Cái "bẫy" đa cấp

ANTĐ - Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, từ ngày du nhập vào Việt Nam tới nay, loại hình này hầu hết chỉ thể hiện những mặt trái. Thay vì mang lại lợi ích cho xã hội, bán hàng đa cấp ở Việt Nam gắn liền với những vụ lừa đảo, có khi lên tới vài nghìn tỷ đồng với cả chục nghìn nạn nhân.

Chẳng phải tới lúc Lê Xuân Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam cùng bộ sậu bị khởi tố, tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bán hàng đa cấp ở Việt Nam mới bị dư luận xã hội lên án. Trước đó, có  cả tá công ty bán hàng đa cấp đình đám đã đổ vỡ và vài chục tổng giám đốc đã phải lãnh án tù vì lừa đảo hàng chục nghìn người.

Những MB24, Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt, Xuyên Việt... đều là những công ty đa cấp lừa đảo quy mô lớn với con số nạn nhân khổng lồ đã bị báo chí phanh phui và bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc thời gian qua. Những đối tượng vi phạm đều đã bị pháp luật nghiêm trị. Chúng đã phải trả giá cho hành vi của mình. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế và xã hội mà chúng gây ra khó có thể phục hồi. 

Được pháp luật Việt Nam công nhận, bán hàng đa cấp vẫn tồn tại sau nhiều phi vụ lừa đảo tiền tỷ. Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật vẫn hoạt động ổn định và có doanh số đáng kể. Điều đáng nói là, người dân bình thường, nhất những đối tượng dễ tổn thường như sinh viên, người hưu trí, nội trợ... dường như không đủ khả năng phân biệt giữa đa cấp lành mạnh và đa cấp lừa đảo.

Năm ngoái họ bị lừa bởi công ty bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng, hôm nay họ bị lừa bởi kẻ bán máy chăm sóc sức khỏe và ngày mai họ có thể bị lừa lần nữa bởi kẻ bán các gian hàng trên mạng Internet... Mặt hàng có thể khác nhau nhưng thủ đoạn chỉ có một và đã được “phát minh” ra từ gần trăm năm trước bởi Charles Ponzi - đó là bán hàng theo mô hình kim tự tháp, dùng tiền của người đầu tư sau trả tiền cho người đầu tư trước.

Mỗi khi xảy ra vụ việc tai tiếng liên quan tới đa cấp, người ta hay đổ lỗi cho các cơ quan truyền thông không tuyên truyền đầy đủ, tại cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý, chưa giám sát được hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp hay do lòng tham mù quáng của một bộ phận người tiêu dùng. Đi tìm nguyên nhân và truy trách nhiệm có lẽ không phải điều cần thiết lúc này.

Giả sử không tồn tại hình thức bán hàng đa cấp thì những kẻ lừa đảo vẫn tìm ra cách nào đó để đưa “con mồi” vào bẫy. Thế nên, trước khi đổ lỗi cho ai đó, mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình. “Không có bữa tiệc nào là miễn phí” hay “không ai cho không cái gì bao giờ” - bất kỳ nhà đầu tư nào cũng nên nhẩm lại nguyên tắc này sau khi nghe những kẻ lừa đảo “phun châu nhả ngọc”, kể lể cả nửa ngày về lợi nhuận kếch xù bỗng dưng từ trên trời rơi xuống.