Các tỉnh miền Nam Trung bộ chủ động ứng phó với mưa lũ

ANTĐ - Do ảnh hưởng của bão số 7 và vùng áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Nam Trung bộ đã có mưa to trên diện rộng. Mưa lớn và nước từ đầu nguồn đổ về khiến mực nước trên các sông tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định lên cao, vượt mức báo động 1.
Bình Định chủ động ứng phó với mưa lũ
Do ảnh hưởng của bão số 7 và vùng áp thấp nhiệt đới đã gây ra nhiều đợt mưa to trên diện rộng tại khu vực tỉnh Bình Định. Trưa 7-10, do mưa lớn và nước từ đầu nguồn đổ về nên lũ ở tại các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định đang lên, đều vượt báo động 1. Theo đó, Sông Kôn (Thạnh Hòa, An Nhơn) đo được mực nước 6,18m trên báo động 1 là 0,18m. Dự báo từ chiều tối nay 7-10, lũ tại các sông sẽ tiếp tục dâng cao trên báo động 1 khoảng 0,5 m.

Những cơn mưa như trút nước sáng 7-10 tại TP Quy Nhơn

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “Hiện toàn tỉnh còn 6.000 ha lúa vụ 3 chưa thu hoạch và diện tích đổ ngã không đáng kể. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch đối với những diện tích lúa đã chín. Còn đối với đại đa số diện tích lúa vụ 3 còn lại mới chắc hạt và vàng, chờ khi nào chín mới thu hoạch. Riêng đối với những công trình hồ, đập chứa nước hiện đảm bảo an toàn đang đón lũ để tích nước. Trước bão số 7, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Ban quản lý các đập, hồ chứa nước đã xả nước đến mực nước chết…” 
Trước đó, để ứng phó với bão và mưa lũ, ngày 6-10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định đã cấp 120 cơ số thuốc phòng chống bão lụt cho các huyện huyện, thị xã, thành phố. Trong đó 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: TP Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tuy Phước mỗi địa phương 100.000 viên Chloramin B, 5 huyện miền núi và trung du mỗi huyện 50.000 viên Chloramin B. Bên cạnh đó, Bộ Y tế hỗ trợ cho ngành Y tế tỉnh 20 cơ số thuốc, 100 áo phao, 1 triệu viên Chloramin B. Các bệnh viện tuyến huyện đã tổ chức di dời bệnh nhân điều trị tại các khoa phòng chưa đảm bảo đến các vị trí an toàn trong bệnh viện; kho thuốc và các trang thiệt bị máy móc tại bệnh viện đều đã được kê gác lên cao và bảo vệ an toàn để đảm bảo công tác chăm sóc phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Tính đến trưa 7-10, tỉnh Bình Định có 2 tàu cá bị nạn và 1 người bị thương do bão số 7 gây ra. 
Theo đó, ngày 4-10, tàu đánh cá BĐ-69933 của ông Cao Văn Ánh (Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định) do ông Đào Minh Vương (thôn Trường An, Hoài Thanh, Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, trong lúc tàu cá này đang hành nghề câu mực tại vùng biển cách Bến Đá, TP. Vũng Tàu khoảng 4 hải lý, thì bị xà lan tông chìm, toàn bộ thuyền viên may mắn được tàu của ngư dân cứu sống, đưa vào bờ an toàn. 
Trong khi đó, trưa 6-10, 1 tàu cá công suất 20 CV của ngư dân ở Hải Minh, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn trong lúc đang di chuyển trên đầm Thị Nại để tránh trú bão thì bị vỡ hộp số. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy PCLB &TKCN TP Quy Nhơn đã điện báo và nhờ tàu cứu hộ của Hải đoàn 48 ra tiếp cận và lai dắt tàu cá bị nạn về nơi trú ẩn an toàn. Cùng ngày, anh Trần Văn Hải – 30 tuổi, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn khi đang chằng chống nhà cửa bị té ngã, chấn thương. Hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn.

