Căn bệnh khó nói
(ANTĐ) - Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang làm số vụ tự tử của các cựu chiến binh trẻ tuổi ở Mỹ ngày càng tăng cao. Thông tin trên đang làm Lầu Năm góc đau đầu trước nguy cơ hình ảnh quân đội Mỹ bị xói mòn.
Lính Mỹ trong một chiến dịch quân sự ở miền Nam Afghanistan |
Tại hội nghị bàn biện pháp giải quyết vấn đề trên vừa diễn ra tại Thủ đô Washington, Bộ trưởng Các vấn đề cựu chiến binh Mỹ E. Shinseki cho biết, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 30.000 trường hợp tự tử, trong đó cựu chiến binh chiếm khoảng 20% và hầu hết các trường hợp tự tử là quân nhân từng phục vụ tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Ông E. Shinseki còn cho biết thêm rằng, mặc dù chính phủ Mỹ biết thực trạng này nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào.
Chẳng riêng gì cựu binh, tự tử cũng đang hoành hành trong số quân nhân tại ngũ. Cuối năm ngoái, tướng P. Chiarelli, Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, thừa nhận với báo giới số binh lính Mỹ tự sát liên tục tăng trong các năm gần đây và đã lên mức kỷ lục vào năm 2009. Chấn động nhất là vụ Thiếu tá M. Nadal, một chuyên gia về tâm lý, bất ngờ xả súng ngay tại căn cứ quân sự Fort Hood lớn nhất nước Mỹ ở bang Texas làm 11 người thiệt mạng và 31 người khác bị thương rồi tự sát.
Trước đó, hồi tháng 5-2009, một viên trung sĩ cũng xả súng bắn chết 5 đồng đội tại trung tâm tư vấn thuộc căn cứ Liberty ở Iraq trước khi tự bắn vào đầu.
Theo tiết lộ của báo chí, hầu hết các vụ tự sát và bắn giết lẫn nhau kể trên đều có liên quan đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Nhưng lạ là sau mỗi lần thảm họa xảy ra thì lời giải thích của Lầu Năm góc lại chẳng giống dư luận chung. Thậm chí khi thông báo về con số kỷ lục binh lính Mỹ tự sát trong năm 2009, tướng P. Chiarelli lại khuyến cáo không nên quy chụp các nguyên nhân dẫn tới tự sát có mối liên hệ với sự căng thẳng trong chiến đấu của lính Mỹ vốn đang bị dàn mỏng trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông dẫn chứng là có tới 1/3 số trường hợp tự sát chưa từng được điều động ra nước ngoài.
Nhưng các nhà tâm lý thì rành hơn tướng P. Chiarelli. Họ nói trắng ra rằng, chưa cần phải sang Iraq hay Afghanistan thì nỗi lo sợ đối mặt với chết chóc cũng đã dẫn tới tình trạng tự sát trong lính Mỹ, điển hình là vụ xả súng của Thiếu tá M. Nadal sau khi nhận được tin bị điều sang Iraq.
Dù lính Mỹ được trang bị tận răng, dù được bố trí chủ yếu ở những khu vực an toàn hơn bởi công việc bảo đảm an ninh đã được chuyển giao cho lực lượng an ninh người bản xứ nhưng số quan tài đưa về Mỹ từ Iraq và Afghanistan cứ tăng lên đã trở thành nỗi ám ảnh trong quân đội Mỹ.
Thêm nữa là tình trạng mất niềm tin và mất phương hướng sau khi giải ngũ. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã kéo dài gần một thập kỷ mà chưa thấy ai chỉ ra được lối thoát. Sự trợ giúp với cựu quân nhân, nhất là về mặt tâm lý, thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Khi chính quyền còn bế tắc thì việc lính Mỹ lo lắng dẫn đến khủng hoảng tâm lý mà tự sát hoặc bắn giết đồng đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có điều, thừa nhận sự thật này sẽ là đòn nặng giáng vào uy tín của nước Mỹ, quân đội Mỹ cũng như tinh thần của lính Mỹ.
Tự tử trong lính Mỹ vì cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan vì thế đã trở thành căn bệnh trầm kha nhưng khó nói. Không muốn chỉ rõ nguyên nhân gây bệnh thì làm sao có thể kê đơn thuốc đúng mà trị bệnh.
HOÀNG SƠN