốc, đến nay đã có cuộc tiếp xúc nào thêm chưa, kết quả như thế nào? Trung Quốc tiếp tục đưa thêm tàu ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981, quan điểm của Việt Nam về việc này và có diễn biến gì trong đối sách của Việt Nam?

Ông Lê Hải Bình: Cho đến nay Việt Nam vẫn kiên trì tìm mọi cách tiếp xúc, đối thoại với Trung Quốc để cùng nhau tìm ra giải pháp cũng như biện pháp giải quyết vấn đề. Những nỗ lực tiếp xúc, đối thoại này đang diễn ra ở nhiều cấp khác nhau.

Về tình hình trên thực địa, chúng tôi hiểu rằng những căng thẳng cũng như hành động của Trung Quốc đã được quý vị nắm rõ qua thông tin đại chúng ở Việt Nam và quốc tế. Trong lúc đó, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang kiên trì thực hiện các biện pháp tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc  rời giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam.

Sự kiên trì này cũng như các biện pháp nhằm tránh sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế và ngay các phóng viên nước ngoài tại thực địa đánh giá cao. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng các hành động ngang ngược của tàu, máy bay của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an ninh hàng hải ở khu vực.