Công nhân Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn
 tập trung thu gom rác thải, cành cây xanh sau bão số 7

Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 7 từ chiều và tối 6-10, công ty đã cho 450 người làm nhiệm vụ thu gom rác thải được nghỉ nhằm để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân. Thay vì thu gom rác thải ban đêm, ngày 7-10, khi bão số 7 đi qua, Công ty huy động tất cả lực lượng công nhân đi thu gom rác thải ban ngày để thu gom rác thải trong dân, kết hợp thu các cành cây xanh do các hộ dân chặt mé rất nhiều cây xanh phòng đổ ngã trước bão số 7 trên tất cả các tuyến đường, với lượng rác thải khoảng 600 m3, tăng 50% so với lượng rác thải ngày thường. Công ty còn huy động 20 đầu xe chuyên dụng để kịp thời tập kết, vận chuyển rác thải về Bãi xử lý rác thải Long Mỹ đúng quy định, trả lại mỹ quan đô thị sạch đẹp. 
Ngoài ra, ngày 8-10, Công ty sẽ tiến hành lắp đặt lại hệ thống phao tiêu tại các bãi tắm biển Quy Nhơn tại dọc đường Xuân Diệu, An Dương Vương như trước đây, nhằm phục vụ an toàn cho nhân dân và du khách tắm biển. Trước đó, đề phòng sóng biển làm hư hỏng do bão số 7, Công ty đã vớt toàn bộ hệ thống phao tiêu lên bờ, đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước.
Hiện Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định và các địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến về tình hình mưa lũ để chỉ đạo các biện pháp đối phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Quảng Ngãi: Tiếp tục đối phó với lũ 

Tại Quảng Ngãi, mực nước trên các sông tiếp tục dâng cao

Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 5 đến 7-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa và gió lớn. Lượng mưa lớn tập trung ở các huyện miền núi, thượng nguồn đã làm nước các con sông dâng cao. Chiều 7-10, lũ trên các sông Sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu ở mức báo động 2. Nước sông dâng cao, nguy cơ sạt lở ở các huyện miền núi. Mưa lớn trong nhiều ngày qua cũng đã làm cho nhiều tuyến giao thông ở các huyện miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở nặng, nhiều khu vực bị chia cắt. 
Theo UBND huyện Tây Trà cho biết, để đảm bảo nguồn lương thực cho người dân phòng khi mưa lũ chia cắt, huyện đã chủ động dự trữ lương thực từ nhiều ngày trước. Do mưa lớn kéo dài đã làm một số vùng bị sạt lở, chia cách, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đã huy động công nhân cùng máy móc thiết bị tổ chức khắc phục, nhằm sớm thông tuyến. 
Tại các huyện đồng bằng, nỗi lo tình trạng ngập úng và triều cường gây sạt lở ở ven biển, cũng như sạt lở ven sông, suối khi lũ về. Tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh phải được cho xả nước về lại mức nước chết để trong trường hợp mưa lớn gây lũ có thể cắt nước, giảm lũ cho vùng hạ lưu kịp thời.

Lực lượng CSGT kiểm tra các tàu thuyền trú bão 

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ra thông báo cho phép các loại tàu, thuyền tỉnh Quảng Ngãi xuất bến hành nghề trong vùng biển tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 7-10. Tuy nhiên, đối với các loại tàu thuyền đăng ký hành nghề trên các vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực bắc, giữa và nam biển Đông và các vùng biển khác chỉ được phép xuất bến khi không còn biển động.

Phú Yên: Hàng nghìn người phải di dời tránh bão 

Từ sáng 6-10 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa vừa đến mưa to. Dự báo toàn tỉnh có 3.657 hộ với 8.064 nhân khẩu nằm trong khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt và triều cường uy hiếp có khả năng phải di dời. 
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, đến chiều 6-10 đã có 2.281 hộ với 7.031 khẩu đã được di dời đến nơi an toàn. Có là 99 tàu với 934 lao động ở tọa độ từ 70-90N đến 1170E đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa vẫn liên lạc được gia đình; trên 2.000 tàu thuyền đánh bắt gần bờ neo đậu an toàn.
Theo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, đến 16h ngày 6-10 lưu lượng xả lũ qua tràn 2.400m3/s. Tùy theo lượng nước về hồ, sẽ điều tiết xả lũ hợp lý.

