Cai nghiện vì một người không quen biết

ANTĐ - Chúng tôi đến xưởng sửa chữa điện ô tô của anh Nguyễn Thế Thùy (Gò sỏi - Hồng kì - Sóc sơn - Hà Nội) vào một ngày nắng. Từ xa đã nhìn thấy một người đàn ông to cao, cởi trần cặm cụi sửa chữa ô tô. Nếu là lần đầu tiên gặp, chắc chắn không ai nghĩ một người to béo đến gần 80kg này đã từng nghiện ma túy hơn mười năm.

Bây giờ anh Thùy (bên phải) rất chăm chỉ làm việc

Một thời vùng vẫy

Nhìn anh chui vào gầm ô tô rồi đặt luôn tấm lưng trần xuống nền bê tông thì lại càng ngạc nhiên hơn. Tấm lưng nhễ nhại mồ hôi để lộ một vài vết sẹo, hình xăm, dấu tích một thời tội lỗi. Đôi tay anh lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ. Anh bảo: “Nghề này mà tay sạch, ráo mồ hôi thì không có tiền”.

Hơn hai mươi năm trước, khi đang là học sinh cấp 3, Thùy là một người con ngoan ngoãn. Vì phải học xa nhà cách trường 6 -7 cây số, Thùy cùng chúng bạn hay bị những tay đầu gấu bản địa ở gần trường bắt nạt. Nhiều lần bị gây gổ, Thùy và các bạn dù rất bức xúc nhưng cũng phải nén chịu vì bọn chúng nổi tiếng đầu gấu, giang hồ. Nhưng không thể cứ chịu ấm ức mãi để bọn chúng càng lấn tới, nhóm của Thùy quyết định liều sống mái với bọn chúng một phen. Sau vài lần hỗn chiến, mấy tay đầu gấu cũng phải nể nhóm của Thùy. Cuối cùng, hai bên lại bắt tay chơi với nhau. Cũng vì không muốn cứ thù hằn gây gổ đánh nhau mãi nên nhóm của anh giao du với chúng. Đúng là “gần mực thì đen”, nhiều lần bị dụ dỗ, nhiều lần vì sĩ diện, vì “nể” bọn chúng, anh cùng mấy bạn đã bập vào ma túy. Thế là vết trượt dài của anh bắt đầu từ đó. Các cụ vẫn bảo “đi với ma mặc áo giấy”, nhóm của anh cũng trở thành những kẻ đầu gấu, ăn chơi đua đòi từ bao giờ chẳng biết.

Càng sa đà vào các cuộc ăn chơi, Thùy càng sa sút chuyện học hành. Những cuộc chơi bất tận, những cuộc rượu chè quên trời đất. Đã bao lần Thùy cùng chúng bạn ngập chìm trong những cơn phê thuốc, bao lần vi vu trên chiếc xe máy với tốc độ kinh hoàng. Nhiều lần bị tai nạn mà không hiểu sao “chắc cái số anh không chết”. Anh cười và kể, có lần cả mấy thằng cùng ngồi trên xe, phê pha hết cả lượt, rồi bị tai nạn, xe anh đâm thẳng vào chiếc xe chở những cây tre dài lê thê. Thằng bạn anh cầm lái bị dính vào ngọn tre đâm ngang ngực, vậy mà anh bị bắn ra kiểu gì mà không bị sao. Anh cũng thấy chờn chợn. Không muốn mình cũng có kết cục xấu như mấy người bạn, thấy mình còn may mắn thế nên anh tự nhủ phải sống cho ra hồn. Nhất là khi anh lấy vợ rồi có con, trách nhiệm người chồng, người cha khiến anh càng muốn đoạn tuyệt với ma túy.

Hình tượng người cha gọi tôi về

Anh Thùy cho rằng nếu muốn cai nghiện thì bản thân người nghiện quyết định đến 80%. Đã nghiện rồi thì chỉ có bạn nghiện thôi chứ làm gì có bạn tốt. Nếu đã xác định cai thì phải biết xa các bạn nghiện. Nhiều người, vừa ở trong trại ra đã rủ nhau tụ tập hút liên hoan một trận, cho đã những ngày thiếu thốn rồi sẽ bỏ, nhưng cuối cùng đều bị nghiện lại hết. “Bản thân tôi khi ra trại, chỉ có ở nhà trồng rau, không giao du bạn bè, vì lúc này thì chỉ có bạn nghiện chứ gia đình, hàng xóm còn không tin tưởng mình cai được thì làm gì có ai tốt mà chơi với mình. Nếu thấy bạn nghiện đến, tôi bảo vợ ra đuổi họ về. Dần dần tự những bạn nghiện cũng không đến nữa”.

