Cần chế tài mạnh hơn

ANTĐ - Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nạn đổ trộm phế thải xây dựng cũng gia tăng đến mức đáng báo động. Do đó, cần những chế tài xử phạt đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Quy định về chế tài đối với người xả rác nơi công cộng, đổ trộm phế thải xây dựng đã khá đầy đủ song số lượng người vi phạm quá lớn trong khi lực lượng xử lý vi phạm lại mỏng, không đủ để dàn quân, căng sức bao phủ mọi điểm “nóng” hoặc mật phục, giăng lưới tóm kẻ vi phạm. Ai là người sẽ lập biên bản khi bắt quả tang người xả rác nơi công cộng? Thói quen xấu tiện tay vứt rác ra đường nếu chỉ giáo dục, nhắc nhở suông mà không phạt nặng tới 200 USD như ở Singapore, thì chắc chắn khó “lay chuyển” được ý thức và hành vi của người dân.

Đó là chưa kể, các lực lượng tại chỗ như trật tự đô thị, bảo vệ dân phố… của ta lại không có thẩm quyền xử phạt “nóng” người vi phạm môi trường. Chính vì thế, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng vẫn là “điểm nóng”, nhất là ở Hà Nội. Những bãi đất trống ven thành phố, những khúc sông vắng, ao hồ ngoại thành… là nơi lý tưởng để các đối tượng lén lút trút đổ phế thải xây dựng. Hoạt động này diễn ra từ nhiều năm nay và các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để hành sự.

Đáng chú ý, để tránh kiểm soát của lực lượng chức năng, nhiều xe tải cỡ lớn chất đầy phế thải xây dựng chạy với tốc độ cao, bạt mạng trong đêm không chỉ ảnh hưởng tới môi trường đô thị mà còn vô cùng nguy hiểm với người tham gia giao thông. Cơ quan chức năng và giới chuyên gia môi trường cho rằng, nếu mức phạt chưa đủ nặng tay thì rất khó chấm dứt thực trạng này.

Ngay cả phạt tiền thật nặng cũng chỉ là “đánh” vào tài chính, chưa thể “triệt nọc” nạn đổ trộm phế thải xây dựng đang diễn biến phức tạp, hậu họa tăng lên khó lường. Thực tế đòi hỏi phải có giải pháp cứng rắn hơn. Phạt hành chính bằng tiền cao là rất cần thiết nhưng chưa đủ. Tại sao không đặt ra quy định tạm giữ những xe tải đổ trộm phể thải xây dựng?

Tại sao không buộc lái xe, chủ phương tiện phải trực tiếp dọn dẹp hoặc chi trả chi phí dọn những đống phế thải xây dựng mà họ đã trút xuống để trả lại môi trường sạch sẽ, vệ sinh trong lành? Đặc biệt, chủ đầu tư công trình - nơi phế thải xây dựng xuất phát cũng không thể vô can. Cần quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của đối tượng này. Theo hiến kế của giới chuyên gia, nếu không thực thi đồng bộ những giải pháp này, nạn đổ trộm phế thải xây dựng sẽ khó triệt tận gốc.