Cần “bình đẳng giới” trong những tác phẩm báo chí viết về giới, bạo lực giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Tuy nhiên, đôi khi chính một số bài viết, bài báo viết về giới, bạo lực giới lại thiếu sự bình đẳng giới.

Khi báo chí còn thiếu “bình đẳng giới”

Vừa qua, tại Hà Nội, Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Bà Lê Thị Lan Phương - chuyên gia tư vấn UN Women chia sẻ những tài liệu cũng như câu chuyện về bất bình đẳng giới đã và đang xảy ra trong xã hội
Bà Lê Thị Lan Phương - chuyên gia tư vấn UN Women chia sẻ những tài liệu cũng như câu chuyện về bất bình đẳng giới đã và đang xảy ra trong xã hội

Bà Lê Lan Phương, Quản lý dự án, đại diện Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên hợp quốc (UNWOMEN) tại Việt Nam cho biết rằng theo Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu (Global Gender Gap Report) năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam hiện đang được xếp vị trí thứ 83/146 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.

Trao đổi tại cuộc tập huấn, ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết việc phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách nhằm đảm bảo mọi người dân được tham gia, đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại.

Ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết việc phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài
Ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết việc phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài

Để làm được điều này, cần sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí, đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, các cộng tác viên truyền thông.

Tuy nhiên, việc truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông, báo đài hiện nay chủ yếu mới tập trung vào một số thời điểm trong năm; hình thức, công nghệ chưa phong phú; nội dung chưa chuyên sâu; đội ngũ phóng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên am hiểu pháp luật, chính sách về bình đẳng giới để thực hiện công tác truyền thông chưa nhiều,…

GS-TS. Đinh Thu Hằng, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình thừa nhận bạo lực với phụ nữ vẫn thường chỉ được báo chí đăng tải dưới dạng tin ngắn hoặc những mẩu tin rời rạc, mang tính cá nhân, riêng tư trong nội bộ gia đình, trong khi bạo lực giới là hành vi vi phạm quyền con người và không thể coi là một vụ việc đơn lẻ. Thông tin về cải thiện bình đẳng giới chưa nhiều. Hiện phụ nữ “chỉ đóng góp 24% số người được đăng tải trên báo giấy, đài truyền hình hoặc đài phát thanh”.

Để chuyển tải những thông điệp bình đẳng giới và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới tới cộng đồng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng
Để chuyển tải những thông điệp bình đẳng giới và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới tới cộng đồng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng

Bên cạnh đó, nhiều tiêu đề, nội dung bài báo, bài viết truyền thông phản ánh về bạo lực giới song lại có biểu hiện “bất bình đẳng giới”, làm gia tăng định kiến giới, đổ lỗi cho nạn nhân, không nhạy cảm trong vấn đề tôn trọng nạn nhân và gia đình họ, chỉ nhằm mục đích “câu view” thu hút bạn đọc, thay vì là lời cảnh tỉnh, cảnh báo gửi đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bình đẳng giới….

GS-TS. Đinh Thu Hằng lấy ví dụ: “Trong một bài báo đã được đăng tải có đoạn như sau: “những lần hai vợ chồng mâu thuẫn, không hề có cơ quan đoàn thể nào của địa phương tham gia hòa giải””. Theo GS-TS. Đinh Thu Hằng, việc đưa tin như vậy khiến công chúng có thể cho rằng bảo lực gia đình là chuyện đóng cửa bảo nhau của các thành viên trong gia đình, là chuyện cá nhân, không liên quan tới chính quyền địa phương.

Trong những bài viết về giới, hình ảnh nữ phụ thuộc hoặc bị động thường gặp trong những tin/bài viết về quan hệ hôn nhân - gia đình, các vụ án hiếp dâm hoặc bạo lực gia đình… Ngay cả khi những tin bài này nhằm ủng hộ và bênh vực cho nữ thì việc dừng lại ở mô tả hiện tượng, bề mặt của sự kiện khiến sự mô tả của báo chí dễ rơi vào tinh trạng khắc sâu tâm lý phụ nữ phải phụ thuộc vào nam giới.

Thực tế, không hiếm những tin bài báo chí ngầm truyền tải thông điệp “bất bình đẳng giới” như phụ nữ giỏi hơn chồng là có tội, kiểu như: Làm gì khi vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng; Tổ ấm lung lay vì chồng lép vế vợ; Chồng “thấp”, vợ "cao”, Nỗi khổ của những người vợ giỏi; Tan tổ ấm vì vợ giỏi; Khó lấy chồng vì quá thông minh; Tổ ấm thành tổ lạnh vì vợ phất…

Trở thành “cánh tay nối dài” trong công tác bình đẳng giới

Để chuyển tải những thông điệp bình đẳng giới và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới tới cộng đồng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng.

Do đó, các nhà báo phải được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, có nhạy cảm giới để ở mỗi tác phẩm báo chí, vấn đề “sạn” giới sẽ không còn có mặt. Thái độ, quan điểm của phóng viên, biên tập viên cũng sẽ góp phần định hướng đối với truyền thông tới công chúng về bình đẳng giới.

Tại buổi tập huấn, NCS. Nguyễn Thị Lan, Tư vấn chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ, UN Women - Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ Nữ Việt Nam nêu rõ 10 nguyên tắc truyền thông có đáp ứng giới do UNDP đề ra. Bao gồm: Bình đẳng giới không chỉ nói về phụ nữ; Đảm bảo tính đại diện; Không đánh giá thấp vai trò của phụ nữ; Không củng cố khuôn mẫu giới; Mô tả sự đa dạng; Sử dụng ngôn ngữ có đáp ứng giới; Không nạn nhân hoá; Không có thái độ coi thường, bề trên; Mô tả hiện thực/thực tế, không phán xét; Hãy luôn cởi mở và không ngừng học hỏi.

NCS. Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh bình đẳng giới không chỉ nói về phụ nữ, các vấn đề của phụ nữ và đóng góp của họ. Bình đẳng giới là về mối quan hệ quyền lực giữa nam giới và nữ giới và để đạt được bình đẳng giới cần thiết phải thách thức và loại bỏ chuẩn mực/khuôn mẫu giới về nam giới và nữ giới. Do đó, khi các nhà báo viết về bình đẳng giới lưu ý cần phải lưu ý hết sức, tránh có xu hướng củng cố khuôn mẫu giới; không đánh giá thấp/bỏ qua vai trò của phụ nữ/nhóm yếu thế; sử dụng ngôn ngữ có đáp ứng giới; không nạn nhân hoá; tránh coi thường, thái độ bề trên; đưa ra các dẫn chứng thực tế, không đưa phán xét….