Cấm uống rượu khi lái xe: Nếu đã uống một chén thì khả năng sẽ uống thêm, khó biết đâu là ngưỡng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ủng hộ quan điểm phải cấm tuyệt đối người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ, ĐBQH Phạm Văn Thịnh nêu rõ, quy định pháp luật cần phải tường minh như vậy…
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu chiều 24-11

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu chiều 24-11

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chiều 24-11, quy định về việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn có nhiều ý kiến thảo luận.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Lý do vì trong các vụ TNGT nghiêm trọng có tới 50% nguyên nhân là do người gây tai nạn có nồng độ cồn.

Ông Thịnh nhấn mạnh, quy định pháp luật phải tường minh giúp người dân dễ hiểu, dễ chấp hành. Trong đó, việc cấm tuyệt đối hay cho phép có một mức nồng độ cồn nào đó thì cấm tuyệt đối sẽ giúp quy định tường minh hơn, người dân dễ chấp hành, tự mình đánh giá có vi phạm hay không vi phạm.

“Ở góc độ tâm lý học hành vi, nếu cho phép uống rượu, bia ở một ngưỡng nào đó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hành vi vi phạm, vì tâm lý nếu uống 1 chén rượu sẽ có khả năng uống thêm và người người uống thường khó mà tự biết đã đến ngưỡng hay chưa” – ĐB Phạm Văn Thịnh phân tích.

Vị ĐBQH này cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân nước ta còn chưa cao nên việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ phù hợp hơn.

“Quy định trong dự thảo không phải là mới vì đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá có hiệu lực từ 1/1/2020. Do 2 năm dịch COVID nên từ năm 2022, Cảnh sát giao thông mới thực hiện xử phạt mạnh và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt nên việc thay đổi quy định là không nên” – đại biểu Thịnh nêu quan điểm.

Phát biểu sau đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng bày tỏ chung quan điểm với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Thịnh, nhất trí không nên cho phép có nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính họ.