Chiều 6-10, nhiều tuyến đường ở thành phố Tuy Hòa đã bị ngập mước

• Huyện Tuy An: Di dời 221 hộ dân đến khu vực an toàn

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB – TKCN huyện, toàn huyện có 147 hộ với 591 nhân khẩu đang ở trong vùng triều cường và 830 hộ với 2689 nhân khẩu ở vùng trũng thấp, vùng ven sông cần được di dời để tránh bị thiệt hại do cơn bão số 7. Đến 15h ngày 6-10, công tác di dời nhân dân trong vùng nguy hiểm nhằm ứng phó với cơn bão số 7 đã được huyện Tuy An thực hiện hoàn tất. Trong đó, đã di dời 303 hộ với 1025 nhân khẩu ở các địa phương vùng ven biển thường bị sạt lở và triều cường uy hiếp, 991 hộ với 3.519 nhân khảu ở các vùng ven sông, nơi trũng thấp và 08 hộ với 31 nhân khẩu ở vùng sạt lở đất. Các cơ quan chức năng và địa phương đã kêu gọi và vận động di chuyển 1.711 tàu thuyền vào nơi trú đậu an toàn. Trong đó có 1.659 tàu thuyền neo đậu tại địa phương, 52 tàu thuyền còn lại với 271 lao động chủ yếu hành nghề giã cào neo đậu tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Các phương án phòng chống cơn bão số 7 đang được huyện Tuy An triển khai thực hiện quyết liệt theo phương châm “4 tại chỗ” và đều khắp. Cùng với lực lượng xung kích tại địa phương, huyện Tuy An đã được Tiểu đoàn 85 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên) tăng cường 40 cán bộ, chiến sỹ bố trí ở những địa điểm xung yếu, sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.
Sáng 6-10, sau khi đi kiểm tra trực tiếp tại các điểm xung yếu trên địa bàn huyện: thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn), xã An Hòa, thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông), xã An Dân, An Hiệp, công trình kè An Vũ (xã An Ninh Đông), kè sông Vét (xã An Dân), đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện bám sát diễn biến tình hình cơn bão thường xuyên thông báo kịp thời cho nhân dân biết; đồng thời tiếp tục tổ chức di dời người và tài sản ở các khu vực triều cường uy hiếp, nơi thường xảy sạt lở trụt đất vào khu vực an toàn. Thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân do cơn bão số 7 gây ra. 

• Huyện Đông Hòa: Di dời 400 nhân khẩu vùng xung yếu Phước Giang 

Theo Ban chỉ huy  PCLB – TKCN huyện, trên địa bàn huyện có những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt và dễ bị cô lập như thôn Phước Giang (xã Hòa Tâm), các xóm Gò Tròn, Gò Tre (xã Hòa Hiệp Trung), các thôn Thạch Tuân, Hiệp Đồng (xã Hòa Xuân Đông), thôn 5 (xã Hòa Vinh), Tổ 8 (xã Hòa Tân Đông), các thôn Phú Lễ, Phước Lộc 2 (xã Hòa Thành) và khu vực Bãi Ngà (xã Hòa Xuân Nam) có 6 nhà dân, tại địa bàn xã Hòa Hiệp Trung có 99 hộ/369 khẩu có nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng triều cường và ngập lụt. Các khu vực này Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn trước 14h ngày 6-10. Tại xã Hòa Tâm, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết: “UBND xã đã triển khai lực lượng xung kích và huy động xe ô tô để di dời khoảng 400 nhân khẩu ở thôn Phước Giang về UBND xã và trường tiểu học. Trên địa bàn xã hiện nay còn khoảng 24ha nuôi thủy sản, sáng 6-10 bà con đang thu hoạch gần 10ha tôm lớn, còn lại khoảng 14ha tôm nhỏ bà con dùng lưới và đắp bờ kiên cố đề phòng ngập lũ”. 

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác phòng chống bão tại các điểm xung yếu

Sáng 6-10, sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện thực hiện nghiêm các công điện của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời bố trí lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích, dân quân thực hiện việc sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng ven các sông, vùng ảnh hưởng triều cường các vùng xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Trong thời gian có gió bão và lũ lụt nghiêm cấm các phương tiện đò ngang, đò dọc hoạt động. Không để xảy ra tình trạng người vớt củi, gỗ trên các sông, suối. Bố trí người gác trực tại các ngầm, tràn, nơi có nước chảy xiết, các vị trí xung yếu để hướng dẫn việc đi lại. 

* Huyện Đồng Xuân: Di dời gần 3.000 người ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCLB – TKCN huyện cho biết, đến 14h ngày 6-10 các địa phương vùng xung yếu như Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Quang 2, Xuân Long và thị trấn La Hai đã tiến hành di dời hơn 1.330 hộ dân với gần 3.000 người ở các vùng ngập lụt vào nơi an toàn. Tại xã Xuân Long đã di dời 50 hộ dân ở thôn Long Hòa nằm tách biệt bên kia sông Con đến vùng cao. Còn tại xã Xuân Quang 3, gần 100 hộ dân ở xóm Soi thuộc thôn Thạnh Đức; xóm Chợ Lùng, Núi Ngang thuộc thôn Phước Lộc và xóm Soi, thôn Phước Nhuận đã được di dời đến các khu dân cư vùng cao, xóm Gò an toàn. Đối với khu vực thị trấn La Hai, nơi có nhiều khu dân cư bị ngập lụt, đã hoàn tất di dời trên 1.000 người ở khu phố Long Hà, Long An, Long Châu, Long Bình đến trường học, trung tâm dạy nghề. 

