Các mục tiêu ngoài trái đất của Trung Quốc khiến Mỹ bất an

ANTĐ - Trung Quốc có kế hoạch tiến hành 20 sứ mệnh vũ trụ trong năm 2016, bao gồm thử nghiệm tên lửa đẩy tinh vi nhất và phóng tàu vũ trụ có người lái. Nhưng các nhà phân tích an ninh ở Mỹ lại bày tỏ quan ngại rằng chúng có liên quan đến quân sự.

Trung Quốc hiện đang thử nghiệm những tên lửa đất đối không có thể tấn công các mục tiêu trên quỹ đạo và họ cũng đang thí nghiệm các hệ thống laser có thể vô hiệu hóa các vệ tinh trên vũ trụ.

Wasington đang tranh cãi với Bắc Kinh về những cáo buộc liên quan đến an ninh mạng và việc quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng, hiện nay các quan chức an ninh Mỹ bày tỏ sự quan ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ quân sự hóa cả vũ trụ, nơi có nhiều vệ tinh của Mỹ đang hoạt động.

Tàu vũ trụ Thần Châu 7 của Trung Quốc chuẩn bị được phóng vào năm 2008

Mỹ dựa vào những vệ tinh này để phục vụ cho nhiều mục đích dân sự và quân sự, trong đó có thu thập thông tin tình báo và dẫn đường cho vũ khí. Một số nhà phân tích cho rằng, các vệ tinh này có thể sớm lọt vào tầm tấn công của vũ khí Trung Quốc.

Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 2 và sau đó có kế hoạch sẽ đưa các nhà du hành vũ trụ lên phòng thí nghiệm vốn sẽ phục vụ như một bước đệm, hướng tới thiết lập một trạm vũ trụ lớn hơn.

Trung Quốc dự định đưa trạm vũ trụ này vào hoạt động đầy đủ vào năm 2020, nhưng các nhà phân tích an ninh lại sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng trạm này cho các mục đích quân sự.

Trung Quốc vẫn tụt hậu rất nhiều so với cả Nga và Mỹ về công nghệ vũ trụ. Nhưng trong 12 năm qua, nước này đã nỗ lực giảm nhanh chóng khoảng cách đó so với cả hai nước, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định dừng lại.

Ngoài ra, phạm vi của những ứng dụng quân sự đằng sau chương trình vũ trụ ngày càng phát triển của nước này vẫn còn là một điều bí ẩn.