Cách chống chọi với “virus cô đơn” hậu đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc sống, ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn. Cảm giác luôn một mình cho dù có các tiếp xúc xã hội có thể khiến chúng ta bị cô lập và mong muốn được kết nối, giao tiếp. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cảm giác cô đơn không chỉ gây hậu quả về mặt xã hội mà còn có hại cho sức khỏe thể chất. Các chuyên gia lo ngại đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm “bệnh dịch cô đơn” vốn đã ngày càng gia tăng. Khi cuộc sống dần trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19 là lúc chúng ta cần những liệu pháp để chữa trị “virus cô đơn”.
Cảm giác cô đơn có thể dẫn tới nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

Cảm giác cô đơn có thể dẫn tới nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

Đại dịch làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn

Cảm giác cô đơn liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng, gây căng thẳng và các vấn đề về giấc ngủ. Cảm giác cô đơn còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ, những người lớn tuổi có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của sự cô đơn và kêu gọi cộng đồng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và quan chức chính phủ coi cô đơn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách. Nhà dịch tễ học Melody Ding tại Đại học Sydney cho biết: “Để giải quyết vấn đề cô đơn, không chỉ cần những cách tiếp cận riêng lẻ bởi đây là vấn đề về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về cách sống, di chuyển, làm việc và hòa nhập với xã hội”. Phát hiện của chuyên gia Melody Ding không phải là điều bất thường. Mức độ cô đơn đã ở mức đáng lo ngại trên toàn cầu trong nhiều năm, khiến một số chuyên gia gọi nó là “virus cô đơn”.

Với đại dịch Covid-19, các chuyên gia sức khỏe tâm thần lo ngại vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Harvard cho thấy cứ 3 người Mỹ thì hơn 1 người phải đối mặt với “sự cô đơn nghiêm trọng” trong đại dịch, trong đó người lớn tuổi và phụ nữ có con nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất. “Về bản chất, con người là sinh vật xã hội khao khát tương tác với những người khác. Do đó, khi bị cách ly, hạn chế giao tiếp có thể dẫn đến rối loạn về sức khỏe tâm thần” - nhà tâm lý học Paraskevi Noulas nói.

Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải phân biệt giữa cô đơn và cô lập xã hội. Cô đơn là cảm giác một mình dù các tiếp xúc xã hội nhiều như thế nào, trong khi cô lập xã hội là thiếu kết nối xã hội với những người khác. Cảm giác cô đơn có thể tác động đến bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Những người tiếp xúc với người khác hàng ngày, dù ở nhà hay nơi làm việc, vẫn có thể cảm thấy cô đơn, một phần do ảnh hưởng của đại dịch.

Tái sinh từ đại dịch và đẩy lùi sự cô đơn

Khi các biện pháp hạn chế vì Covid-19 từng bước được dỡ bỏ và đẩy lùi, nhiều người có cảm giác “xa lạ” khi quay trở lại cuộc sống bình thường. Các chuyên gia cho biết để giải quyết cảm giác cô đơn, cần có cách tiếp cận đa cấp độ. “Giải quyết nỗi cô đơn về cơ bản đòi hỏi chúng ta phải cải thiện nhiều khía cạnh của xã hội. “Ở cấp độ hệ thống, chúng ta cần chú ý đến các vấn đề về cơ cấu phúc lợi như thu nhập, nhà ở, chính sách giao thông, bất bình đẳng...” - Melody Ding nói. Cô cũng kêu gọi các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm bớt sự kỳ thị xung quanh sự cô đơn. Ở cấp độ cá nhân, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, có nhiều cách có thể làm để ngăn chặn sự cô đơn trong cuộc sống của chính mình như:

Chăm sóc bản thân: Nếu bạn không yêu bản thân mình, thì rất khó để người khác yêu bạn. Đổ lỗi cho bản thân sẽ không giúp bạn thoát khỏi cảm giác cô đơn, nhưng khuyến khích bản thân có thể hữu ích cho việc này. Hãy ngừng việc tự vấn và hãy quan tâm, chăm sóc bản thân. Nhớ rằng ai cũng có lúc thất bại và không cần phải cảm thấy tồi tệ về điều đó khi nó xảy ra. Hãy yêu bản thân mình hơn bằng cách nói và suy nghĩ hướng đến những điều tích cực, cố gắng để có giấc ngủ ngon, dành nhiều thời gian hơn với thiên nhiên, cải thiện chế độ ăn… Tất cả điều này có thể giúp tăng cường các loại vitamin, khoáng chất và hormone mà cơ thể rất cần để cảm thấy bớt cô đơn.

Giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình: Làm việc tốt giúp đỡ người khác cũng giúp tăng serotonin, loại hormone giúp ta cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Tương tự như tập thể dục, việc giúp đỡ người khác cũng giải phóng endorphin, loại giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Vì vậy, hãy làm từ thiện, giúp đỡ người nào đó trong khả năng hoặc quyên góp cho một mục đích xứng đáng. Bạn không chỉ giúp đỡ người khác mà cũng đang giúp đỡ chính mình.

Tăng cường tương tác tích cực trực tiếp: Tương tác trực tiếp với mọi người có thể cải thiện cảm xúc của bạn và giảm cảm giác lo lắng và thất vọng. Các hoạt động có sự tham gia của người khác, như tập thể thao hay tụ tập mọi người có thể giúp tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần. Thay vì thụ động xem mạng truyền thông xã hội, hãy làm điều gì đó có sự tham gia tích cực lành mạnh với người khác, không phải tương tác bằng cách chỉ trích hay trêu chọc người khác. Hãy chơi các trò chơi có tính chất tương tác trên mạng hoặc tham gia một diễn đàn hay bình luận về nội dung mà bạn quan tâm. Bạn càng tương tác với mọi người trong lúc lướt web, bạn sẽ càng cảm thấy kết nối hơn. “Bản chất của con người là điều chỉnh và vượt qua những khó khăn lớn để tồn tại và phát triển, và quá trình khắc phục cảm giác cô đơn hậu đại dịch này cũng không nằm ngoài phạm vi đó” - chuyên gia Noulas kết luận.