Cần “5T” để khôi phục sản xuất, tăng tốc kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, để phục hồi sản xuất, tăng tốc kinh doanh sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách là Chính phủ cần thực hiện “5T”, gồm: Trợ thở, tiếp máu, thúc đẩy, thể chế và tổ chức.
Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu sản xuất sau đại dịch

Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu sản xuất sau đại dịch

Bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch mang lại, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất giải pháp “5T” để Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, “trợ thở” theo ông Lộc thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế, kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho doanh nghiệp, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

Thứ hai, “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.

Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Cần lập tức yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính. Do đó, theo tôi, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng”.

Thứ ba là “thúc đẩy” doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tức là, doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Thứ tư là cải cách “thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực ASEAN. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.

Thứ năm là “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Bên cạnh những đề xuất với Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực bằng cách thực hiện chuyển đổi số; xanh hóa- sản xuất bền vững, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường; Và xã hội hóa doanh nghiệp.

Nêu lên mong muốn về việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi kinh doanh, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ vừa vừa TP Hà Nội cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần “phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.

Song song với đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh”.

Ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập Đoàn Phú Thái ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đợt bùng phát dịch vừa qua có thể lên tới 200 – 300 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền.

Do đó, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng, phía doanh nghiệp đang cần là sự hỗ trợ các dòng tiền từ Nhà nước, nhằm duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho các lao động - những người đã phải bỏ về quê trong thời gian giãn cách khó khăn vừa qua.

Tuy vậy, ông Phạm Đình Đoàn cũng cho rằng, khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn hạn chế, thì doanh nghiệp cần chủ động triển khai 3 kế hoạch là: tái cấu trúc, duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả; Cần trang bị thêm kiến thức về các hoạt động M&A - mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Và cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng, người lao động, là giải pháp tình thế để duy trì dòng tiền.