Cái giá phải trả cho những đối tượng chống đối người thi hành công vụ

ANTD.VN - Thời gian gần đây, các vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong dư luận. Đây được coi là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Và những đối tượng chống đối này sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?

Xử lý nghiêm các hành vi chống đối người thực hiện nhiệm vụ

 Chống đối người thi hành công vụ ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể những người như: cảnh sát giao thông, công an, thanh tra… đa phần đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của đối tượng vi phạm. Trong một số trường hợp thì việc chống đối này còn được biểu hiện ở những kẻ có học thức nhưng do việc cố tình vi phạm quy định của pháp luật, đi ngược lại với lợi ích chung. Mức hình phạt cho những kẻ chống đối này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tính chất của sự việc.

Chống đối người thi hành công vụ: muôn hình vạn trạng

3 thanh niên tấn công CSGT trên đoạn đường Hồ Chí Minh (Ảnh: Tuổi trẻ)

Mới đây nhất là vụ cảnh sát giao thông Hà Nội bị đánh nhập viện khi kiểm tra nồng độ cồn. Khoảng 21 giờ tối ngày 20-8, trên đoạn đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 12, Công an Hà Nội thực hiện nhiệm vụ. Một xe ô tô con lưu thông theo hướng Miếu Môn, thị trấn Xuân Mai, tổ công tác đã yêu cầu xe dừng lại và kiểm tra nồng độ cồn. Trong quá trình làm việc, ba thanh niên trên xe lao xuống và tấn công cảnh sát giao thông. Một cán bộ thuộc đơn vị phải nhập viện để kiểm khám thương ngay lúc đó. Ba đối tượng bị bắt giữ để tiến hành điều tra, xử lý.

Chống đối cảnh sát giao thông còn được biểu hiện ở hình thức không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, tăng ga và tông vào lực lượng chức năng. Đó là trường hợp của đối tượng Trần Văn Phương (SN 1999, Phú Thọ) xảy ra ngày 29-5 trên tuyến Quốc lộ 32, đoạn qua thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Đối tượng bị bắt tạm giam 2 tháng, khởi tố với tội danh chống người thi hành công vụ.

Ở khía cạnh khác của chống người thi hành công vụ, cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án hình sự chống người thi hành công vụ đối với hai đối tượng Nguyễn Thi Hồng (SN 1963, Hà Nội) và Đỗ Văn Hà (SN 1954, Thái Bình) với những hành động chửi bới, đe dọa, ném cát vào lực lượng chức năng.

Tại Cà Mau, nhóm đối tượng Phạm Hoàng Kiếm (60 tuổi), Lê Thị Hiến (52 tuổi, vợ ông Kiếm), Lê Thành Lập (anh bà Hiến), Phạm Văn Nguyên (23 tuổi), cùng trú tại xã Thanh Phú, huyện Cái Nước, và Phạm Văn Bé (29 tuổi, Bạc Liêu) đã bị bắt giữ. Công an huyện Cái Nước đã khởi tối nhóm đối tượng liên quan đến vụ cưỡng chế đất với hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “cố ý gây thương tích”.

Mức án tù giam với đối tượng chống người thi hành công vụ

Theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2005: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên đến 7 năm.

Ba mẹ con bị cáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Dẫn chứng từ vụ việc của ba đối tượng Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1957), Nguyễn Bá Cường (SN 1981) và Nguyễn Thị Minh Thịnh (SN1983) cùng sống tại số 15 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các đối tượng đã có hành vi chửi bới, giằng co, đập phá, cản trở khiến việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thi công dự án của công an phường Phạm Đình Hổ gặp khó khăn. Kết cục, bị cáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Minh Thịnh có mức án là 8 tháng tù giam, Nguyễn Bá Cường 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Trước đó, vào ngày 26-3-2019, tại Bình Định vụ án liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ được đưa ra xét xử. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sa (trú tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) 9 tháng tù giam, Trần Thanh Chung và Nguyễn Quang Tới (hai bị cáo trú cùng địa phương) 6 tháng tù giam.

Theo cáo trạng, đối tượng Sa đã có hành vi sử dụng kiếm đè vào cổ kiểm lâm viên và đối tượng Trường dọa chém lực lượng kiểm lâm. Tối cùng ngày, khi đối tượng Sa điều khiển xe ô tô chở gỗ lậu qua vị trí kiểm lâm làm việc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm dùng gậy ra hiệu dừng xe, nhưng đối tượng tiếp tục bỏ chạy. Khi lực lượng chức năng đuổi kịp và ra lệnh dừng xe, Tới dùng vỏ chai ném vào mặt Hạt trưởng. Còn Sa lấy dùi cui điện dí vào người thi hành công vụ để đe dọa.

Cái giá phải trả cho những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ dựa trên những hành vi mà kẻ đó thực hiện. Mức phạt nhẹ là phạt hành chính hoặc nặng hơn là mức án tù giam.