* TP Tuy Hòa: Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Ông Phan Khánh, Phó ban chỉ huy PCLB – TKCN thành phố cho biết: Đến 14h ngày 6-10 thành phố đã tổ chức di dời 302 hộ dân với hơn 590 người, chủ yếu ở khu vực xóm Rớ (phường Phú Đông), phường 6 và xã An Phú, đối tượng di dời là người già, trẻ em và phụ nữ có thai đến nơi an toàn. Đến thời điểm này, BCH PCLB và TKCN đã cấp 19 cơ số thuốc cho 16 phường, xã trên địa bàn; chuẩn bị 5 ca nô và huy động được nhiều thuyền máy công suất 20CV trong dân ở các phường 6, Phú Đông để sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão. Đồng thời phối hợp với các lực lượng công an, thành đội, UBND các phường, xã, đội cứu hộ trên biển… chuẩn bị sẵn sàng lực lượng trực ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi có bão, lũ xảy ra. Hiện nay hơn 600 phương tiện đánh bắt thủy sản khác đã được di dời về các khu neo đậu ở xã An Ninh Đông, Tây (Tuy An), bến cá Đông Tác và dọc sông Chùa (TP Tuy Hòa). Theo ban chỉ huy PCLB – TKCN thành phố, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 329 nhà ở của dân có khả năng bị đổ ngã khi xảy ra lụt bão; tổng số hộ có khả năng thiếu đói nếu mưa bão kéo dài khoảng 1.700 hộ với gần 4.800 người. 

• Tây Hòa: Di dời 67 hộ với 218 nhân khẩu vùng trũng thấp tới nơi an toàn

  Ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tây Hòa cho biết, từ 10g ngày 6/10 trên địa bàn huyện bắt đầu mưa lớn kèm gió mạnh khiến bờ sông Ba đoạn qua xã Hòa Phú bị sạt lở hơn 50m. Tại một số địa bàn xung yếu Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện di dời được 67 hộ với 218 nhân khẩu từ vùng trũng thấp tới nơi an toàn. Trong đó xã Hòa Phú di dời 8 hộ với 33 nhân khẩu; Hòa Mỹ Tây 9 hộ, 35 nhân khẩu; Hòa Mỹ Đông  50 hộ với 150 nhân khẩu.
Các đồn biên phòng đã cử lực lượng phối hợp với địa phương di dời được 175 hộ với 637 khẩu ở khu vực nguy cơ xảy ra triều cường và 62 lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nới an toàn. 

* Một số tuyến đường tỉnh bị tắc giao thông

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Lúc 15 ngày 6-10, một số tuyến đường tỉnh đã bị tắc giao thông. Tuyến tránh cầu Cây Sung thuộc ĐT 642, nước ngập trên 1m; các tràn Bình Nông, Kỳ Đu, Sông Mun trên ĐT 644, tràn Crum trên ĐT 646, cầu Suối Tràu trên ĐT 647, nước ngập sâu và đang tiếp tục lên làm các loại xe không thể qua lại được. Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần đường, phát hiện sớm các vị trí hư hỏng, tắc giao thông, kịp thời có phương án khắc phục. Sở GTVT đã yêu cầu một số đơn vị trong ngành chuẩn bị dầm cầu, xe máy, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở, tắc đường; đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu tại các điểm xung yếu trên các tuyến đường bộ đường sắt. Trong đó, chú ý tình trạng sạt lở taluy dương trên quốc lộ 29 đoạn từ km1 đến km11+200 (đường Phước Tân – Bãi Ngà cũ), ngập lụt tại km39+500 đến km40+300 quốc lộ 25; đoạn qua các sườn dốc mái taluy cao thuộc đèo Cù Mông, dốc Vườn Xoài, đèo Cả trên tuyến quốc lộ 1. 
Ông Trí cũng cho biết: Đối với hệ thống tỉnh lộ, Sở GTVT chỉ đạo các lực lượng tuần đường thường xuyên ứng trực tại các đoạn ngập nước trên ĐT641, ĐT644 và các tràn tạm; các đoạn taluy đắp cao tuyến ĐT642 (đèo Cây Cưa), ĐT647 (dốc Km27-Km29), ĐT643 (đèo Trà Kê)…  Sở GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu đang thi công các công trình của ngành di dời toàn bộ vật tư, thiết bị, nhân công đến nơi an toàn để không bị lụt ảnh hưởng; đồng thời bố trí các điểm dừng kỹ thuật hợp lý để đảm bảo an toàn công trình giao thông. Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh lập kế hoạch phân luồng giao thông khi có sự cố cầu đường xảy ra.