ĐBQH: Xử phạt nồng độ cồn đã giúp hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đánh giá cao việc Bộ Công an rất quyết liệt trong chỉ đạo xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân…
ĐBQH Đặng Bích Ngọc phát biểu tại Quốc hội chiều 24-11

ĐBQH Đặng Bích Ngọc phát biểu tại Quốc hội chiều 24-11

Chiều 24-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Qua thảo luận, đa phần ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành luật này.

Theo các đại biểu việc đảm bảo TTATGT đường bộ có tính chất vô cùng quan trọng trong bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người, là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, TTATXH và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội.

Về một số nội dung cụ thể tại dự luật, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về các hành vi bị cấm tại khoản 1 Điều 8 dự luật, trong đó quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo ATGT, TTATXH, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Đồng thời, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu Bích Ngọc bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật mà Chính phủ trình.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận chiều 24-11

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận chiều 24-11

Một nội dung khác cũng có nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm góp ý là quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 33 dự thảo luật về điều kiện tham gia giao thông, trong đó có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.

Phát biểu góp ý, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng việc quy định về thiết bị giám sát hành trình như dự thảo luật là rất cần thiết để giám sát các vi phạm…

Dù vậy, đại biểu cho rằng, đối tượng áp dụng còn khá rộng nên cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất.

Một số ĐBQH khác góp ý nên cần nghiên cứu, tính toán, cân nhắc áp dụng quy định nêu trên với xe kinh doanh, xe hợp đồng, xe dịch vụ cho phù hợp, còn đối với xe cá nhân chỉ khuyến khích lắp đặt.