Cần chấm dứt làm thủy điện bằng mọi giá

ANTĐ - Chiều 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể thủy điện.

Cho ý kiến về dự án Luật công chứng (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết để ngăn chặn các tranh chấp pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các giao dịch dân sự có giá trị lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp có hành vi vi phạm.

ĐB Nguyễn Phi Thường – Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Hà Nội) cho rằng, rất cần quy định về bộ quy tắc hành nghề của công chứng viên. “Nội dung này phải do Bộ Tư pháp soạn thảo chứ không nên giao cho hiệp hội ngành nghề. Từ bộ quy tắc, sẽ có chế tài để xử lý các trường hợp công chứng viên vi phạm”.

Cùng quan điểm, ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ, nếu công chứng viên có sai phạm, gây thiệt hại cho các bên liên quan trong giao dịch, thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Cùng với đó, cần làm rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phát triển hệ thống văn phòng công chứng.

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững hơn


Về Quy hoạch tổng thể thủy điện, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Hà Nội) cho rằng, thủy điện không thể thiếu song mặt trái cũng không ít. Nhiều sự cố đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa an toàn tính mạng người dân. “Cần hết sức thận trọng với thủy điện, hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của nó tới môi trường và đời sống người dân...”.

ĐB Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Hà Nội) cũng cho rằng, cần chấm dứt làm thủy điện bằng mọi giá, bởi những thiệt hại về môi trường, dân sinh là không thể khắc phục. Ông kiến nghị, cần phân định rõ trách nhiệm từng khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý an toàn hồ đập thủy điện... để có cơ sở xử lý trách nhiệm kịp thời nếu xảy ra sự cố, sai phạm.

Không đồng tình việc cho phép phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần làm rõ cơ sở nào đưa các dự án thủy điện vào quy hoạch rồi lại rút ra. Ông nhấn mạnh, công tác quy hoạch, thẩm tra, quản lý quy hoạch thủy điện đang ở mức báo động chứ không thể coi là an toàn, an tâm. “Không thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của thủy điện với sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Nhưng hiện nay, tiềm năng thủy điện ở nước ta không còn được như trước. Định hướng chiến lược phải điều chỉnh để tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, bền vững hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...”.