Cách mạng tháng Tám trong mắt các học giả quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến nay đã có hàng trăm công trình có giá trị của các học giả trên thế giới nghiên cứu cuộc Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam. Dù có nhiều phương pháp tiếp cận và quan điểm đánh giá khác nhau, song ý nghĩa dân tộc và thời đại của cuộc cách mạng cùng vai trò đặc biệt quan trọng của người lãnh đạo đã được thống nhất khẳng định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS tại Tân Trào tháng 8-1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS tại Tân Trào tháng 8-1945

Cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất

Hai cuốn sách nổi tiếng và sớm nhất về Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là cuốn “Histoire du Việt Nam de 1940 - 1952” (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940 - 1952) của Ph. Devillers và cuốn “Vietnam: Sociologie d'une guerre” (Việt Nam - Xã hội học của một cuộc chiến tranh) của Paul Mus, cùng được Nhà xuất bản Editiondu Seuil ấn hành năm 1952 tại Paris.

Sau chiến tranh lạnh, đặc biệt là từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới (1986), trong số các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại thì tác phẩm “The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam năm 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và de Gaulle trong chiến tranh thế giới) của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson là một trong số những công trình được đánh giá rất cao ở phương Tây.

Trong cuốn sách của S. Tonnesson, lần đầu tiên cuộc Cách mạng tháng Tám được trình bày sáng rõ là kết quả của sự tác động qua lại, nhuần nhuyễn, biện chứng giữa nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Nhà sử học Na Uy khẳng định: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”.

S. Tonnesson cũng cho rằng: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.

Công trình đồ sộ về Cách mạng tháng Tám năm 1945 “Vietnam 1945: the Quest for Power” (Việt Nam năm 1945: cuộc săn tìm quyền lực) của nhà nghiên cứu người Mỹ David Marr đã cố gắng tái hiện lịch sử một cách chân thực nhất theo góc nhìn “bottom-up” (nhìn từ dưới lên) - khác với những cuốn sách khác thường đưa ta hướng nhìn “top-down” (từ trên xuống) - để tái hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào mùa thu năm 1945 một cách sinh động, cụ thể và khá chân thực. Lần đầu tiên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 được D. Marr trình bày một cách sáng rõ, thực sự là sự nghiệp của quần chúng.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản Imai Akio trong tham luận khoa học của mình “Tư tưởng mệnh trời” tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (7-1998) đã nêu nhận xét: “Một điều rõ ràng là cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là cuộc cách mạng trí thức đã khai sinh một ý nghĩa mới của “mệnh trời”. Imai Akio diễn đạt bằng khái niệm “mệnh trời” về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam được thực hiện như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình

Vai trò của “người dẫn đường” thiên tài

Tác giả William Duiker (Mỹ) trong cuốn “Ho Chi Minh - a life” (Hồ Chí Minh - Tiểu sử) khảo cứu nhiều tư liệu để viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phương pháp tiểu sử. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam (tính đến ngày 30-4-1975) được tác giả đánh giá: “Là kết quả của một “tầm nhìn, ý chí và sự lãnh đạo của một con người: Hồ Chí Minh”. Tầm nhìn xa rộng của Hồ Chí Minh được thể hiện khi xúc tiến mạnh mẽ việc đặt quan hệ giữa Việt Minh với lực lượng Đồng minh chống phát xít ở châu Á, đặc biệt là với lực lượng Mỹ ở Trung Quốc.

Những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3-1945, sau sự kiện Trung úy phi công William Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2-11-1944 và đưa trở lại Côn Minh trao trả cho Mỹ. Ở Côn Minh, Hồ Chí Minh đã có những cuộc tiếp xúc với những người chỉ huy lực lượng Mỹ ở đây và đã nhận được sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến chống Nhật của Việt Minh.

Mặc dù được các nguồn tin từ cả phía Pháp và Trung Quốc xác nhận rằng Hồ Chí Minh là người chống Pháp và là cộng sản, nhưng người Mỹ vẫn nhận thấy rằng Hồ Chí Minh không phải là người chống Pháp một cách cực đoan. Mặc dù việc hợp tác với Việt Minh khiến Pháp không “vừa ý” nhưng Đại úy Achimedes Patti với vai trò phụ trách tình báo của Tổ đặc trách Đông Dương và sau này là chỉ huy của OSS tại Đông Dương đã đánh giá: “Việt Minh là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam”.

Trong tháng 5-1945, A. Patti đã trình lên người chỉ huy OSS (tiền thân của CIA) ở Côn Minh một bản báo cáo về những thành tích của Việt Minh “đã đặt sáu tỉnh ở phía Bắc của Bắc kỳ dưới sự quản lý quân sự và hành chính, đã thành lập giải phóng quân cùng các đơn vị du kích và tự vệ”. Đến đầu tháng 5-1945, hai sĩ quan OSS đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào (Tuyên Quang) và người Mỹ ngày càng đánh giá cao vai trò của Hồ Chí Minh cũng như vai trò của Việt Minh. Một trong hai sĩ quan này khi trở về tổng hành dinh của họ đã tuyên bố: “Người Pháp tại Đông Dương coi như đã kết thúc. Khi chiến tranh chấm dứt, Việt Minh chắc chắn sẽ nắm được chính quyền. Và lúc đó Hồ Chí Minh có thể làm được nhiều việc để giúp chúng ta”.

Histoire du Việt Nam de 1940 - 1952 (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940 - 1952) của Philippe Devillers

Histoire du Việt Nam de 1940 - 1952 (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940 - 1952) của Philippe Devillers

Sự nhạy bén nắm bắt và kiên quyết tận dụng thời cơ của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám cũng được các học giả quốc tế đánh giá cao trong nhiều công trình nghiên cứu.

Trong cuộc Hội thảo quốc tế kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 12 và 13-5-2010), trong tham luận của mình, nhà nghiên cứu, nhà báo Lady Borton (Mỹ) đánh giá: “Hồ Chí Minh là nhà cách mạng Việt Nam nhận được thông tin sớm nhất về việc quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Ông nhận tin này qua radio và đã hành động rất kịp thời”. Nhiều đảng phái và tổ chức chính trị khác cũng nhận thức được cơ hội đang đến và gấp rút chạy đua trong nỗ lực xúc tiến những hoạt động giành địa vị chính trị cho mình trong giai đoạn “hậu chiến tranh”. Nhưng cuối cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã thắng.

Một học giả nước ngoài khác đã bình luận về vai trò Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng này như sau: “… Những đánh giá như vậy (với xu hướng hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 - N.V.A) không thể che giấu sự thật rằng, cuộc Cách mạng tháng Tám là một thành tựu phi thường… trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi”.