Cái gốc đạo đức

(ANTĐ) - Đạo đức là giá trị bất biến của mọi thời, mọi quốc gia, mọi xã hội và mỗi con người. Từ thời phong kiến cho tới xã hội dân chủ, văn minh, mọi triều đại, mọi chế độ, tiêu chuẩn và giá trị đạo đức của con người hầu như không thay đổi, không mang màu sắc chính trị, tôn giáo. Đạo đức là “cái gốc’ của con người, mất gốc đạo đức thì tài năng, địa vị, danh vọng, tiền tài cũng trở nên vô nghĩa.

Cái gốc đạo đức

(ANTĐ) - Đạo đức là giá trị bất biến của mọi thời, mọi quốc gia, mọi xã hội và mỗi con người. Từ thời phong kiến cho tới xã hội dân chủ, văn minh, mọi triều đại, mọi chế độ, tiêu chuẩn và giá trị đạo đức của con người hầu như không thay đổi, không mang màu sắc chính trị, tôn giáo. Đạo đức là “cái gốc’ của con người, mất gốc đạo đức thì tài năng, địa vị, danh vọng, tiền tài cũng trở nên vô nghĩa.

Khi một đất nước, một xã hội phải lên tiếng, phải nói nhiều tới đạo đức, tức là đạo đức đang thiếu, đang xuống cấp và có nguy cơ mất dần. Vừa qua, lần đầu tiên có một cuộc hội thảo về đạo đức kinh doanh nhân một cuốn sách mới ra đời: “Đạo đức kinh doanh – Cẩm nang quản lý doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trong các nền kinh tế thị trường mới nổi”.

Rao giảng đạo đức, thuyết lý về đạo đức nghe rất hay, nghe cả đời từ khi cắp sách tới trường cho tới lúc trở thành bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, cán bộ, công chức hay người sản xuất, kinh doanh, người lao động bình thường. Khái niệm đạo đức nghe có vẻ trừu tượng và vô hình, song thực ra rất cụ thể, có thể thấy bằng mắt, sờ tận tay. Gần đây người ta thường nói đến chữ Tín trong làm ăn, buôn bán, kinh doanh.

 Đây chỉ là một “góc” rất nhỏ của đạo đức kinh doanh. Vụ nước chấm chứa chất  3-MCPD gây ung thư, nước mắm “đen” màu hóa chất, nhập hoa quả, thực phẩm độc hại về bán cho người tiêu dùng chỉ là lớp váng nổi trên bề mặt của thực trạng “mất gốc” đạo đức kinh doanh. Gian lận trong sản xuất kinh doanh là “thất đức” chứ đâu chỉ là làm trái đạo đức kinh doanh vì hám lợi. Sự suy thoái đạo đức đã và đang gặm nhấm, ăn mòn mọi tế bào của xã hội, trong rất nhiều ngóc ngách của cơ chế thị trường. Phong bì, lót tay trong bệnh viện.

Lừa đảo người đi xuất khẩu lao động, buôn bán trẻ em, phụ nữ ra nước ngoài. Hàng chục vụ tham ô, tham nhũng, “ăn đất”, “ăn điện kế” cho tới các vụ gian lận, mua bán từ trọng tài cho tới các cầu thủ bóng đá... nói lên điều gì? Thời khó khăn, đói ăn, thiếu đủ mọi thứ thì đổ tại “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Nay đời sống khấm khá hơn trước rất nhiều lần, vì sao đạo đức lại tụt xuống đến mức thảm hại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức, dân chúng? Cả nước đang học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Dù có học cả đời cũng không thể thấm hết lời dạy của Bác. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực ra không phải là một tấm gương treo quá cao, khó soi mình. Đó là tấm gương đạo đức trong sáng của một người Việt Nam tiêu biểu nhất, giản dị như chân lý “một đời thanh bạch chẳng vàng son”; cả một đời “cần, kiệm, liêm, chính”.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể soi sáng mọi góc tối trong mỗi con người. Ngành nào, nghề nào, người nào mà không cần có đạo đức? Chỉ cần soi vào tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rõ mình ngay. Liệu ai có thể soi gương, sửa mình, học theo tấm gương của Người?

Đan Thanh