Mỹ vật lộn thay thế động cơ tên lửa Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Động cơ RD-180 và RD-181 của Nga lắp cho tên lửa Atlas-V là phương án mà Mỹ buộc phải tiếp tục chấp nhận, trong bối cảnh họ vật lộn với hai dự án động cơ BE-4 và AR1 nhằm thay thế động cơ của Nga, song vẫn chưa thành công.

Theo Ars Technica, do công ty Blue Origin của Mỹ đang trì hoãn việc giao hai động cơ BE-4, nên các thử nghiệm tên lửa Vulcan của United Launch Alliance (ULA) có thể bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, ULA từ chối bình luận thông tin liên quan đến vấn đề sản xuất

Ars Technica tiết lộ, việc giao hai động cơ tên lửa mê tan của Blue Origin được hứa hẹn sẽ diễn ra vào quý II năm sau nhưng đã có “những vấn đề tương đối nhỏ” trong quá trình sản xuất, do đó, động cơ sẽ không thể thử nghiệm vào tháng 4-2022.

Tại Tây Texas, nơi đặt địa điểm thử nghiệm tên lửa, các động cơ sẽ cần được lắp ráp, thử nghiệm và chuẩn bị để vận chuyển đến Alabama, nơi các chuyên gia từ ULA sẽ bắt đầu lắp ráp tên lửa đẩy Vulcan.

Việc thay thế động cơ tên lửa Nga không phải là điều dễ dàng với Mỹ
Việc thay thế động cơ tên lửa Nga không phải là điều dễ dàng với Mỹ

“Chúng tôi rất thất vọng vì không nhận được động cơ tên lửa Vulcan từ Blue Origin cho đến cuối năm nay, nhưng chúng sẽ có mặt vào đầu năm sau. Việc cấp chứng nhận đang tiến triển tốt, động cơ đang được sản xuất” - công ty cho biết trong thông cáo báo chí.

Được biết, tên lửa Vulcan sẽ thay thế phương tiện phóng tên lửa Atlas-V sử dụng động cơ đẩy tầng thứ nhất RD-180 của Nga.

Ngoài phương tiện phóng Atlas-V sử dụng động cơ chạy bằng dầu hỏa RD-180, Mỹ còn có tên lửa Antares sử dụng động cơ RD-181 của Nga. Cả hai loại động cơ này đều là sản phẩm của công ty NPO Energomash.

Theo NPO Energomash, 122 động cơ RD-180 đã được gửi đến Mỹ kể từ năm 1999, trong đó 93 chiếc đã được sử dụng. Lô động cơ tên lửa RD-180 gần đây nhất của Nga đã được chuyển giao vào tháng 4 vừa qua.

Còn động cơ RD-181 được đặt trên tầng đầu tiên tên lửa Antares (hai chiếc). Tổng cộng, 22 động cơ đã được chuyển giao cho Mỹ kể từ năm 2015, trong đó 18 chiếc đã được sử dụng.

Trước đó, vào năm 2016, Quốc hội Mỹ đã cấm Lầu Năm Góc sử dụng tên lửa Atlas 5 với động cơ RD-180 của Nga sau năm 2022.

Do đó, Mỹ quyết định từ bỏ việc mua động cơ tên lửa đẩy Nga và có kế hoạch thay thế chúng bằng các tên lửa nội địa, trong đó, RD-180 bị thay bằng BE-4 của công ty Blue Origin, còn RD-181 bị thay bằng động cơ tên lửa đẩy AR1 của Aerojet Rocketdyne.

Theo kế hoạch, các dự án chế tạo động cơ đẩy này phải được hoàn tất chậm nhất vào cuối năm 2019 nhưng cho đến nay vẫn chưa có động cơ nào được hoàn thiện để đi vào giai đoạn thử nghiệm trên tên lửa. Do đó, Mỹ sẽ còn phụ thuộc vào Nga ít nhất trong vòng 5 năm nữa.

Dường như Mỹ cũng đã dự liệu được vấn đề này nên đã mua dư một số động cơ Nga (29 chiếc RD-180 và 04 chiếc RD-181) để sử dụng nếu các chương trình phát triển động cơ của mình bị trục trặc.