Căn cứ al-Tanf: Cái dằm Mỹ trong lãnh thổ Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căn cứ al-Tanf được Mỹ thiết lập trái phép ở ngã 3 biên giới Syria-Iraq-Jordan, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Căn cứ al-Tanf của Mỹ ở Syria bị UAV tấn công

Mỹ đã thiết lập [trái phép] một tiền đồn quân sự lớn tại cửa khẩu al-Tanf, tỉnh Homs của Syria vào năm 2016, với lý do chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Mới đây, vào ngày 14-12, căn cứ này đã bị tấn công bởi hai máy bay không người lái (UAV) nhỏ. Bộ chỉ huy Chiến trường Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo đã bắn rơi một UAV được cho là đe dọa lực lượng tại đồn trú ở al-Tanf, máy bay không người lái thứ hai được cho là đã chạy thoát.

“Hai máy bay không người lái đã được theo dõi khi tiến vào Khu vực cấm Tiếp cận al-Tanf. Khi một trong những UAV tiếp tục tiến sâu hơn khu vực này, nó bị đánh giá là thể hiện ý định thù địch và đã bị bắn hạ” - người phát ngôn của CENTCOM là Đại úy Bill Urban, cho biết.

Đại úy Bill Urban không nói rõ về bản chất của mối đe dọa do máy bay không người lái gây ra và liệu chúng có mang theo chất nổ hay vũ khí nào khác hay không. Tuy nhiên, ông cho biết rằng, không có thương vong hoặc thiệt hại nào đối với căn cứ trong sự kiện này.

Một quan chức quân sự thứ hai nói với truyền thông Mỹ rằng, máy bay không người lái xâm nhập đã bị bắn rơi trong một cuộc không kích và không tiếp cận đủ gần tiền đồn để đe dọa khoảng 200 lính Mỹ đang đóng tại đây.

Quan chức này cho biết, cả hai máy bay không người lái được cho là của "lực lượng dân quân Shia do Iran hậu thuẫn" đang hoạt động trong khu vực. Đây thường là một thuật ngữ của Lầu Năm Góc để chỉ Hezbollah - nhóm chiến binh Lebanon được Damascus mời vào Syria để giúp chống lại các nhóm thánh chiến được nước ngoài hậu thuẫn trong thập kỷ qua.

Căn cứ al-Tanf của Mỹ thiết lập một "Khu vực cấm tiếp cận" đối với Quân đội Syria và các nhóm dân quân thân Damascus
Căn cứ al-Tanf của Mỹ thiết lập một "Khu vực cấm tiếp cận" đối với Quân đội Syria và các nhóm dân quân thân Damascus

Đây là vụ tấn công có chủ đích mới nhất nhằm vào căn cứ al-Tanf. Đầu tháng này, truyền thông Syria đưa tin rằng nhiều vụ nổ đã được nghe thấy bên trong căn cứ nhưng không rõ do nguyên nhân nào gây ra.

Trong những tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã báo cáo về nhiều nỗ lực có chủ ý “đơn lẻ và phối hợp” để tấn công căn cứ bằng máy bay không người lái và tên lửa. Một cuộc tấn công ngày 20-10 được cho là đã gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở, mặc dù không có thương vong.

Vậy tại sao căn cứ quân sự rất nhỏ này của Mỹ liên tục bị các lực lượng của Iran và lực lượng dân quân thân Iran tấn công? Điều này xuất phát từ vị thế địa-chiến lược cực kỳ quan trọng của nó.

Vai trò của căn cứ al-Tanf trong chiến lược của Mỹ ở Syria

Căn cứ al-Tanf nằm ở miền nam Syria có vị thế chiến lược cực kỳ quan trọng bởi nó nằm ở ngã 3 biên giới của Cộng hòa Ả Rập Syria với Iraq và Jordan, dọc theo Đường cao tốc chiến lược M2, nối thủ đô Baghdad của Iraq với thủ đô Damascus của Syria, chạy qua hàng loạt thành phố lớn của hai nước.

Chính quyền Damascus đã nhiều lần yêu cầu các lực lượng Mỹ rút khỏi đất nước nhưng Mỹ vẫn viện dẫn vào cái gọi là “quyền tự do chống khủng bố” của mình để tiếp tục hiện diện bất hợp pháp tại đất nước này.

Syria và các đồng minh cũng cáo buộc Washington sử dụng căn cứ al-Tanf để đào tạo lại hơn 1.200 chiến binh đối lập và khủng bố Syria.