Khi hỏi anh về động lực nào giúp anh cai nghiện? Anh kể rằng trước khi vào trại 06 ở Sóc Sơn năm 2004, anh đã có một con gái hai tuổi. Hàng ngày ở trong trại, anh thường ngóng ra ngoài qua cửa sổ, nhớ về gia đình, vợ con. Tình cờ anh thấy một người đàn ông luôn đi làm trên chiếc xe đạp cà tàng và cứ chiều đến lại thấy anh ta thong thả đạp về, trên xe thường có thêm túi đậu, hoặc thịt. Ngày nào cũng thế, cứ đều đặn đúng giờ ấy anh lại thấy anh ta đi về như thế. Không hiểu sao tự dưng trong anh thấy thèm được như người này vô cùng. Anh chỉ ước sau này cai được và chỉ cần được tự do, thong dong như thế. Khi anh vào trại, đứa con còn nhỏ chưa biết gì. Nhưng nếu biết, nó sẽ nghĩ gì về bố nó? Liệu nó có tôn trọng và coi anh là bố? Những câu hỏi ấy luôn ám ảnh anh. Dù đoán biết anh chàng đạp xe kia còn nghèo, và có thể chỉ là một anh thợ xây hay cửu vạn, nhưng được tự do, không bị lệ thuộc vào ma túy là sướng rồi. Suốt hai năm trong trại, hầu như ngày nào anh cũng đứng ngóng người đàn ông đạp xe ấy và mong ước rồi sẽ có một ngày mình sẽ được đạp xe thong dong đi giữa đời thường, được mua đậu, mua thịt cho bữa cơm đầm ấm của gia đình. Hôm nào không thấy bóng người đàn ông đạp xe đi qua là anh lại thắc mắc và nhớ. Sao thế nhỉ, anh ấy ốm, hay nhà có việc gì? Chính anh ấy (dù gián tiếp và không quen biết) - người đàn ông tự do ấy đã giúp anh có thêm động lực để cai nghiện. Anh tự nhủ sau khi ra trại sẽ tìm đến và cảm ơn anh ấy. Và quả thực anh ấy nghèo thật. Bây giờ, cứ dịp Tết là anh lại đến biếu quà và tiền anh ấy như một sự tạ ơn.

Một động lực nữa rất quan trọng giúp anh vượt qua. Đó là khi anh được ra trại, về nhà, đứa con gái mới lên 4 tuổi của anh nói: “Bố ơi! Mẹ Ng. (cô giáo mầm non của cháu – PV) bảo bố nghiện”. Câu nói ấy càng khiến anh phải suy nghĩ, ám ảnh. Anh tự thấy mình không thể gây lỗi để cho con trẻ phải chịu hậu quả. Nếu mình còn nghiện thì sau này con cái nó khổ, nó sẽ bị bạn bè cười chê. Con bé nó hồn nhiên, xinh xắn là thế, không thể để nó xấu hổ về bố nó được”. - Anh Thùy chia sẻ.

Từ 2006, suốt 3 năm sau khi ra trại, anh Thùy tự giam lỏng mình ở nhà trồng rau, nuôi gà, chấp nhận để vợ đi chợ kiếm tiền nuôi mình. Sẵn có nghề sửa chữa điện ô tô nhưng chỉ thỉnh thoảng anh mới ra phụ sửa và tuyệt nhiên không dám bén mảng đến vùng mà ngày xưa anh thường mua thuốc. Nếu có việc gì thì anh nhờ người đi hộ. Biết mình hay bị kích thích bởi rượu, cả năm trời anh không dám uống một giọt. Khi đã thấy mình đã đủ tự tin trước mọi cám dỗ của ma túy, anh quyết định mở xưởng sửa chữa, dù không có đồng nào. Anh mạnh dạn đến hỏi nhờ giúp đỡ của ông Khánh, là đồng nghiệp của bố mẹ anh và cũng là người hay giúp đỡ những người nghiện. Cho đến nay, xưởng của anh làm ăn rất khá. Anh thường nhận các sinh viên về thực tập, học nghề. 

Đã có vài người nghiện đến học hỏi cách cai của anh. Anh cũng đã chỉ bảo, hướng dẫn giúp đỡ rất tận tình nhưng tiếc là chưa có ai thành công. Anh nói thêm: “Nhiều người đến nhưng tôi thấy họ chưa thực sự quyết tâm. Có người bảo chán vì không có việc làm, nhưng như thế chỉ là ngụy biện. Rất nhiều người bình thường vẫn sống bằng nghề phu hồ, bới rác, cửu vạn, sao anh không làm được? Mình đã là nghiện rồi còn đòi hỏi được làm việc nhẹ nhàng ư?”.