Cà tím dễ trồng và dễ có món ngon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cà tím có thể phù hợp với rất nhiều phong cách ẩm thực từ Á sang Âu, thích hợp với các món xào, nấu, nướng, chiên… thậm chí dùng làm bánh hay ăn sống cũng hợp.

Khắp nơi ưa chuộng

Cà tím là một loại thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình. Do mang nhiều giá trị dinh dưỡng nên nó được trồng rộng rãi, không phân biệt vùng miền và đặc tính khí hậu. Cà tím có loại tròn cỡ nắm tay người lớn, loại dài khoảng gang tay và cũng có loại hình bầu dục. Loại quả dài thì có lớp vỏ bóng mượt, xốp nhẹ chứ không chắc như loại quả tròn, nhưng về độ ngon và hương vị thì chúng không khác gì nhau, mỗi loại hợp với những món ăn riêng.

Cà tím chứa nhiều vitamin C, B6, kali… rất tốt cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ quá trình giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu, chứa các chất chống oxy hóa… Chính vì ngon và có nhiều giá trị dinh dưỡng nên không chỉ ở Việt Nam chúng ta mới ăn nhiều cà tím mà nó là loại thực phẩm phổ biến toàn cầu. Ở Ấn Độ người ta ví nó là “vua của các loại rau”. Ở Thái Lan người ta sử dụng nó như một loại thực phẩm phổ biến hàng ngày. Người Trung Quốc thậm chí còn trồng và tiêu thụ cà tím nhiều hàng đầu thế giới. Còn các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Phi cũng không lạ lẫm với các loại cà tím trong bữa ăn hàng ngày. Cà tím phù hợp với rất nhiều phong cách ẩm thực từ Á sang Âu. Tùy thuộc vào gu ăn uống ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia mà người ta sáng tạo nên những món riêng.

Cà tím sống có tính đắng, hơi hăng nhẹ. Khi chế biến cần ngâm qua nước muối để tránh bị thâm, khi nấu chín thì vị hăng mất đi và thay vào đó là vị ngọt nhẹ, thơm. Phần cùi thịt dày và mềm nên khi chế biến rất dễ thấm gia vị, thậm chí phần cùi thịt của quả cà còn có khả năng hấp thụ tốt dầu mỡ, làm cho món ăn trở nên giàu dinh dưỡng hơn.

Các món ngon từ cà tím

Người Việt thích ăn cà tím, nhưng người miền Bắc lại chuộng cà tím tròn và thường dùng trong các món nấu hoặc muối xổi, trong khi người miền Nam lại ưa loại cà dài dùng trong các món nướng, lẩu…

Ở Hà Nội hay một số tỉnh thành phía Bắc, nhắc đến cà tím thì hẳn chẳng thể bỏ qua món cà bung (hay cà om). Thường người ta chọn cà tím loại quả tròn do phần cùi thịt chắc hơn, khi om, nấu sẽ rất phù hợp. Ở món cà bung thì các thành phần kết hợp không thể thiếu là cà tím, đậu phụ nướng (hoặc rán), thịt ba chỉ, hành, cà chua, lá lốt, tía tô. Cà được sơ chế trước bằng cách cắt múi cau rồi ngâm nước muối loãng cho hết nhựa, tránh thâm, sau đó đem xào qua. Thêm thịt ba chỉ đã xào sém cạnh, đậu rán, cà chua và chút nước, nêm nếm gia vị… cứ thế om lửa vừa cho đến khi cà chín mềm, thịt và đậu thấm gia vị là được. Trước khi bắc ra ăn thì bỏ thêm hành, tía tô, lá lốt thái rối vào, thưởng thức ngay khi nóng.

Với các món om như ếch, lươn hay ba ba om cà… cũng làm gần giống như món cà bung, có thể ăn cùng cơm hoặc bún. Ở miền Bắc, món cà bung rất được ưa chuộng vào mùa thu, đông. Khi thời tiết bắt đầu se se lạnh, thưởng thức món cà bung sẽ đem lại cảm giác ngon lành và ấm áp.

Trong món lẩu mắm của người miền Tây, ngoài các thành phần như tôm, cá, hải sản, chả ớt, vô vàn các loại rau… thì món không thể thiếu trong nồi lẩu chính là cà tím. Lẩu mắm hay bún mắm chuộng loại cà tím dài. Một nồi nước lèo mắm cá thơm phức, các loại hải sản đủ màu sắc, thì những khúc cà tím nổi trên mặt quả là hấp dẫn. Ngoài ra, người miền Tây còn chuộng một món ăn từ cà tím khác là cà tím nướng mỡ hành. Cà được nướng cả quả trên bếp than hồng cho đến khi lớp vỏ cháy đen thì cũng là lúc lớp cùi thịt bên trong chín thơm. Bóc lớp vỏ bên ngoài lấy lớp thịt cùi rồi tách đôi ra rưới lên trên hỗn hợp mỡ hành có pha thêm nước mắm, đường, bột ngọt. Cà tím nướng ăn rất ngọt, thơm, thêm chút ngậy ngậy của mỡ hành, chút mặn của nước mắm, thêm chút bùi bùi của lạc rang nữa thì còn gì bằng. Ở phiên bản khác của món cà tím nướng là áp chảo, xốt dầu hào, xốt mắm me, mắm tỏi, xốt thịt bằm, xốt cà chua, xốt chua ngọt… cũng đều đem đến những hương vị riêng.

Cà tím nhồi thịt cũng là món được ưa chuộng. Người ta khoét một phần cùi ruột rồi nhồi thịt băm đã tẩm ướp vào giữa rồi chiên vàng hai mặt. Sau khi chiên có thể ăn trực tiếp bằng cách chấm mắm, hoặc có thể làm nước xốt dầu hào, xốt cà chua, xốt nước tương rưới lên trên. Thậm chí lấy cả phần cùi thịt đã khoét trước đó dầm nát để làm một thứ nước xốt sệt rưới lên cũng đủ thú vị. Cũng có thể thay vì nhồi thịt thì lát mỏng từng miếng cà rồi đem cuộn thịt, tẩm bột chiên vàng cũng là một ý hay.

Cà tím ăn theo kiểu xào cũng có nhiều phong cách. Trước khi đem xào người ta sẽ bóp cà qua với muối cho hết nhựa rồi rửa, vắt sạch nước cho hết mặn. Sau đó có thể đem xào với thịt ba chỉ hoặc xào ớt chuông, đậu phụ chiên vàng, xào thập cẩm… Cà tím khi xào cũng rất nhanh và dễ thấm gia vị nên khi ăn khá đưa cơm.

Cà tím muối xổi thường người ta chọn loại quả tròn vì ăn sẽ có độ giòn. Sau khi sơ chế qua nước muối, đến khâu trộn thì thêm muối, ớt, tỏi, đường, giấm… trộn đều lên để 15 phút cho thấm, sau đó cắt nhỏ lá mùi tàu rắc lên cho thơm là có thể ăn được rồi. Món cà tím muối xổi có thể để 2 - 3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh, một số nơi còn cho thêm nước mắm hoặc nước tương vào để tăng độ thơm.

Người Việt thích ăn cà tím, nhưng người miền Bắc lại chuộng cà tím tròn và thường dùng trong các món nấu hoặc muối xổi, trong khi người miền Nam lại ưa loại cà dài dùng trong các món nướng, lẩu…