Căn cứ al-Tanf đã phong tỏa lối vào trại tị nạn Rukban trên biên giới Jordan
Căn cứ al-Tanf đã phong tỏa lối vào trại tị nạn Rukban trên biên giới Jordan

Theo giới phân tích địa chính trị thế giới, sở dĩ Mỹ sống chết không chịu từ bỏ căn cứ al-Tanf là do những nguyên nhân chính sau đây:

Một là: Lập "Khu bảo tồn khủng bố", tạo cớ tiếp tục hiện diện quân sự trái phép ở Syria

Mặc dù việc Mỹ tung quân vào Syria là với lí do chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng thực chất là là lợi dụng IS để có cớ tiếp tục duy trì “lực lượng chống khủng bố” ở Syria, tạo cơ hội cho lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn chiếm được càng nhiều đất của Syria càng tốt.

Do đó, Mỹ đã lập căn cứ al-Tanf, ngang ngược tuyên bố một “Vùng cấm xâm nhập” có bán kính 50km đối với Quân đội Syria (SAA), tạo lập “vùng an toàn” cho IS và các nhóm đối lập Syria củng cố thế lực, huấn luyện binh sĩ để tiếp tục quấy rối khu vực phía đông và nam Syria.

Ngoài ra, “Vùng cấm xâm nhập” cũng giúp Mỹ phong tỏa hoàn toàn trại tị nạn Rukban trên biên giới Jordan để dễ bề tuyển chọn, huấn luyện các tay súng đối lập Syria, tiếp tục tung vào hoạt động ở Syria, nhằm duy trì cái cớ hiện diện quân sự trái phép ở đất nước này.

Hai là: Kiểm soát biên giới Syria-Iraq, cắt đứt huyết mạch nối thông Địa Trung Hải của Iran

Một mục đích khác của Mỹ khi lập căn cứ al-Tanf - nằm cạnh Đường cao tốc chiến lược M2, nối thủ đô Baghdad của Iraq với thủ đô Damascus của Syria - là kiểm soát toàn bộ khu vực tam giác biên giới Syria với Iraq và Jordan.

Sự hiện diện quân sự ở đây sẽ giúp Mỹ kiểm soát tuyến đường huyết mạch từ Iran sang Iraq, qua Syria, tới Lebanon và ra Địa Trung Hải (được Iran gọi là Hành lang trên bộ Iran-Địa Trung Hải); ngăn chặn Iran tiếp tục đưa vũ khí, trang bị và các nhóm vũ trang sang Syria; cắt đứt sự liên kết giữa các nhóm vũ trang thân Iran ở hai nước Syria và Iraq.

Căn cứ al-Tanf nằm gần đường cao tốc M2 Baghdad-Damascus
Căn cứ al-Tanf nằm gần đường cao tốc M2 Baghdad-Damascus

Có thể nói rằng, việc tạo lập căn cứ quân sự ở al-Tanf về lâu dài sẽ đóng một vai trò quan trọng giúp Mỹ hy vọng sẽ dần dần đẩy lùi sự mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự của Iran ở Trung Đông.

Ba là: Tạo "thế ỷ giốc" bảo vệ khu vực xâm chiếm trái phép ở đông-đông bắc Syria

Căn cứ al-Tanf nằm ở đông nam Syria, cách không xa những vùng đất Quân đội Mỹ đang đồn trú nhằm “bảo kê” các vùng lãnh thổ đang bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiếm đóng trái phép ở các tỉnh đông bắc Syria là Deir eZzor, al-Hasakah, Raqqa.

Sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ tại Al-Tanf sẽ tạo “thế ỷ giốc” (dựa vào nhau) giúp Mỹ bảo vệ vững chắc các vùng đất nhiều dầu mỏ, khí đốt và thực phẩm ở vùng đồng bằng màu mỡ phía đông sông Euphrates, đông bắc của Syria.

Kết luận: Sự hiện diện của Quân đội Mỹ ở căn cứ al-Tanf nằm trong một chiến lược tổng thể rộng lớn hơn, lâu dài hơn được gọi là “Chiến lược phân rã Syria”, với mục đích là chia cắt đất nước Syria thành các vùng lãnh thổ độc lập theo khu vực địa lý, theo đặc điểm dân cư và tôn giáo, với sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài.

Về lâu dài, việc Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng ở đây sẽ góp phần giúp người Kurd xây dựng chính quyền và lực lượng quân đội, an ninh riêng ở vùng Đông Bắc Syria; giúp họ tự lập về chính trị, quân sự và kinh tế để đòi quyền tự trị, thậm chí là đòi độc lập, tách ra khỏi Syria.